10/03/2010 22:54 GMT+7

The Hurt Locker: mở ngăn tủ riêng của người lính

THÀNH ĐỨC
THÀNH ĐỨC

TTO - Siêu phẩm hiện thực The Hurt Locker đã đánh bại “bom tấn” Avatar tại lễ trao giải Oscar lần thứ 82. Điều đó càng cho thấy sức hút mãnh liệt từ tác phẩm “gai góc” này lớn đến cỡ nào.

33EIZzzg.jpgPhóng to
The Hurt Locker với nhân vật chính là trung úy William James do Jeremy Renner thủ diễn

The Hurt Locker thuộc thể loại hành động-chiến tranh nhưng phim không có nhiều màn đấu súng ngoạn mục, không có nhân vật anh hùng chính nghĩa, cũng chẳng có kẻ chính người tà. Vì vậy, The Hurt Locker có nét lạ, sống động và thực tế hơn so với rất nhiều bộ phim chiến tranh khác của Hollywood.

Đất nước Iraq trong một ngày nắng gắt, biệt đội Delta đang gỡ bom trên một con phố. Bom nổ, người chỉ huy hòa mình vào cát bụi. Thân xác người chết được trả về cùng những kỷ vật và The Hurt Locker đã bắt đầu như thế, khô cằn, gai góc nhưng lôi cuốn…

Góc quay lạ và dàn diễn viên không tên tuổi

Phim lấy bối cảnh tại đất nước Iraq nên cảnh quan mà người xem thu vào tầm mắt chỉ toàn là sa mạc nóng bỏng, đường phố xơ xác cùng vô số rủi ro đến từ những quả bom, tạo cảm giác nặng nề với cuộc chiến chán chường và bế tắc.

Ngoài nội dung sâu sắc của nhà biên kịch Mark Boal, The Hurt Locker còn được sự hỗ trợ đắc lực từ những chiếc máy quay tay. Những cú lia liên tục, zoom in/zoom out đủ kiểu, khung hình rung động lắc lư tưởng chừng khiến người xem bị chóng mặt, nhưng ngược lại nó càng cho thấy cuộc chiến khốc liệt và tâm lý người lính chao đảo như thế nào. Điều này đã giúp phim tạo được cảm giác thật, và thật đến mức như đang xem một cuốn phim tài liệu.

9yRnFeP0.jpgPhóng to
Anthony Mackie vai Sanborn trong phim The Hurt Locker

The Hurt Locker được làm theo phong cách phim tài liệu không chỉ ở góc quay mà còn ở cách dàn dựng, cách kể chuyện, và đặc biệt là diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên không tên tuổi. Thật thú vị khi hai ngôi sao nổi tiếng là Guy Pearce và Ralph Fiennes chỉ vào vai phụ. Trong khi ba vai chính lần lượt do Jeremy Renner, Anthony Mackie và Brian Geraghty, những nghệ sĩ không mấy nổi tiếng, thủ diễn. Nhưng chính điều này đã giúp nhân vật của họ trở nên đời thường hơn, thể hiện trạng thái cảm xúc rõ nét hơn và có cảm giác họ không hề diễn một phút nào trên màn ảnh.

Có thể nói tất cả mọi thứ được vận dụng trong The Hurt Locker đã làm nên một mắt xích “lôi” khán giả vào “chuyến du hành” của nỗi sợ hãi và căng thẳng tột cùng. Độ hoành tráng và kỹ xảo trong The Hurt Locker có lẽ không sánh bằng những “siêu bom tấn” khác nhưng mỗi trường đoạn, mỗi cú nổ, âm thanh đều làm giác quan của người xem phải “động đậy”.

“Ngăn tủ” riêng của người lính

“Thế giới” trong The Hurt Locker chỉ đơn giản là cuộc sống thường nhật của ba con người đang vào sinh ra tử để thực hiện nhiệm vụ gỡ bom tại chiến trường Iraq. Phim là khoảng trời riêng của những người đàn ông phía sau chiếc áo lính. Nó xoáy thẳng vào tâm lý của người lính chiến và cảm xúc thật nhất của họ khi phải đối mặt với tử thần trong mọi khoảnh khắc.

Đó là Owen luôn căng thẳng và mặc cảm với nỗi sợ của chính mình. Là sĩ quan Sanborn, một người làm việc cẩn thận, bởi anh không muốn xảy ra bất cứ rủi ro nào để còn mạng mà trở về nhà. Hay trung úy William James, kẻ luôn tự tìm cho mình một cảm hứng, một thách thức để giảm bớt sự hồi hộp khi đối mặt với những quả bom.

Ba con người, ba tính cách nên mâu thuẫn xảy ra là lẽ đương nhiên. Thậm chí có lúc họ muốn triệt hạ lẫn nhau nhưng tính chất công việc đòi hỏi phải hợp tác, phải chia sẻ và biết lắng nghe nên trong mối quan hệ tưởng chừng như rất căng thẳng đó lại tồn tại sự gắn bó của tình anh em.

WLI7kwXV.jpgPhóng to
Brian Geraghty (trái) - vai Owen trong phim The Hurt Locker

Sự phức tạp về mặt tính cách được thể hiện rõ nét nhất trên nhân vật William James. Đối với công việc, thay vì phải căng thẳng, James xem nó như thú vui mỗi ngày. James gỡ bom không theo cách của một chuyên viên kỹ thuật mà là của một nghệ sĩ, rất bay bổng và đầy đam mê. Với đồng đội, một mặt James tự cao và láo lếu, nhưng mặt khác anh rất đáng yêu khi hòa đồng với bọn trẻ bản xứ hay khoảnh khắc anh trấn an đồng đội lúc gặp nguy hiểm.

Nữ đạo diễn Kathryn Bigelow cho mọi người thấy đằng sau những người lính mạnh mẽ kia lúc nào cũng là một “ngăn tủ” riêng để cất giấu tâm hồn yếu đuối của họ, thứ mà ít người trong chúng ta có thể thấy được. Và The Hurt Locker chính là chìa khóa để mở ngăn tủ đó.

Kết thúc phim là một nỗi niềm vô tận. Người xem sẽ cảm thấy sự sống và cái chết như một trò chơi may rủi trong chiến tranh. Và một câu hỏi được đặt ra trong đầu đó là cuộc chiến kia bao giờ sẽ kết thúc? Hay sẽ mãi tiếp diễn như câu nói của nhân vật William James: War is drug - chiến tranh là thuốc phiện

THÀNH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên