Nhạc sĩ Tô Vũ: Một hành trình đa thanh điệu Nhạc sĩ Tô Vũ qua đời
Phóng to |
Nhạc sĩ Tô Vũ - Ảnh: T.T.D. |
Ngày 26-10-1956 là ngày khai giảng đầu tiên Trường âm nhạc VN tại số 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Lớp sáng tác khóa 1 do thầy Tô Vũ dạy tác khúc gồm nhiều nhạc sĩ nổi tiếng qua chín năm chống Pháp và sau này trong những năm chống Mỹ như: Hoàng Việt, Ngô Huỳnh, Hoàng Hiệp, Hồ Bông, Nguyễn Thành, Huy Thục, Hồng Thau, Tô Ngọc Thanh, Lê Quang Nghệ, Hồng Đăng, Trương Đình Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Cát, Nguyễn Liệu và Văn Tuyền.
Lúc đó, từ công trường nhà máy gỗ dán Cầu Đuống, tôi được về học bổ túc với nhiều thầy cô, chủ yếu là học piano và kiến thức âm nhạc cơ bản. Được hai năm thì tôi thi tuyển vào bộ môn sáng tác khóa 3 (1958 - 1962). Và người thầy đã tạo cho tôi bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác là giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ.
"Phải nói thầy là một bậc thầy về âm thanh học, một chuyên gia âm nhạc hàng đầu của VN và của cả thế giới về đàn đá VN" Nhạc sĩTHẾ BẢO |
Năm 1957, bài hát đầu đời của tôi là Gửi bạn Algérie được Đài Tiếng nói VN dạy hát trên làn sóng và được biểu diễn trong tháng ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Algérie chống thực dân Pháp. Thầy Tô Vũ phát hiện tôi có năng khiếu sáng tác và đã đề nghị ban giám hiệu cho tôi thi chuyển hệ chính quy ngành sáng tác. Vậy là tôi được học thầy, được thầy truyền dạy những kỹ thuật cơ bản trong việc sáng tác một bài hát. Dạy tác khúc, thầy đã trao cho tôi “cẩm nang” để khi tốt nghiệp có thể làm hành trang trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Năm 1970, trên đường vượt Trường Sơn về chiến trường Nam bộ, tôi mang theo nhiều tài liệu âm nhạc, trong đó có quyển Tác khúc của thầy Tô Vũ, và tôi lại truyền đạt nội dung cuốn Tác khúc trong trại sáng tác của Cục Chính trị Quân giải phóng và trại viết nhạc của tiểu ban văn nghệ R...
Trên con đường sáng tạo gian khổ, tôi đã học hỏi được nhiều từ sự uyên bác của người thầy. Thầy Vũ luôn luôn động viên, khích lệ những người học trò trong công việc sưu tầm và nghiên cứu dân ca. Nhiều công trình của nhóm sưu tầm dân ca Nam bộ chúng tôi ra đời, thầy đều nhiệt tình nhận viết lời giới thiệu. Trong các công trình sưu tầm ở nhiều vùng đất, tại Đồng Nai, Sông Bé, Bình Dương hay Đồng Tháp... chúng tôi đều lắng nghe những phản biện của thầy, thu nhận những góp ý chuyên môn, những kiến thức cổ kim, những tận tình chia sẻ của một người thầy.
Một người thầy thật hiền, sắc sảo và hóm hỉnh, còn về chuyên môn thì rất uyên bác. Chỉ riêng về các điệu lý thôi, thầy Tô Vũ đã có một cách nhìn sâu sắc khi khái quát: “Các điệu lý ở miền Bắc nói chung đều có phong thái trang trọng, duyên dáng và nếu có chút nào dí dỏm thì cũng biểu lộ kín đáo và tế nhị; các điệu lý miền Trung phần lớn đậm nét trữ tình, khắc khoải, man mác nỗi buồn. Và đại bộ phận điệu lý miền Nam lại tràn đầy tinh thần lạc quan, phóng khoáng và đặc biệt tính trào lộng hài hước” (trích Tản mạn quanh những điệu lý).
Chúng tôi vừa ra mắt cuốn sách Đi tìm kho báu vô hình, chưa kịp gửi tặng thầy thì thầy đã đi xa... Dẫu biết rằng thầy tôi tuổi tác đã cao, bệnh tật kéo dài nhưng sự ra đi của thầy làm cho tôi cảm thấy đang chịu một mất mát không thể nào tìm lại được - tình thương yêu của một người cha, tình thân thiết gắn bó, mối quan hệ thầy trò. Gần 60 năm như thế. Thầy luôn luôn có mặt trong mỗi công việc của tôi, luôn dành cho tôi những lời động viên khích lệ.
Thay mặt gia đình, tôi xin kính cẩn gửi nén nhang tiễn biệt người thầy kính yêu và nguyện luôn xứng đáng là học trò của thầy - giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ.
Vĩnh biệt tác giả Em đến thăm anh một chiều mưa Theo thông tin từ ban tổ chức tang lễ và gia đình, nhạc sĩ Tô Vũ - nguyên phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, phân viện tại TP.HCM - đã từ trần hồi 3g30 ngày 13-5 do tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 92 tuổi. Ông tên thật là Hoàng Phú, sinh ngày 9-4-1923 tại Bắc Giang nhưng từ nhỏ đã cùng gia đình chuyển về sống tại Hải Phòng. Trong khi người anh trai - nhạc sĩ Hoàng Quý - nổi tiếng với bài Cô láng giềng, nhạc sĩ Tô Vũ nổi danh với ca khúc Em đến thăm anh một chiều mưa, sáng tác vào năm 1947 (xem thêm bài “Nhạc sĩ Tô Vũ: Một hành trình đa thanh điệu”, Tuổi Trẻ ngày 13-4). Một số ca khúc nổi tiếng khác của ông: Ngày xưa, Tạ từ, Như hoa hướng dương, Tiếng chuông chiều thu... Không chỉ sáng tác, giảng dạy, ông còn là một nhà nghiên cứu có thâm niên và uy tín trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc cũng như âm nhạc hiện đại. Ông đã soạn bốn giáo trình quan trọng: Tác khúc, Khúc thức, Lịch sử âm nhạc dân tộc và Nhạc lý cao cấp (luật học). Với những đóng góp đó, ông đã nhận được Giải thưởng nhà nước năm 2001 và nhiều huân chương, giải thưởng khác. Tại TP.HCM, lễ viếng nhạc sĩ Tô Vũ bắt đầu từ 8g ngày 14-5 tại Nhà tang lễ TP.HCM. Lễ truy điệu lúc 17g ngày 14-5, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Tại Hà Nội, lễ viếng tại gia đình (số 3 ngách 75, ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám) vào ngày 16 và 17-5; an táng tại nghĩa trang Phi Liệt, TP Hải Phòng lúc 8g ngày 18-5. |
Nhạc sĩ THẾ BẢO: Giáo sư Tô Vũ là thầy của những người thầy Với âm nhạc, giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ gần như là tự học nhưng ông vẫn có được những thành tựu đáng nể. Có thể nói ông là một trong những người thầy đầu tiên của Trường Âm nhạc VN và tham gia giảng dạy từ đó (năm 1955) cho đến khi sức khỏe không cho phép ông đứng lớp nữa. Trong số học sinh đã thụ giáo thầy có tôi và rất nhiều giáo sư, nhạc sĩ, nghệ sĩ có tiếng tăm khác như: Hoàng Việt, Ngô Huỳnh, Hoàng Hiệp, Tô Ngọc Thanh, Thụy Loan, Vĩnh Cát, Huy Thục, Hồng Đăng, Lư Nhất Vũ... Không chỉ sáng tác, giảng dạy, giáo sư Tô Vũ còn có rất nhiều công trình nghiên cứu, trong đó công trình hiện đang được rất nhiều người làm nghề như chúng tôi tham khảo là cuốn Âm nhạc VN truyền thống và hiện đại (phát hành năm 2001). Ngoài công trình đó, cá nhân tôi cũng đặc biệt quan tâm đến những bài viết âm nhạc về đàn đá của thầy. Phải nói thầy là một bậc thầy về âm thanh học, một chuyên gia âm nhạc hàng đầu của VN và của cả thế giới về đàn đá VN. Trong đời sống, chúng tôi - những học trò của thầy không chỉ học được từ thầy kiến thức uyên bác sâu rộng từ đông tây kim cổ mà còn học thầy tấm lòng bao dung độ lượng. Với học trò, thầy sẵn sàng gặp gỡ, hướng dẫn, giải thích, bảo ban khi chúng tôi cần đến thầy. Thầy luôn hỏi thăm và dõi theo từng bước đi của chúng tôi. Đó là lý do vì sao đã có nhiều thế hệ học trò trưởng thành nhờ sự dìu dắt của thầy. Thầy cũng là người có tâm hồn trong sáng, nhân hậu, sống ung dung tự tại với nụ cười luôn nở trên môi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận