Giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho rằng, thể thao VN cần thay đổi tư duy để phát triển. Ảnh minh họa. Tác giả ảnh: N.K |
Hội nghị do Ủy ban Văn hóa Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng (UBVHTNTNNĐ) của Quốc hội tổ chức nhằm góp ý về việc thực hiện Luật TDTT 2006 và đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.
Trước đó, Ủy ban đã tổ chức 6 đoàn làm việc với các địa phương và tiến hành lấy ý kiến các chuyên gia thể thao khu vực phía nam. Sau hội nghị này, Ủy ban sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia khu vực miền trung và tổ chức cuộc làm việc với Ủy ban Olympic VN, các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết thể thao cần thay đổi tư duy để phát triển. Cụ thể, phải thúc đẩy việc làm kinh tế thể thao để lấy tài chính nuôi thể thao phát triển, đừng mãi chờ đợi vào ngân sách nhà nước.
Theo nghiên cứu của ông Chí, tại Mỹ ngành công nghiệp thể thao đóng góp 3,8% vào GPD quốc gia, tại Trung Quốc là 0.8%. “Sửa đổi Luật TDTT phải hướng đến việc 20-30 năm nữa thể thao phải là nền kinh tế. Muốn làm được vậy thì phải cho kinh doanh sớm các hoạt động như cá cược thể thao để có nguồn kinh phí tái đầu tư”- ông Chí cho biết.
Ông Lê Mạnh Hùng - phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá việc phát triển thể thao trong trường học thông qua hoạt động giáo dục thể chất còn gặp nhiều khó khăn. Phát triển thể thao trong trường học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thực tế bởi thiếu cơ sở vật chất, thiếu thời gian…
Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, thẳng thắn không đồng tình với báo cáo 10 năm thực hiện Luật TDTT của Bộ VH-TT&DL vì cho rằng báo cáo có quá nhiều bất cập, chưa phản ánh đúng thực tế. Ông Minh nêu rõ: “Luật TDTT mới bước đầu tạo hành lang pháp lý giúp công tác quản lý nhà nước về hoạt động TDTT chứ chưa tạo môi trường ổn định của thể thao như báo cáo nêu ra. Đánh giá về phát triển thể thao thành tích cao và thể thao trường học chưa đúng thực tế. Các Trung tâm HLTTQG còn gặp rất nhiều khó khăn, bắn súng thiếu đạn bắn, thiếu kinh phí để ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc phát triển trình độ VĐV. Xây dựng chế độ chính sách cho VĐV còn nhiều hạn chế…”
Ông Minh nói từ kinh nghiệm đi thực tế của mình: “Tôi thấy rằng sau 10 năm thực hiện luật TDTT thì thực tế tổ chức thực hiện luật kém hiệu quả. Vì tổ chức kém hiệu quả như vậy nên khi sáp nhập bộ đa ngành, có chủ tịch tỉnh đã tự ý giải tán trung tâm đào tạo VĐV đã thành lập được hơn 20 năm. Có chủ tịch tỉnh nói tôi làm chủ tịch tỉnh thì không làm bóng đá, bán đội bóng đá đi… Ngân sách chi cho thể thao không tăng trong 10 năm qua, chỉ dao động từ 0,9- 0,11% GDP. Trong khi yêu cầu tối thiểu để thể thao phát triển phải chiếm 1,5% GDP”.
“Vai trò của Ủy ban Olympic quốc gia, các liên đoàn, hiệp hội thể thao không được phát huy. Nó vẫn chỉ là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý nhà nước về thể thao. Tôi khẩn thiết đề nghị Quốc hội cần xem xét lại bộ máy, tổ chức, cơ chế làm việc của ngành thể thao. Trước mắt Bộ VH-TT&DL cần có sự phân cấp phân quyền rõ ràng cho ngành thể thao. Đây là nguyên nhân sâu xa trực tiếp dẫn đến việc không thực hiện được Luật và các vấn đề khác của thể thao”, ông Minh nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận