Dây chuyền sản xuất thép tại Nhà máy Posco SS-Vina, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Từng có chuyện nhiều doanh nghiệp thép lớn, dù nằm trong quy hoạch hẳn hoi, nhưng vẫn đứng ngấp nghé bên bờ vực phá sản. Trong khi đó vẫn có không ít dự án thép được cấp phép tràn lan, sai quy định nhưng chưa được giải quyết dứt điểm...
Phải cơ cấu lại sản phẩm công nghiệp
Theo GS Nguyễn Mại, các nước tại khu vực Đông Nam Á không làm thép như VN. Ông dẫn chứng Malaysia khi bắt đầu công nghiệp hóa năm 1990, chỉ sau chục năm, tức vào năm 2000, nước này đạt kim ngạch xuất khẩu là 87 tỉ USD, trong đó có 57 tỉ USD đến từ các sản phẩm điện và điện tử vốn được chú trọng phát triển.
“Nhiều nước không đi vào gang thép như kiểu cũ, mà đầu tư vào sản phẩm mới như dây điện cho ngành ôtô, ngành công nghiệp. Điều này giúp Malaysia có vị thế lớn trên thị trường thế giới, trong khi ta chỉ có 10 tỉ USD.
Việc Bộ Công thương cho rằng “phát triển công nghiệp đòi hỏi phải làm thép” là quan điểm cổ điển. Phát triển công nghiệp hóa theo hướng hiện đại phải cơ cấu lại sản phẩm công nghiệp, tập trung những ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường, ngành có giá trị gia tăng cao” - GS Mại khẳng định.
Thế giới lo ngại thép giá rẻ Trung Quốc
Tình trạng sản xuất dư thừa, vượt quá nhu cầu là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua và là một trong những tâm điểm ở Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc) vừa qua.
Theo Reuters, dù sản lượng thép đã giảm 2,8% trong năm qua, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2009, xuống còn 1,6 tỉ tấn, nhưng vẫn thừa hơn 700 triệu tấn.
Một nửa số thép toàn cầu do Trung Quốc sản xuất. Nhiều nước châu Âu, Mỹ đã gây sức ép để Trung Quốc giảm sản lượng, thậm chí đe dọa áp thuế chống phá giá, nhưng Bắc Kinh chỉ cam kết cắt giảm 45 triệu tấn trong năm nay và hướng đến giảm 150 triệu tấn đến năm 2020.
Từ năm 2014, do nhu cầu trong nước giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu thép giá rẻ, đẩy ngành thép các nước vào khó khăn. Tại Mỹ, hơn 19.000 công nhân ngành thép bị sa thải trong hai năm qua.
“Các chính phủ cần có những hành động mạnh mẽ để cắt giảm dư thừa, chấm dứt trợ giá cùng các biện pháp gây rối loạn thị trường và đảm bảo một sân chơi công bằng” - tuyên bố của một nhóm chín nhà sản xuất thép lớn gửi đến Hội nghị G20 hôm 7-9.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) vào cuối tháng 8-2016, sản lượng thép thế giới đạt 133,7 triệu tấn trong tháng 7-2016, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Trong đó chỉ có khu vực châu Á tăng, dẫn đầu là Ấn Độ với mức tăng 8,1% và Trung Quốc là 2,6%, trong khi các khu vực khác đều giảm (Liên minh châu Âu giảm 4,6%, Bắc Mỹ giảm 0,4%...).
Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) ước tính khả năng sản xuất thép toàn cầu có thể đạt 2,42 tỉ tấn vào năm 2017 do sự mở rộng sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong khi đó, theo WSA, tiêu thụ thép của thế giới có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, năm 2016 giảm 0,8% so với năm trước, trong khi năm 2015 đã giảm đến 3% so với năm 2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận