23/06/2017 09:16 GMT+7

Thay Thái tử giữa dòng, Saudi Arabia muốn thoát khỏi dầu mỏ

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Việc đưa Hoàng tử Mohammed bin Salman lên làm Thái tử cho thấy Saudi Arabia đang muốn đưa quốc gia này đổi mới kinh tế bớt phụ thuộc vào dầu mỏ.  

Mohammed bin Salman (trái) và Mohammed bin Nayef trong bức ảnh chụp tại một cuộc họp ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia năm 2015 - Ảnh: AFP
Mohammed bin Salman (trái) và Mohammed bin Nayef trong bức ảnh chụp tại một cuộc họp ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia năm 2015 - Ảnh: AFP

Giữa lúc các nước vùng Vịnh đang thu hút sự chú ý xung quanh chiến dịch cô lập Qatar, ngày 20-6, Saudi Arabia đã xuất hiện một điểm nóng khác: hoàng tử Mohammed bin Salman, con trai của quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, được chỉ định làm thái tử, thay thế vị trí của Mohammed bin Nayef.

“Ngài tất cả”

Sau khi được phong làm thái tử, chắc chắn cái tên Mohammed bin Salman sẽ tiếp tục là đề tài nóng bỏng trên các mặt báo quốc tế trong tương lai.

Vì thế, nhiều tờ báo phương Tây không vô cớ khi chuẩn bị sẵn cụm viết tắt “MBS” để đề cập tới Mohammed bin Salman, nhằm khỏi phải lặp lại những cái tên dài và dễ lẫn lộn trong vương triều Saudi Arabia.

Bên cạnh tước vị mới, MBS tiếp tục giữ chức phó thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng. Các nhà ngoại giao phương Tây vì thế cũng gọi MBS là “Mr. Everything” (tạm dịch: Ngài tất cả), để nhấn mạnh rằng giờ đây thái tử của Saudi Arabia đang kiểm soát gần như mọi vị trí chủ chốt từ quốc nội, đối ngoại lẫn quốc phòng.

Từ chỗ hầu như vô danh, MBS đã nhanh chóng xây dựng tên tuổi và giữ các vị trí cấp cao kể từ lúc quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud kế thừa ngôi vua tháng 1-2015, thời điểm quốc vương Abdullah bin Abdulaziz băng hà.

Như vậy chỉ sau hơn hai năm, MBS đã được đặt vào một vị trí tối quan trọng khi chưa tròn 32 tuổi. Và việc thay thế Mohammed bin Nayef cũng đồng nghĩa MBS đang chờ ngày trở thành tân quốc vương Saudi Arabia, vì quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud năm nay đã 81 tuổi và được cho có sức khỏe không tốt.

Thời đại mới ở Saudi Arabia

Chưa ai lý giải được tại sao Saudi Arabia lại đi tới quyết định thay thái tử có phần đột ngột này. Nhiều thông tin trái chiều, bao gồm thuyết âm mưu về một “cuộc chiến vương quyền” cũng xuất hiện đầy rẫy. Nhưng tựu trung, sự hiện diện của MBS trong tư thế thái tử có vẻ là tín hiệu đổi mới cho vương quốc này.

Thực tế, trước đây quốc vương Salman cũng từng gây ngạc nhiên khi đưa Mohammed bin Nayef, một người cháu, lên làm thái tử. Bất chấp đây là quyết định “có thể hiểu được”, xét tới thanh danh và đóng góp của bin Nayef thì nó cũng là khởi nguồn cho sự cạnh tranh nội bộ.

Nói cách khác, quốc vương Salman đã chọn bin Nayef như một phương án an toàn, tránh xung đột khi ông vừa thừa kế ngôi vua. Và ngay từ đầu ai cũng biết ngày bin Nayef bị tước quyền lực cũng phải đến.

Trong mắt phương Tây, bin Nayef là nhân vật được giới tình báo đánh giá cao, có uy tín trong việc chống khủng bố. Vì vậy, bin Nayef còn được coi là “hoàng tử bóng đêm”.

Tuy nhiên ở tuổi 57, bin Nayef nhận điểm trừ ở chỗ ông ta đại diện cho trường phái cứng rắn, bảo thủ. Ngược lại, MBS là hiện thân của tuổi trẻ, sự đổi mới. Đài phát thanh NPR (Mỹ) hôm 21-6 cho biết giới trẻ Saudi Arabia trên mạng xã hội đã hoan hỉ với sự kiện MBS lên ngôi thái tử.

Hơn một nửa dân số Saudi Arabia hiện dưới 25 tuổi và 70% dưới 35 tuổi, theo First Post. Chính vì vậy, MBS là làn gió mới và phù hợp cho sự thay đổi, bất kể xuất hiện nhiều ý kiến e ngại tân thái tử này ham quyền lực hoặc yếu kinh nghiệm.

Điểm mấu chốt khiến MBS được chọn chính là khuynh hướng cải cách kinh tế. MBS chính là người đứng sau kế hoạch Tầm nhìn 2030 (Vision 2030), nhằm đưa Saudi Arabia thoát khỏi việc gần như hoàn toàn lệ thuộc vào ngành công nghiệp dầu mỏ.

Nhiều kỳ vọng với tân thái tử

Tân thái tử của Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud (MBS) sinh ngày 31-8-1985, xứng đáng là một trong những người trẻ quyền lực nhất thế giới thời điểm này.

Sau khi thay thế Mohammed bin Nayef, MBS được kỳ vọng sẽ giải đáp ít nhất bốn vấn đề của Saudi Arabia bao gồm: thị trường dầu mỏ, cải cách kinh tế, chính sách đối ngoại và quan hệ với Mỹ.

Tác động tới cuộc khủng hoảng Qatar

Trước mắt, nhiều khả năng MBS sẽ đẩy cuộc khủng hoảng vùng Vịnh với Qatar lên cao. Báo New York Times (Mỹ) cho biết MBS đã trở nên thân thiết với Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan, thái tử của Abu Dhabi tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Chính hai người này đã tích cực cô lập Qatar. Trong khi đó, Mohammed bin Nayef - người vừa bị tước quyền lực - được cho có hướng đi ngược lại, rất nồng ấm với Qatar.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên