Đưa ra tiêu chí lựa chọn những cuốn sách hay nhất năm nay, đội ngũ biên tập viên của tờ The New York Times viết:
"Chúng tôi muốn chọn những cuốn sách để lại ấn tượng lâu dài. Đó là những câu chuyện, cuộc đời in sâu vào trái tim của độc giả, giúp họ mở mang hơn cả những điều đã biết".
Trong danh sách của The New York Times có 5 cuốn sách hư cấu: All Fours, Good Material, James, Martyr!, You Dreamed of Empires và 5 tác phẩm phi hư cấu: Cold Crematorium, Everyone Who Is Gone Is Here, I Heard Her Call My Name, Reagan, The Wide Wide Sea.
All Fours tục tĩu và nhân văn
Trên The New York Times, nhà văn Emma Cline nhận định: "All Fours sâu sắc, tục tĩu và rất nhân văn. Đây là tác phẩm nghệ thuật từ một tâm hồn hoàn toàn cởi mở và không sợ hãi".
Cuốn tiểu thuyết thứ hai của đạo diễn, nhà văn Miranda July kể về một nữ nghệ sĩ 45 tuổi, đã có gia đình. Trong chuyến đi phượt xuyên nước Mỹ, bà đã phải lòng một nhân viên cho thuê xe trẻ tuổi hơn.
Tác phẩm của Miranda July đã gây xôn xao trong giới văn học Mỹ năm nay. Quyển sách được xem là "chủ đề bàn tán của mọi nhóm chat, điển hình hơn là nhóm chat của những người phụ nữ trên 40 tuổi".
Thẳng thắn đề cập đến tình dục và thể hiện bằng văn phong hài hước, tác giả khép lại cuốn sách với một câu hỏi phổ quát nhất: Bạn sẽ đánh đổi điều gì để thay đổi cuộc sống của mình?
Good Material hài lãng mạn kinh điển
Trong cuốn Good Material mang màu sắc dí dỏm, vui nhộn của Dolly Alderton, nhân vật chính là một diễn viên hài 35 tuổi ở London đang cố gắng đi tìm lý do tại sao anh ta lại gặp đổ vỡ trong tình yêu vào thời điểm mà phần lớn bạn bè của mình đã yên bề gia thất.
Quyển sách có lời văn dí dỏm về những buổi hẹn hò đầu tiên ngượng ngùng, hành trình tìm tổ ấm khó quên của nhân vật.
Phá vỡ những khuôn mẫu giới sáo rỗng, cốt truyện hôn nhân truyền thống và cái kết hạnh phúc mãi mãi về sau, nhà văn Dolly Alderton đã tạo dấu ấn riêng cho mình trong thể loại hài lãng mạn kinh điển.
James - làm mới từ tác phẩm kinh điển trong nền văn học Mỹ
James là cuốn tiểu thuyết cải biên từ Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn của nhà văn Mark Twain, được đánh giá là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong nền văn học Mỹ.
Tác giả kể câu chuyện từ góc nhìn của Jim (James), một người đàn ông nô lệ đi cùng Huckleberry dọc theo sông Mississippi.
Qua góc nhìn của James, độc giả thấy ông không chỉ là một người bạn đồng hành mà còn là một "nhà tư tưởng" vờ như mình không biết chữ, luôn đấu tranh cho tự do dẫu có lúc tuyệt vọng.
The New York Times nhận định cần rất nhiều tham vọng, kỹ năng và tầm nhìn để làm mới một tác phẩm kinh điển trong nền văn học Mỹ nhưng tác giả Percival Everett đã chứng minh ông có được những điều đó trong tiểu thuyết James.
Martyr! - đi tìm ý nghĩa trong đức tin, cuộc sống
Martyr! kể về Cyrus Shams, một nhà thơ người Mỹ gốc Iran đang trong quá trình cai nghiện ma túy. Anh lạc lõng và chìm đắm trong nỗi đau vì cha mẹ đã qua đời và thậm chí còn nghĩ đến cái chết của chính mình.
Tác giả thúc đẩy Cyrus đến gần hơn với việc khám phá ra một bí mật trong quá khứ của gia đình, cũng là lời khẳng định rằng con người thường dành thời gian trong cuộc sống để đi tìm ý nghĩa trong đức tin, chính bản thân và người khác...
You Dreamed of Empires
You Dreamed of Empires, tiểu thuyết lịch sử của Álvaro Enrigue đưa độc giả đến Tenochtitlan thế kỷ 16 (nay là thành phố Mexico).
Hernán Cortés và các quần thần của mình đến cung điện của Moctezuma để tham dự một cuộc gặp gỡ ngoại giao, mặc dù căng thẳng nhưng cũng xen lẫn hài hước giữa các nền văn hóa và đế chế.
Cold Crematorium
Xuất bản lần đầu năm 1950, Cold Crematorium, hồi ký của nhà văn người Hungary József Debreczeni, là một kiệt tác chứa đựng sự lãnh đạm lạnh lùng và những quan sát trực diện.
Cuốn sách thuật lại trải nghiệm của tác giả khi bị trục xuất khỏi quê hương Hungary vào năm 39 tuổi và đến nơi ông gọi là "Vùng đất Auschwitz".
Everyone who is gone is here
Everyone who is gone is here là những phân tích về tình hình biên giới phía Nam nước Mỹ của Jonathan Blitzer, biên tập viên tờ The New Yorker.
Trong tác phẩm, anh cho rằng chính sách của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh đã dẫn đến việc xuất hiện các tiêu đề giật gân, trại giam giữ và trẻ vị thành niên không có người kèm cặp ngày nay.
I heard her call my name
I heard her call my name là hồi ký của Lucy Sante, nhà phê bình văn học và văn hóa kỳ cựu đã công khai là người chuyển giới ở tuổi 66.
Trong sách, qua những email gửi người thân, Lucy Sante đã đau đớn nhận ra "cuộc sống song song" của mình đã trôi qua mà bản thân không kịp hay biết.
Reagan
Reagan là cuốn tiểu sử về vị tổng thống thứ 40 của nước Mỹ, gây ấn tượng với ngôn ngữ sâu sắc và phong cách viết linh hoạt của nhà sử học, nhà phân tích chính sách đối ngoại Max Boot.
"Không ngoa khi nói rằng ta sẽ không thể hiểu rõ chuyện đã xảy ra với nước Mỹ trong thế kỷ 20 nếu không hiểu về cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan", Max Boot viết trong sách.
The wide wide sea
Trong The wide wide sea, tác giả Hampton Sides kể về chuyến đi vòng quanh thế giới thứ ba và cũng là cuối cùng của sĩ quan hải quân Anh James Cook vào thế kỷ 18.
Tác phẩm mang đến một bức tranh sống động và cuốn hút với nhiều tư liệu từ ghi chép trực tiếp của các thủy thủ châu Âu và những câu chuyện truyền miệng của người dân bản địa trên các đảo Thái Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận