29/12/2018 12:01 GMT+7

Thế giới chưa có chuẩn cảnh báo núi lửa

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Không giống như cảnh báo bão đã được phân loại theo cấp độ với những tiêu chuẩn được thống nhất cách hiểu trên toàn cầu, hiện trên thế giới không có hệ thống đo lường hay cảnh báo được chuẩn hóa về núi lửa.

Thế giới chưa có chuẩn cảnh báo núi lửa - Ảnh 1.

Dung nham nóng chảy từ núi lửa Soputan nhìn từ làng Silian Tiga ở Bắc Sulawesi, Indonesia ngày 16-12-2018 - Ảnh: Reuters

Ngày 22-12, một trận sóng thần có nguyên nhân từ núi lửa Anak Krakatau ở Indonesia phun trào đã khiến hơn 400 người chết và 1.485 người bị thương. Indonesia đã cảnh báo núi lửa ra sao?

Khoảng trống

Khi nhà chức trách Indonesia tăng mức độ cảnh báo của núi lửa Anak Krakatau từ 2 lên 3, để hiểu ý nghĩa của những con số này, chúng ta phải hiểu cách mã hóa và định nghĩa về mức độ nguy hiểm trong từng bậc của hệ thống cảnh báo được áp dụng tại Indonesisa.

Lý do cho sự thiếu vắng một tiêu chuẩn toàn cầu về cảnh báo núi lửa được trang tin Quartz giải thích là do sự ít phổ biến của các vụ phun trào núi lửa để các nhà khoa học có dữ liệu xây dựng một hệ thống cảnh báo rộng rãi các nguy cơ trong hiện tại và tương lai.

Người dân trên thế giới rất quan tâm đến tình trạng của các núi lửa - thể hiện qua mức độ cảnh báo nguy hiểm của chúng.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Giám sát núi lửa thế giới (WOVO), trừ bảng cảnh báo riêng của ngành hàng không, hiện chưa có cảnh báo quốc tế tiêu chuẩn nào về núi lửa do 2 nguyên nhân: (1) sự khác nhau về cách hoạt động của mỗi núi lửa và khả năng giám sát của các quốc gia liên quan và (2) mỗi nhóm dân số khác nhau có nhu cầu về một hệ thống cảnh báo không giống nhau về màu sắc, ký hiệu và sự phân loại mức độ cảnh báo.

Khoảng trống hiện nay là chưa có sự liên thông và kết nối để chuẩn hóa một hệ thống cảnh báo núi lửa toàn cầu, trang Quartz nhận định.

3 hệ thống cảnh báo

Các nước có hệ thống giám sát núi lửa và phát triển những hệ thống cảnh báo khác nhau. Nhìn chung, những hệ tiêu chuẩn cảnh báo núi lửa hiện nay về quy mô và mức độ đang khá lộn xộn và có thể tạm xếp thành 3 nhóm.

Hệ thống cảnh báo màu. Phương pháp mã hóa màu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chú trọng vào tro - nguy cơ lớn nhất của núi lửa đối với máy bay. Tro có thể làm hỏng động cơ và gió có thể mang nó đi xa khỏi điểm xuất phát.

Bảng cảnh báo núi lửa của ngành hàng không được chia thành bốn màu: xanh lá cây, vàng, cam và đỏ. Màu đỏ thể hiện có một vụ phun trào đang hoặc sắp xảy ra và chỉ ra cho các phi công khả năng có tro đáng kể trong khu vực. Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đã sử dụng một số dạng màu sắc riêng trong các hệ thống cảnh báo của họ.

Hệ thống ký hiệu. Năm 2006, Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) đã tiêu chuẩn hóa các hệ thống cảnh báo mà cơ quan này đã phát triển trong quá trình giám sát núi lửa. Nó bao gồm các biểu tượng tương ứng như với hệ thống màu sắc của cảnh báo hàng không.

Tuy nhiên, vì các mức nguy hiểm trong không khí và trên mặt đất là khác nhau, các cấp độ này thay đổi độc lập với nhau khi cần thiết. Hệ thống bao gồm bốn cấp độ: bình thường, cần tư vấn, theo dõi và cảnh báo đối với các núi lửa dù đang ở trạng thái ngủ yên hoặc hoạt động.

Hệ thống số. Phần lớn các nước đều có một số hệ thống giám sát thể hiện qua con số trong nhiều lĩnh vực. Nhưng đối với cảnh báo núi lửa bằng hệ thống số, chúng ta cần thận trọng vì các con số có thể giống nhau nhưng mức độ nghiêm trọng là khác nhau rất nhiều, tùy thuộc vào loại hệ thống mà đất nước cụ thể nào đó áp dụng.

Indonesia là quốc gia sử dụng hệ thống cảnh báo số và xếp loại mức độ nguy hiểm từ 1 đến 4. New Zealand cũng sử dụng hệ thống số, nhưng bảng phân loại lên đến 5 và bắt đầu từ 0.

Do cùng tồn tại các hệ thống khác nhau, nếu là phi công, khi bay qua vùng trời Indonesia và New Zealand, màn hình sẽ hiển thị màu cam với 1/3 và 1/4 diện tích của hai nước. Tuy nhiên, cảnh báo sẽ là hình tam giác trong hệ thống của người Mỹ.

Indonesia áp đặt vùng cấm bay quanh núi lửa Krakatau Indonesia áp đặt vùng cấm bay quanh núi lửa Krakatau

TTO - Indonesia ngày 27-12 áp đặt vùng cấm bay 5km xung quanh núi lửa Anak Krakatau sau khi nâng cảnh báo về tình trạng của ngọn núi này lên mức cao thứ hai là mức 3.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên