Đề tài nghiên cứu này sẽ do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chủ trì và phối hợp với một doanh nghiệp chuyên sản xuất các cột đo xăng thực hiện. Chủ nhiệm đề tài chính là chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Đề tài đã được chấp thuận sau buổi xét duyệt đầu tháng 6 vừa qua.
Theo thuyết minh, thiết bị in sẽ là một bộ phận phụ trợ được lắp đặt ngay trên bộ chỉ thị của cột đo xăng, mỗi khi khách đổ xăng xong, hệ thống sẽ tự in ra hóa đơn với các thông tin gồm địa điểm, thời gian đổ xăng, loại xăng, số lượng, giá thành... Người ta cũng kỳ vọng sau khi thành công ở TP.HCM sẽ lắp đặt thiết bị này cho các địa phương khác.
Nếu việc áp dụng thiết bị in chứng từ này vào thực tế, người dân sẽ mát lòng hơn và những doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ ủng hộ. Ông Đỗ Việt Hùng, trưởng phòng đo lường dung tích - lưu lượng Trung tâm kỹ thuật 3 (Quatest 3), khẳng định chắc chắn người dân sẽ đồng ý. Bản thân ông trong suốt năm năm nay ở hội thảo, hội nghị nào cũng đề nghị phải triển khai việc in chứng từ này, không chỉ ở cột đo xăng mà cả trên đồng hồ côngtơmét của taxi. Nhưng, nói sâu về hướng pháp lý, trong số 5.000 cột đo xăng ở TP.HCM có bao nhiêu cột sản xuất trong nước, bao nhiêu cột nhập từ nước ngoài, nhập ở đâu, các cột đo xăng này dùng công nghệ nào? Chưa ai quản lý và thống kê việc này, vậy thì với một thiết bị in nghiên cứu và sản xuất trong nước liệu có thể sử dụng tốt trên 5.000 cột đo xăng này không?
Ông Nguyễn Hoài Nam, trưởng phòng tiêu chuẩn 5, Quatest 3, cho biết ngày trước khi nhập các cột đo xăng, rất nhiều cột đo đã có sẵn bộ in hóa đơn nhưng người ta sẵn sàng vứt bỏ các bộ in này đi hoặc đặt mua những cột đo giá rẻ, hoặc sản xuất trong nước không tích hợp máy in. Theo ông Nam, nếu bây giờ thiết kế thiết bị in gắn thêm, chắc chắn phải can thiệp vào bộ chỉ thị điện tử của cột đo, nhưng đụng đến phần mềm của thiết bị về mặt pháp lý là không được.
Rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận xét những nỗ lực của cơ quan chức năng trong chấn chỉnh việc kinh doanh xăng dầu là rất đáng hoan nghênh, nhưng những giải pháp nào để khai triển ý chí của nhà quản lý thành hiệu quả thực tế mang lại lợi ích cho xã hội cũng cần xem xét. Có người cho rằng người được hưởng lợi trước tiên là doanh nghiệp đang tham gia thực hiện đề tài bởi doanh nghiệp này được nghiên cứu bằng ngân sách và nếu nghiên cứu thành công, bán được sản phẩm thì lợi nhuận lại tiếp tục về với doanh nghiệp này.
Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng cơ quan chức năng đang làm chuyện lãng phí. Thế giới đã dùng những cột đo xăng tự động in hóa đơn từ 20 năm nay và mình cũng từng nhập những cột đo như thế, không hiểu tại sao còn phải nghiên cứu thiết bị in tích hợp cho tốn tiền, tốn thời gian mà chất lượng có đảm bảo hay không là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận