Hiện nay, Chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU cho phép công dân các quốc gia thành viên được đi lại trong khối mà ít chịu các biện pháp hạn chế - Ảnh: AP
Báo The Guardian đưa tin ngày 25-11, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất áp dụng thời hạn 9 tháng đối với hiệu lực của vắc xin COVID-19. Biện pháp này sẽ được áp dụng với cả hành khách đi lại bên trong Liên minh châu Âu (EU) và hành khách đi từ các khu vực khác vào khối này.
Nếu đề xuất này được các quốc gia thành viên cũng như Nghị viện châu Âu thông qua, từ ngày 10-1-2022, những khách bên ngoài EU sẽ phải xuất trình bằng chứng về mũi vắc xin COVID-19 tăng cường, nếu trước đó họ đã tiêm đủ liều vắc xin được hơn 9 tháng.
Trong khi đó, khách du lịch đi lại giữa các quốc gia thành viên EU sẽ phải đáp ứng yêu cầu tương tự để tránh phải xét nghiệm COVID-19, cách ly và những biện pháp hạn chế phòng dịch khác.
Lúc đó, thẻ thông hành COVID-19 nội khối - hay còn gọi là "Chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU" - sẽ chỉ có giá trị trong vòng 9 tháng sau khi các công dân EU tiêm đủ liều vắc xin COVID-19: 1 liều đối với vắc xin Hãng Johnson & Johnson và 2 liều đối với Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Đây là 4 loại vắc xin COVID-19 được phê duyệt sử dụng trong EU.
Dữ liệu được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) công bố gần đây cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin COVID-19 giảm dần sau 6 tháng tiêm. Họ khuyến cáo nên tiêm mũi vắc xin tăng cường để kéo dài khả năng miễn dịch sau khoảng thời gian đó.
Nếu được áp dụng, đề xuất trên sẽ ảnh hưởng tới nhiều du khách quốc tế muốn tới EU, đặc biệt là những người đã hoàn tất tiêm chủng hơn 9 tháng và chưa được tiêm mũi tăng cường do quốc gia của họ chưa triển khai tiêm.
Theo báo The Guardian, đề xuất của EC một phần mang tính khoa học, một phần là chính sách thực tế. EC đưa ra thời hạn 9 tháng như trên thay vì 6 tháng (khả năng suy giảm miễn dịch sau 6 tháng), vì muốn dành ra thêm 3 tháng để cho phép chính phủ các nước triển khai tiêm mũi tăng cường.
Khu vực châu Âu tiếp tục ghi nhận sự gia tăng cả về ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 kể từ đầu tháng 10-2021, với hơn 2,4 triệu ca nhiễm mới và hơn 29.000 ca tử vong được báo cáo trong tuần từ ngày 15 tới 21-11 - Video: City News
Vậy còn về thời hạn với hiệu lực của mũi vắc xin tăng cường? Hiện nay EC vẫn đang đánh giá xem mũi tiêm tăng cường sẽ có hiệu lực trong bao lâu và vấn đề này chưa rõ.
"Rõ ràng đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Các quy định đi lại cần phải tính đến tình hình dễ thay đổi này" - ông Didier Reynders, ủy viên tư pháp EU, chỉ ra và hy vọng đề xuất mới sẽ được áp dụng từ đầu năm 2022.
Cũng theo các đề xuất mới, những du khách đã tiêm các loại vắc xin COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt nhưng lại chưa được EU chấp thuận vẫn có thể nhập cảnh vào EU, nhưng sẽ phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.
Trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không cần phải xét nghiệm và tiêm vắc xin COVID-19, còn trẻ em từ 6 đến 17 tuổi được yêu cầu có kết quả xét nghiệm COVID-19 mới được vào EU. Đối với việc đi lại của người dân các nước thành viên bên trong EU, trẻ em dưới 12 tuổi sẽ được miễn áp dụng các quy định đi lại.
Tình hình COVID-19 ở một số quốc gia châu Âu:
- Các số liệu chính thức được công bố ngày 25-11 cho thấy Đức đã trở thành quốc gia mới nhất vượt qua mốc 100.000 ca tử vong do COVID-19 kể từ đầu đại dịch.
- Slovakia đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 90 ngày và lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần, sau khi số ca COVID-19 tăng đột biến ở nước này, với số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày vượt 10.000 ca. Như vậy, Slovakia trở thành quốc gia châu Âu thứ hai áp dụng lệnh phong tỏa toàn bộ kể từ mùa hè năm nay, sau Áo.
- Chính phủ Pháp cho biết tình hình dịch ở Pháp "đang xấu đi" khi nước này ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày gần đây. Hôm 25-11, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran thông báo nước này sẽ bắt đầu tiêm mũi vắc xin tăng cường cho tất cả người dân trên 18 tuổi và yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở tất cả không gian kín.
- Chính phủ Ý đã quyết định không cho phép những người chưa được tiêm phòng tham gia một số hoạt động giải trí nhất định nhằm kiềm chế số ca nhiễm đang gia tăng và tránh áp lệnh phong tỏa.
- Áo đã phải áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc từ hôm 22-11. Lệnh phong tỏa sẽ kéo dài ít nhất 10 ngày và có thể lên tới 20 ngày.
- Tại Bỉ, hàng chục ngàn người đã biểu tình ở thủ đô Brussels vào cuối tuần trước để phản đối việc áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch. Từ hôm 22-11, người lao động sẽ làm tại nhà ít nhất 4 ngày một tuần, và người dân bị buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
- Nga đang có tổng số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu, với hơn 269.000 ca. Ngày 25-11, Nga công bố ghi nhận 33.796 ca nhiễm mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch ở nước này lên 9.468.189 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 1.238 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận