05/08/2020 14:17 GMT+7

Thay áo mới cho những con hẻm

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Những mảng xanh được kết hợp trồng trên nhiều vật dụng tái chế như can nhựa, vỏ chai nhựa, lốp xe cũ...

Thay áo mới cho những con hẻm - Ảnh 1.

Bích Phượng tỉ mẩn chăm sóc những chậu hoa tại công trình - Ảnh: CÔNG TRIỆU

"Ôi cá mập kìa mẹ!". Bạn nhỏ Nguyễn Hồng Quân (6 tuổi) đã reo lên như thế khi có dịp đi cùng mẹ là chị Lê Hồng Gấm (38 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) qua con hẻm bích họa đầy màu sắc số 142 Lê Lợi (Q.Gò Vấp). 

Ngoài cá mập, mảng tường bích họa dài hơn 50m nơi đây với hình ảnh những loài ốc biển hay những giỏ đầy hoa khiến Hồng Quân liên tục reo hò, chạy tung tăng khám phá.

Thay áo mới cho những con hẻm - Ảnh 2.

Sự đón nhận của người dân như tiếp thêm động lực cho nhóm tình nguyện tiếc tục làm thêm những bức tường mới - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Đó là công trình thanh niên trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh mà các bạn trẻ Đoàn phường 4 (Q.Gò Vấp) đã phối hợp cùng Đoàn khoa quản trị kinh doanh (ĐH Công nghiệp TP.HCM) tỉ mẩn vẽ trong suốt hơn hai tuần qua. 

Anh Bùi Minh Tân, bí thư Đoàn phường 4, chia sẻ việc vẽ tranh tường đã không còn xa lạ với người dân. Tuy nhiên, cái mới trong lần thực hiện này chính là việc kết hợp giữa vẽ tranh tường và phối mảng xanh lên các bức bích họa ấy. 

Điểm đặc biệt nữa là những mảng xanh sẽ được phối kết hợp trồng trên nhiều vật dụng tái chế như can nhựa, vỏ chai nhựa, lốp xe cũ...

Thay áo mới cho những con hẻm - Ảnh 3.

Đã quen việc khiến nhóm làm nhanh hơn ở bức tường thứ hai, nằm trên đường Lê Lợi - Ảnh: CÔNG TRIỆU

"Trong suốt chiều dài hơn 110m đường mà nhóm lần này dự kiến thực hiện đã và sẽ trồng hơn 100 cây xanh các loại, như hoa mười giờ, cây cỏ tiên, hồng ngọc... lên vật dụng tái chế đó" - anh Tân chia sẻ.

Cạnh con hẻm 142 Lê Lợi, các bạn trẻ trong đoàn ra sức cạo bỏ đi những mảnh giấy quảng cáo, rao vặt đã kết cứng từ lâu để làm tiếp bức tường thứ hai. Khi những mảng tường đã được cạo sạch, nhóm quét qua một lớp sơn nước làm nền. 

Quét sơn thì ai cũng làm được, nhưng để đảm bảo bức tường có tính nghệ thuật cao thì không phải dễ. Và Phan Nguyễn Hoài Thương (sinh viên năm 3 ngành quản trị kinh doanh), người có một ít hoa tay được nhóm giao phó đảm nhiệm chính việc phác họa những nét vẽ cơ bản. Còn phần đi nét, tô màu sau đó thì mọi người sẽ cùng chung tay làm. 

Thay áo mới cho những con hẻm - Ảnh 4.

Nhóm tình nguyện trồng cây trên các vật liệu tái chế - Ảnh: CÔNG TRIỆU

"Nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng mỗi công đoạn lại mất rất nhiều thời gian. Bức đầu 50m nhưng phải mất đến gần 150 ngày công mới hoàn thành đấy. Trước chắc vì chưa quen và hi vọng bức thứ hai sẽ nhanh hơn" - bạn Nguyễn Nhật Ân, trưởng nhóm sinh viên tình nguyện, chia sẻ.

Khi những mảng tường phía trước tiệm nước mía của mình được làm sạch cũng là lúc cô Quyên (44 tuổi) ngưng công việc vội vàng chạy vào nhà rồi bước ra cùng một đĩa đựng sơn, một con lăn, rồi nói lớn: "Các bạn lấy thêm cái này dùng nè, đồ mới chưa dùng đâu". 

Thay áo mới cho những con hẻm - Ảnh 5.

Các TNV chỉnh, chăm sóc lại các chậu hoa, cây cảnh được trồng trên những vật dụng tái chế - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Bên kia đường, cả nhóm tình nguyện "dạ" lớn rồi cười ríu rít. "Trước thấy nhem nhuốc, bẩn thỉu quá trời mà nay được cạo sạch, rồi lại vẽ, trồng cây lên hay quá chừng ấy chứ. Mấy đứa đã bỏ công thì mình bỏ tí của có sao đâu" - cô Quyên chia sẻ thêm.

Anh Tân cho biết, ngoài sơn, vật dụng tái chế được nhiều cá nhân, nhóm nhà hảo tâm ủng hộ thì trong quá trình thực hiện nhóm cũng liên tục nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân như ủng hộ cơm trưa, nước uống.

Những Những 'con hẻm nghệ thuật' ở Sài Gòn

TTO - Sài Gòn ngày xưa, có nhiều văn nghệ sĩ ở cùng một con hẻm hay một cư xá, làm nên những cái tên hẻm, tên xóm lưu dấu ấn đến ngày nay.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên