Phóng to |
Binh lính Gruzia trên xe tăng - Ảnh: AFP |
Sau cuộc binh biến hôm 5-5 tại Gruzia, ngay trong ngày tập trận hôm qua, các nước Kazakhstan, Moldova, Armenia, Serbia và Thụy Sĩ đã tuyên bố rút lui khỏi cuộc tập trận. |
Cùng ngày, NATO đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung với Gruzia có sự tham dự của quân đội 18 nước trong vòng một tháng bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía Nga. Matxcơva cho rằng cuộc tập trận diễn ra gần sát khu vực Nam Ossetia, cách địa điểm đồn trú quân Nga chỉ khoảng 70km, là hành vi gây hấn và không có lợi cho an ninh khu vực. Đây là lần đầu tiên NATO tổ chức cuộc tập trận chung với Gruzia, nước nằm sát ngay cạnh Nga và thường xuyên có mối quan hệ căng thẳng với Matxcơva.
Cuộc tập trận sẽ bao gồm phần điều hành chung và tập trận thực địa trong tình huống giả định có tấn công khủng bố vào lực lượng gìn giữ hòa bình. Có khoảng 1.000 binh sĩ của các nước NATO tham gia. Nga được mời tham dự giám sát nhưng đã từ chối. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev gọi đây là hành vi “phô diễn sức mạnh” nguy hiểm và đã cho điều thêm quân tới hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc tập trận.
Trước đó một ngày, Gruzia nói đã dẹp được âm mưu binh biến của một cựu tư lệnh lực lượng đặc nhiệm nhằm phá hoại cuộc tập trận và cáo buộc Nga đứng đằng sau âm mưu binh biến này. Cơ quan an ninh Gruzia hiện đã bắt giữ 10 binh sĩ và 13 công dân bị tình nghi có liên quan đến vụ binh biến tại tiểu đoàn tăng - thiết giáp ở căn cứ Mukhrovani ngày 5-5. Bộ Nội vụ cũng phát lệnh truy nã ba đối tượng bị tình nghi tổ chức cuộc binh biến và treo giải 30.000 USD cho ai cung cấp thông tin về ba người này.
Các diễn biến mới này xảy ra ngay khi Nga, NATO mới nối lại tiếp xúc ở cấp đại sứ sau một thời gian dài căng thẳng sau cuộc chiến ở Nam Ossetia hồi tháng 8 năm ngoái. Ngoài ra, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama cũng có những nỗ lực nhằm “tái khởi động” quan hệ giữa hai bên.
Giải thích lý do về sự thất thường này, ông Fraser Cameron, giám đốc Trung tâm EU - Nga tại Brussels, nói: “Có những quan điểm rất khác biệt trong NATO về cách ứng xử với Nga. Một số xem Nga là mối đe dọa thường trực, một số cho rằng đây là quan hệ quan trọng và không nên làm xấu đi vì Nga có thể giúp bức tranh lớn hơn trong những vấn đề như Iran và Afghanistan”. Phía Nga cho rằng một số thành viên NATO, đặc biệt là một số nước Đông Âu, tìm cách phá hoại mối quan hệ đang cải thiện gần đây giữa Nga với Mỹ.
Nhưng vấn đề có vẻ không chỉ nằm ở phía NATO, theo ông Fraser thì “chính người Nga cũng lúc lạnh lúc nóng và không có một quan điểm rõ ràng”. Theo ông, “đây là mối quan hệ khó khăn với những thăng trầm. Giờ là lúc cần phải nhìn nhận nghiêm túc lại”.
Một lý do nữa làm xấu đi quan hệ giữa hai bên là việc Nga gần đây quyết định nắm quyền kiểm soát biên giới tại hai khu vực ly khai của Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia - cả hai vùng Nga đều ủng hộ nền độc lập. Người phát ngôn của NATO James Appathurai cho rằng động thái này là “sự can thiệp rõ ràng” với các thỏa thuận ký với EU về quyền kiểm soát hai vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương đã khá sốc khi phát hiện Herman Simm, một quan chức quốc phòng Estonia, đã gửi hàng ngàn trang tài liệu bí mật của NATO cho phía Nga trong hơn 10 năm liền. Simm đã bị kết tội hồi tháng 2 và lãnh án tù 12 năm vì tội phản quốc. Để trả đũa việc này, NATO đã trục xuất hai nhà ngoại giao tại phái đoàn Nga ở Brussels hôm 29-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận