07/08/2013 07:22 GMT+7

Thấy gì qua phổ điểm thi đại học những năm gần đây?

LÊ VIẾT KHUYẾN
LÊ VIẾT KHUYẾN

TT - Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi “3 chung” và phương án “điểm sàn” vẫn được bộ duy trì tiếp tục tới sau năm 2015 nên xin được góp vài ý kiến liên quan đến cơ chế xác định điểm sàn để mong khắc phục tình trạng cạn kiệt nguồn tuyển sinh của nhiều trường đại học và cao đẳng hiện nay.

7yJ6jyHd.jpgPhóng to
1. Theo quan niệm chung, phổ điểm thi đại học được hiểu là biểu đồ phân bổ điểm thi đại học theo từng môn thi và theo tổng điểm của cả ba môn thi. Phân tích kỹ phổ điểm thi đại học ở từng năm cho phép rút ra nhiều kết luận bổ ích.

Một là, đề thi có mang tính chuẩn mực và khách quan hay không? Theo lý thuyết đo lường và đánh giá trong giáo dục thì một đề thi được xem là “chuẩn” nếu phổ điểm có phân bố dạng hình chuông úp đối xứng. Nếu phân bố không đối xứng đỉnh phổ thường lệch về trái, được gọi là lệch dương. Đỉnh phổ lệch trái càng nhiều thì đề thi càng kém “chuẩn”.

Hai là, “điểm sàn” được xác định có khách quan hay không? Nếu phổ điểm có dạng đối xứng thì chọn “điểm sàn” ở vị trí giữa phổ (dao động quanh điểm 15/30) là vừa phải. Nếu đỉnh phổ bị lệch trái nhiều mà vẫn chọn “điểm sàn” như vậy thì phần lớn thí sinh sẽ chịu oan vì bị bộ xem là không đủ điều kiện để được tiếp nhận vào các trường đại học của VN (!).

Ba là, trình độ thí sinh ở các vùng miền khác nhau của đất nước có đồng đều hay không? Nếu không đồng đều thì cần có “điểm sàn” riêng cho từng vùng miền để đảm bảo tính công bằng.

2. Vừa qua chúng tôi có nhận được phổ điểm thi đại học giai đoạn 2008 -2012. Qua phân tích bước đầu xin đưa ra một số nhận xét sau:

a. Về phổ điểm của từng môn thi: Nhìn chung rất ít môn thi có phổ điểm đạt “chuẩn”. Môn thi có phổ điểm “đẹp” nhất là môn văn (cho cả hai khối thi C và D) và tiếp đó là môn địa (khối C). Phổ điểm của từng môn này có phân bố khá đối xứng. Tất cả các môn thi còn lại (toán, lý, hóa, sinh, sử, ngoại ngữ) thường có phổ điểm rất “xấu”, đỉnh phổ thường lệch mạnh về phía trái. Có xu hướng phổ điểm bị mất đối xứng nhiều hơn đối với các môn thi có đề dạng trắc nghiệm.

b. Về phổ của tổng điểm ba môn cho từng khối thi: khối C có phổ “đẹp” nhất, phân bố gần đối xứng. Do đó nếu xác định điểm sàn cho khối này ở gần điểm giữa phổ là hợp lý. Phổ khá “xấu” đối với ba khối còn lại (A, B, D), đặc biệt “rất xấu” ở khối A là khối chiếm số đông thí sinh. Ở khối này đỉnh phổ chỉ ở vị trí 6-7/30 nên nếu lấy điểm sàn ở vị trí gần giữa phổ (15/30) sẽ loại ra phần lớn thí sinh.

3. Một số đề nghị cho mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2013:

Từ những nhận xét trên, chúng tôi đề nghị:

a. Bộ GD-ĐT nên công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng phổ điểm thi đại học, cao đẳng để xã hội có cơ hội giám sát chất lượng của đề thi và tính hợp lý của phương án điểm sàn mà bộ chọn. Từ đó nên khen thưởng các tập thể làm đề thi tốt và rút kinh nghiệm kịp thời đối với các tập thể làm đề chưa chuẩn.

b. Bộ không nên chọn “điểm sàn” cho các khối thi chỉ dao động quanh vị trí giữa phổ như các năm vừa qua mà phải căn cứ vào phổ điểm cụ thể của từng khối thi. Tốt hơn hết là chọn “điểm sàn” trùng với vị trí đỉnh phổ (chứ không phải là điểm trung bình như bộ dự kiến). Trường hợp phổ “đẹp”, có phân bổ đối xứng thì đỉnh phổ đương nhiên sẽ trùng với vị trí giữa phổ.

Chúng tôi tin rằng nếu Bộ GD-ĐT chấp nhận những đề nghị trên thì hi vọng sẽ khắc phục được hiện tượng cạn kiệt nguồn tuyển sinh ở nhiều trường đại học, cao đẳng như đã xảy ra trong các năm vừa qua. Qua đó, các thí sinh cũng được minh oan một phần: kết quả thi tuyển sinh thấp trong nhiều năm qua không phải vì số đông thí sinh lười, kém mà vì cách làm đề thi cũng như cách xác định “điểm sàn” của bộ lâu nay đang có vấn đề?

LÊ VIẾT KHUYẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên