12/05/2011 07:46 GMT+7

Thêm 6 quan chức FIFA bị cáo buộc tham nhũng

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) lại dính nghi án tham nhũng. Cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) David Triesman vừa lên tiếng cáo buộc bốn thành viên Ủy ban điều hành FIFA đòi hối lộ để bỏ phiếu cho Anh trong cuộc bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018.

TT - Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) lại dính nghi án tham nhũng. Cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) David Triesman vừa lên tiếng cáo buộc bốn thành viên Ủy ban điều hành FIFA đòi hối lộ để bỏ phiếu cho Anh trong cuộc bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018.

Theo báo Guardian (Anh), những người bị ông Triesman tố cáo là Jack Warner - người Trinidad & Tobago, phó chủ tịch FIFA kiêm chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc - Trung Mỹ và vùng Caribê (CONCACAF); Ricardo Teixeira - chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF); Nicolas Leoz - người Paraguay, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) và Worawi Makudi - chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT).

Đòi tiền lấy phiếu

Phát biểu trước Quốc hội Anh trong cuộc điều trần tìm ra nguyên nhân việc Anh thất bại trong nỗ lực vận động đăng cai World Cup 2018, ông Triesman khẳng định thái độ cư xử của các ông Warner, Teixeira, Leoz và Makudi “thấp hơn các quy tắc đạo đức cho phép”. Theo ông Triesman, ông Warner đã đề nghị Anh đầu tư 2,5 triệu bảng Anh (4,09 triệu USD) “thông qua bản thân ông” vào một trung tâm giáo dục ở Trinidad & Tobago.

Ông Warner còn đề nghị ông Triesman hỗ trợ 500.000 bảng Anh (817.400 USD) qua ông ta để giúp Haiti mua bản quyền truyền hình World Cup. Trong khi đó, ông Leoz đề nghị được hoàng gia Anh phong tước hiệp sĩ để đổi lấy lá phiếu cho nước Anh. Ông Makudi muốn được trao bản quyền truyền hình một trận đấu giao hữu giữa Thái Lan và Anh. Còn ông Teixeira thì nhắn với ông Triesman rằng: “Hãy tới đây và nói cho tôi biết các ông có gì cho tôi”.

Ông Triesman đã nói với bốn quan chức rằng không thể đáp ứng các điều kiện họ đưa ra. Ông thừa nhận lẽ ra ông phải lập tức tố cáo bốn người này ngay sau khi họ đặt vấn đề đòi hối lộ. Tuy nhiên, FA đã quyết định im lặng vì sợ nếu lên tiếng, cơ hội giành quyền đăng cai World Cup 2018 của Anh sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng kết quả là trong cuộc bầu chọn hồi tháng 12-2010, Anh chỉ giành được vỏn vẹn hai phiếu, và Nga đã giành quyền đăng cai World Cup 2018.

BBC Sports cho biết ông Triesman đã cung cấp các bằng chứng cho Quốc hội Anh và cho biết sẽ trình bằng chứng lên FIFA. Nghị sĩ Anh John Whittingdale, chủ tịch Ủy ban Văn hóa - truyền thông và thể thao Hạ viện Anh, cho biết sẽ đề nghị chủ tịch FIFA Sepp Blatter mở cuộc điều tra các bằng chứng này.

Qatar mua phiếu?

Tại cuộc điều trần, các nghị sĩ Anh còn đưa ra một cáo buộc gây sốc khác. Nghị sĩ Damian Collins tuyên bố Quốc hội Anh đã nhận được bằng chứng từ báo Sunday Times cho thấy Qatar đã hối lộ 1,5 triệu USD cho hai thành viên Ủy ban điều hành FIFA khác là ông Issa Hayatou - người Cameroon, phó chủ tịch FIFA kiêm chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF) - và ông Jacques Anouma, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bờ Biển Ngà, để họ bỏ phiếu cho Qatar. Kết quả là Qatar bất ngờ giành quyền đăng cai World Cup 2022.

Theo bằng chứng của báo Sunday Times, Qatar đã thuê một người trung gian để thỏa thuận với các thành viên người châu Phi thuộc Ủy ban điều hành FIFA. Mới đây, Liên đoàn Bóng đá Qatar đã bác bỏ cáo buộc trên và cam kết sẽ hợp tác với FIFA nếu FIFA mở cuộc điều tra nghi án này. Giới quan sát cho rằng cáo buộc này còn nghiêm trọng hơn cả lời tố cáo của ông Triesman.

Reuters cho biết mới đây ông Warner đã mô tả cáo buộc của ông Triesman là “vớ vẩn”. “Tôi chưa từng đòi tiền Triesman hay bất cứ người nào để đổi lấy lá phiếu của tôi” - ông Warner tuyên bố. Ông Leoz không bình luận về cáo buộc của ông Triesman, còn CBF thông báo ông Teixeira đang chuẩn bị kiện ông Triesman.

Trong khi đó, chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố ông bị sốc khi nghe những cáo buộc này. “Nhưng chúng ta phải xem xét các bằng chứng đã - Reuters dẫn lời ông Blatter - Tôi nhắc lại, chúng ta phải có bằng chứng và chúng tôi sẽ lập tức hành động chống lại những kẻ đã vi phạm quy tắc đạo đức”.

Uy tín của FIFA đứng trước nguy cơ sụp đổ

Giới chuyên gia bóng đá nhận định đã đến lúc FIFA cần phải hành động mạnh mẽ để lấy lại uy tín. Tháng 11-2010, FIFA đã phải đình chỉ hai thành viên Ủy ban điều hành là ông Amos Adamu - người Nigeria, chủ tịch Liên hiệp Bóng đá Tây Phi và Reynauld Temarii - người Tahiti, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Đại Dương, sau khi báo Sunday Times đưa tin họ rao bán phiếu bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022. Với những cáo buộc mới đây, tổng cộng 8/24 thành viên Ủy ban điều hành FIFA đã dính cáo buộc tham nhũng.

Trong vòng ba tuần tới, ông Blatter sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ tư chủ tịch FIFA trước đối thủ Mohamed Bin Hammam - chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Dù ông Blatter chưa từng bị cáo buộc dính chàm, nhưng nhiều nghi án tham nhũng ở Ủy ban điều hành FIFA xuất hiện dưới thời của ông. Nếu ông Blatter không hành động mạnh mẽ và quyết liệt, có nguy cơ uy tín FIFA sẽ sụp đổ.

HIẾU TRUNG

__________

Tin bài liên quan:

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên