04/05/2004 08:19 GMT+7

"Thay hồn, đổi xác" xe gắn máy

MINH LUẬN - YÊN LAM
MINH LUẬN - YÊN LAM

TT - Một xe gắn máy Trung Quốc, nếu muốn “lên đời” với bộ máy toàn đồ “zin” của xe Citi hay Dream, chỉ trong vòng ba giờ “xẻ thịt” sẽ “thay hồn, đổi xác” với giá dao động từ 1,5 - 4,5 triệu đồng/chiếc.

m3PaqVlS.jpgPhóng to
Một tay cò đang định giá chiếc Citi vừa được "đề - lô" chẻ về ở khu vực xã Tân Thạnh Tây (Củ Chi), vài giờ sau chiếc xe này bị "luộc" banh xác để ráp qua chiếc xe Tàu - Ảnh: YÊN LAM
TT - Một xe gắn máy Trung Quốc, nếu muốn “lên đời” với bộ máy toàn đồ “zin” của xe Citi hay Dream, chỉ trong vòng ba giờ “xẻ thịt” sẽ “thay hồn, đổi xác” với giá dao động từ 1,5 - 4,5 triệu đồng/chiếc.

Thoạt nhìn cứ tưởng đó chỉ là một dịch vụ bình thường ở khu vực Củ Chi (TP.HCM) và một số xã giáp ranh biên giới Campuchia thuộc huyện Đức Huệ (Long An), nhưng thật ra nó chẳng bình thường chút nào khi biết rằng nguồn xe Citi, Dream bị “luộc” là xe lậu được các tay “đề - lô” chẻ về từ Campuchia, hoặc xe “đá” (xe trộm cắp) đi ngược từ TP.HCM sang Campuchia và quay về VN.

Xe gắn máy “hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Một ngày cuối tháng tư, trong vai một nhân viên tiếp thị mỹ phẩm chúng tôi có mặt tại quán cà phê không tên góc ngã tư cầu vượt Củ Chi, đường về Hậu Nghĩa (Long An). Với ý định muốn mua một xe gắn máy không giấy tờ để đi giao hàng, chúng tôi tiếp xúc với tay “cò” Đ.Đ. nhà ở khu phố 2, thị trấn Củ Chi.

Khi biết ý định của chúng tôi, Đ. nói ngay: “Mấy anh mua loại xe đó làm chi, bây giờ đâu ai chạy xe không giấy nữa. Tốt nhất là đem xe Tàu của anh lên đây tụi tui móc máy chiếc Citi gắn vào cho, bảo đảm thay xong anh cày tới bến cũng không sao”.

Nói rồi Đ. đưa ra các mức giá khá hấp dẫn, qua đó chỉ cần độ 1,5 - 2 triệu đồng là có thể “đổi đời” cho chiếc xe Tàu của tôi. Chúng tôi làm bộ ngu ngơ: “Thay như vậy lỡ bị công an bắt thì sao?”. Đ. giải thích cặn kẽ rằng dù cho có “luộc banh xác” chiếc xe Tàu để thế vào đó là “hồn” của xe Citi hay Dream Nhật cũng không sao cả vì số khung và số máy vẫn được giữ lại. Đ. còn chua thêm: “Giống như anh đi xe Tàu máy dỏm quá, anh thay phụ tùng xịn vào thôi”. Tôi nhìn quanh, thấy trong quán lúc này có gần 20 người khách đang ngồi tụm năm, tụm bảy uống cà phê và tán gẫu, Đ. cho biết tất cả những người đó đều là “cò mổ xe” như mình, trong đó một vài đại gia được Đ. “điểm mặt” và gọi họ là “cò cha”.

Theo lời Đ., những chiếc xe này được đội quân chẻ thuê mang từ biên giới qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) về Củ Chi. Và tại đây các thợ sửa sẽ mổ xe theo đơn đặt hàng của khách. Phần lớn khách hàng của chợ “luộc” xe này lại ưa thích loại xe Citi giò gà hoặc Citi phuộc, vì máy tốt và hợp với túi tiền, còn xe Dream thì rất hiếm.

Thời gian gần đây, nhu cầu “lên đời” cho xe Tàu của người dân rất cao nên mỗi tháng chỉ riêng mình Đ. có thể “luộc” đến hàng chục chiếc. Đ. thừa nhận hiện nhu cầu mua lại xe “mọi” - xe không giấy đưa từ Campuchia về - rất nhiều, có lúc xe “mọi” không về kịp, bí quá phải qua Đức Huệ lấy hàng “đá” về xài đỡ. Thật ra hàng “đá” chỉ để luộc bán phụ tùng thôi vì nó toàn xe Nhật, Thái xịn nên rã ra bán từng món được tiền hơn.

Chúng tôi giả vờ mua giùm người bạn cặp phuộc của chiếc Dream 7 số, Đ. liền nhanh nhảu chào giá: “Bộ đó không quá 1 triệu đồng, còn mấy món đồ lòng, nồi, bình xăng con... đều có hàng “zin” 100%, muốn giờ nào cũng có, giá cả chỉ bằng 1/3 chợ Tân Thành thôi. Thậm chí hàng ở đây còn tuồn về cả chợ Tân Thành để tiêu thụ”.

Theo lời chỉ dẫn của Đ., chúng tôi cũng đến được một lò chuyên “mổ” và bán phụ tùng xe gắn máy. Một thanh niên ngoài 30 tuổi tên H.M. tiếp chúng tôi. Thoạt đầu trông chúng tôi có vẻ còn hoài nghi nên anh nói: “Ở đây chỉ bán toàn đồ Chợ Lớn lên thôi, muốn hàng xịn thì phải về chợ Tân Thành”.

Thấy chúng tôi có thiện chí lại được các cò xe ở chợ giới thiệu nên H.M. mới đi sâu vào trong nhà lôi ra cặp phuộc trước của Dream lùn đời 95 và chào với giá 600.000 đồng. Anh bạn đi cùng trả phân nửa, M. đòi chắc giá 400.000 đồng. Nhưng làm sao chắc chắn đây là phuộc “zin” của Dream lùn? H.M. liền vạch mã số chỉ tỉ mỉ giải thích cho chúng tôi và nói: “Hàng xịn mà giá bèo như vậy là vì tụi này lấy từ các cửa khẩu về nên mới có, chứ các anh mà vào các đại lý xe Honda thì phải gấp đôi, gấp ba chưa chắc mua được”. Thế mà trước đó Đ. quả quyết với chúng tôi rằng hàng xịn ở đây toàn... hàng xẻ thịt!

Xe “xà bần”

uxuKSo82.jpgPhóng to
Xe "mọi" đang đợi "thay hồn, đổi xác" - Ảnh: YÊN LAM
Vừa đến xã Mỹ Quí Đông (Đức Huệ), bất chợt hai thanh niên choai choai liền bám đuôi khi thoáng nhìn thấy chúng tôi đi trên chiếc Dream Tàu hiệu Loncin, mang biển số thành phố. Giáp mặt chúng tôi, hai thanh niên này vào đề ngay: “Các anh đi thay “ruột” cho xe phải không? Chỗ tụi này có dịch vụ bao từ A đến Z, đảm bảo lấy giá bèo cho bọn anh”. “Giá bèo là bao nhiêu?” - chúng tôi hỏi.

“Có nhiều giá lắm, tùy theo đời xe và thay bao nhiêu phần trăm nữa. Chẳng hạn nếu luộc banh xác toàn bộ chiếc Dream Thái 7 số thì lấy sáu tê (triệu). Đảm bảo không lai bất cứ một món đồ nào. Thu lại xe của anh 1,5 tê, mấy anh chỉ bù 4,5 tê”. Cũng theo lời rao của hai thanh niên này thì giá bèo nhất là chiếc Citi phuộc, đổi lại món “xà bần” hàng Tàu chúng tôi thì chỉ bù khoảng 2 tê. Viện cớ đi qua chợ biên giới mua một số hàng điện tử nữa và xem thêm giá cả thế nào rồi chiều sẽ trở lại trả lời.

Thắc mắc lớn của chúng tôi là món “xà bần” từ những chiếc xe Tàu sẽ đi đâu, về đâu khi nó đã được bóc ra từ bộ khung xe hợp pháp? Thắc mắc này được Đ. giải thích một cách gọn ơ: “Tụi tui ráp lại vào bộ khung xe Citi, Dream vừa được tháo ra đó, rồi tút lại một chút và bán cho mấy nhà vườn ở trong huyện họ dùng chở hàng hóa vòng vòng trong vườn, trong ấp”.

Cũng theo lời Đ. và một số tay cò khác thì hiện loại xe “xà bần” này đang hút hàng dữ dội. Do giá rẻ bèo, có chiếc chỉ khoảng 1,5 triệu đồng nên nhiều người đặt hàng mua mà không có để bán. Còn theo lời các tay “cò” khác thì xe “xà bần” còn được một vài “cò cha” thu mua để bung về tận các huyện Bảo Lộc, Đức Trọng (Lâm Đồng) và một số vùng nông thôn ở Bình Phước.

Một cò quả quyết rằng thời của xe “lăng quăng” (xe có giấy tờ Campuchia) đã qua lâu rồi, bây giờ người dân ở miệt này khoái xe “xà bần” hơn vì giá rẻ chưa bằng một nửa xe “lăng quăng”. Ở miệt nông thôn vùng Củ Chi (TP.HCM) và Đức Huệ (Long An) nếu bắt gặp một chiếc Citi hay Dream dùng làm xe lôi chở hàng chạy còng còng trên đường ruộng thì y như rằng đó là loại xe “xà bần” bất hợp pháp. Như vậy, rõ ràng một phần của những chiếc xe gắn máy hợp pháp đã bị “hóa thân” trở thành xe bất hợp pháp và nó ngang nhiên được đưa vào sử dụng như những phương tiện chuyên chở, lưu thông đắc dụng.

MINH LUẬN - YÊN LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên