Phóng to |
Kỳ 1: Giỏi cũng phải... chi tiềnKỳ 2: Luyện “gà chọi” cấp tốcKỳ cuối:Đừng biến thành cuộc đua thành tích
Theo một lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), hai quy định quan trọng là tuyển thẳng học sinh đoạt giải và cho phép các trường chuyên mời chuyên gia, giáo viên nơi khác giảng dạy, bộ đã bỏ nhưng rồi lại khôi phục. Khôi phục để thu hút học sinh tham gia, nhưng tất yếu sẽ kèm theo sức ép căng thẳng. Do đó, việc sửa đổi quy chế thi học sinh giỏi đã phải cân nhắc rất nhiều.
Điều chỉnh quy trình ra đề
Để hạn chế tiêu cực có thể phát sinh khi bãi bỏ lệnh “ngăn sông cấm chợ” không cho chuyên gia, giáo viên nơi khác tập huấn học sinh giỏi, theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, quy trình ra đề thi đã có những điều chỉnh. “Sẽ không chọn đề thi nguyên vẹn của một giáo viên nào trong bộ phận ra đề thi. Mỗi người sẽ đóng góp ý tưởng, sau đó ban đề thi biên soạn thành đề chính thức. Nhưng khi thành đề thi chính thức cũng không còn nguyên vẹn bản gốc nữa. Năm nay nếu ở tỉnh thành nào thầy cho học sinh luyện tủ sẽ không hiệu quả” - lãnh đạo cục khẳng định.
Nhiều người tâm huyết với việc đào tạo học sinh giỏi đã hiến kế: “Muốn tránh tiêu cực nên thay đổi người được mời ra đề thi”. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay bộ cũng nghĩ đến việc này, nhưng gặp khó trong việc “giữ chân” được nhiều người ra đề, để có thể luân chuyển. Theo quy định của Bộ Tài chính, thù lao cho người ra đề thi học sinh giỏi không khác gì ra đề bình thường, áp lực lại nhiều nên không phải ai cũng nhiệt tình tham gia. Trong khi không thể phủ nhận đây là công việc đặc biệt, phải “chọn mặt gửi vàng”.
“Người của bộ” không được đề xuất đề thi Một lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay để hạn chế tiêu cực, bộ đã “chốt” và mời thành viên ban đề rất muộn. Một trong những tiêu chí để mời người ra đề là “tâm huyết với sự nghiệp phát triển nhân tài”. Người của cục không được phép can dự, đề xuất đề thi, chỉ được thẩm định đề. Sau kỳ thi, đề thi, đáp án sẽ được công khai trên mạng của Bộ GD-ĐT để xã hội đánh giá và cũng là tài liệu cho các trường chuyên tham khảo. |
Giáo viên phổ thông tham gia
Hiện nay bộ không có quy định nào cấm các thành viên trong danh sách mời tham gia ra đề tổ chức tập huấn đội tuyển, kể cả người của bộ. Nhưng theo ông Nguyễn Vinh Hiển, trong năm nay và các năm sau nếu bộ phát hiện có tiêu cực ở người ra đề thì sẽ phải thay đổi. Hướng luân chuyển người ra đề thi học sinh giỏi quốc gia là phương án lựa chọn nhằm giảm tiêu cực. Từ năm 2012, ngoài chuyên gia của các trường đại học, thành viên ra đề thi học sinh giỏi quốc gia sẽ có một số giáo viên phổ thông. Năm 2012 có trên 10 giáo viên phổ thông tại các tỉnh tham gia, bảo đảm môn nào cũng có giáo viên phổ thông. Dự kiến các năm sau, tỉ lệ giáo viên phổ thông tham gia ban đề sẽ tăng lên.
Trao đổi về xu hướng tiếp tục đi lệch của một số trường chuyên, mà biểu hiện rõ nhất là trước kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các trường miễn hoàn toàn các môn học khác để học sinh đội tuyển tập trung học môn chuyên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT bày tỏ quan điểm: trường chuyên cũng phải đảm nhiệm những nhiệm vụ như trường bình thường. Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh quy định về kiểm tra, đánh giá học sinh ở bậc trung học, trong đó trường chuyên và không chuyên phải thực hiện như nhau. Trước đây, bộ quy định ở trường chuyên môn toán, văn được nhân hệ số 2 nhưng bây giờ đã bỏ quy định này. Dần dần nhận thức của các nhà trường, phụ huynh và học sinh sẽ phải thay đổi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Sở nói không biết - không ai tin * Theo đánh giá của thứ trưởng, việc học sinh lớp 10 và 11 tại nhiều trường chuyên được huy động đóng góp, dành tiền để mời thầy bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi quốc gia lớp 12 được chính lãnh đạo trường gọi là “chơi họ” liệu có đúng tinh thần đóng góp “tự nguyện”? - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trước khi báo chí thông tin, tôi không hề biết lại có hình thức góp tiền thế này tại một số trường chuyên. Tuy nhiên, thu theo cách bổ đầu từng học sinh và với mức thu khá cao (100.000-300.000-500.000 đồng/người) thì tôi chắc là không có chữ “tự nguyện” ở đây rồi. Về mặt chủ trương là không nên làm, về nguyên tắc tự nguyện thì hình thức này đã vi phạm nghiêm trọng. Tự nguyện ở trường chuyên hay trường thường cũng vậy, gia đình học sinh nào có điều kiện thì góp thêm, học sinh nào gia đình khó khăn thì nhà trường phải chung tay hỗ trợ. Nhưng tuyệt đối không được phép đặt ra quy định thu tiền để loại những học sinh có năng lực nhưng nghèo. * Trao đổi với báo chí, giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Đỗ Thế Hùng nói việc thu tiền của học sinh là xã hội hóa, do trường “chủ động”, “tự làm”, chứ không phải “chủ trương của sở”? - Việc thu quỹ ở trường, sở nói không biết, không ai tin được. Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia thực chất là đội tuyển của tỉnh, của sở chứ không phải của riêng trường. Là cơ quan quản lý, sở luôn có “kênh” kiểm tra, giám sát, yêu cầu trường phải báo cáo đầy đủ. Ngay cả chuyện thu chi do hội phụ huynh đứng ra, nhà trường cũng không thể nói “không biết” được, nhất là việc thu chi cho mục đích dạy học. Nhà nước có ít thì dân phải lo thêm, nhưng trường đã thu thêm thì phải chi hiệu quả, đừng bớt xén. Về nguyên tắc, quỹ của hội phụ huynh là tự nguyện do phụ huynh đứng ra thu. Nhưng việc hội phụ huynh sử dụng quỹ chi hỗ trợ việc dạy học thì trường phải nắm rõ. Theo quy chế ban đại diện cha mẹ học sinh mà bộ vừa ban hành, quỹ phụ huynh không được phép chi cho việc hỗ trợ dạy và học. Nếu nhà trường nói chung và trường chuyên được giao nhiệm vụ tập huấn học sinh giỏi nói riêng cần kêu gọi xã hội hóa, người đứng đầu nhà trường phải có trách nhiệm tổ chức kêu gọi xã hội hóa theo đúng quy định, chứ không được giao cho hội phụ huynh. Trường phải có kế hoạch, dự toán, giải trình việc thực hiện, kết quả thực hiện một cách rõ ràng. * Nhiều chuyên gia, giảng viên giỏi nhận của một số tỉnh thành vài triệu đồng/buổi tập huấn. Thứ trưởng có ý kiến gì về việc này? - Đây là vấn đề liên quan đến cả người chi tiền và nhận tiền. Trong khi kinh phí của các tỉnh eo hẹp, phải thu thêm của dân thì cần cân nhắc kỹ, việc đáng chi mới chi. Còn người nhận tiền cũng không nên vì sự cần kíp của các tỉnh thành mà bắt bẻ, lợi dụng. Thực tế trong việc tập huấn học sinh giỏi có nhiều nơi làm tốt, có nhiều thầy, cô giáo cũng tâm huyết, dạy học sinh không lấy tiền, nhưng có nơi chưa tốt, chưa hợp lý. Nơi nào chưa tốt thì phải góp ý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận