14/12/2018 19:53 GMT+7

Tháo nút thắt, mở rộng không gian du lịch Quảng Ninh

ĐỨC BÌNH (thực hiện)
ĐỨC BÌNH (thực hiện)

TTO - Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong việc tháo nút thắt, đặc biệt cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại, đường sá tốt lên... Như vậy sẽ tạo sức hút mạnh mẽ du khách đến với Quảng Ninh.

Tháo nút thắt, mở rộng không gian du lịch Quảng Ninh - Ảnh 1.

Vịnh Hạ Long - Thương hiệu du lịch của Quảng Ninh - Ảnh: N.T

Tháo nút thắt, mở rộng không gian du lịch Quảng Ninh - Ảnh 2.

Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

* Thưa ông, đường từ Hà Nội đến vịnh Hạ Long rút ngắn được cả 2 tiếng đồng hồ. Hẳn đây là thuận lợi lớn để khách đến Quảng Ninh đông hơn?

- Dự kiến du lịch Quảng Ninh năm nay sẽ vượt một số chỉ tiêu. Cụ thể, tổng khách ban đầu dự kiến 12 triệu thì khả năng đạt 12,2-12,3 triệu lượt. Khách quốc tế dự kiến 5 triệu lượt thì khả năng sẽ vượt và đạt 5,2 triệu lượt. 

Tổng thu du lịch theo kế hoạch là 22.000 tỉ đồng, và khả năng chúng tôi sẽ đạt xấp xỉ 23.000 tỉ đồng. Những chỉ tiêu đột phá, cơ bản hoàn thành vượt mức.

* Làm việc với Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt kỳ vọng và "giao nhiệm vụ" đến năm 2020 có 16-17 triệu lượt khách, trong đó 6-7 triệu khách quốc tế đến Quảng Ninh. Đây có là sức ép lớn không?

- Để đạt được mục tiêu đón 16-17 triệu lượt khách vào năm 2020, chúng tôi xác định mở rộng không gian du lịch. Một số điểm du lịch đã đến ngưỡng của lượng khách du lịch, kể cả vịnh Hạ Long. Sắp tới không chỉ khai thác vịnh Hạ Long mà còn khai thác Bái Tử Long, Vân Đồn, Móng Cái, Cô Tô. 

Các nhà đầu tư đã cam kết việc đó, mở rộng không gian để tránh quá tải. Bên cạnh đó còn để khách có nhiều điểm đến, kéo dài ngày khách lưu trú. Hiện do thiếu điểm đến hấp dẫn nên trung bình khách lưu trú chưa được 2 ngày. Phải mở rộng để khách kéo dài 3-4 ngày lưu trú, như vậy nguồn thu sẽ tăng.

Cùng với mở rộng không gian du lịch, cần tiếp tục tăng cường dịch vụ bổ trợ để tăng thêm nguồn thu. Theo thống kê chưa đầy đủ, khách đến Quảng Ninh chi tiêu trung bình chưa đến 100 USD/ngày, còn khá thấp so với một số nước xung quanh (Thái Lan 151 USD/ngày). 

Muốn thu được như Thái Lan thì phải tăng cường các loại dịch vụ, nâng chất lượng các dịch vụ, mở rộng các trung tâm, điểm mua sắm.

Tháo nút thắt, mở rộng không gian du lịch Quảng Ninh - Ảnh 3.

Sau 4 năm thi công, cây cầu Bạch Đằng chính thức thông xe - Ảnh: N.T

* Mở rộng không gian, nâng chất lượng dịch vụ vẫn còn yếu tố then chốt là con người. Du lịch Quảng Ninh sẽ làm gì để đầu tư cho nguồn nhân lực làm du lịch?

- Ngay từ bây giờ, chúng tôi xác định phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao chứ không phải lao động phổ thông.

Du lịch Quảng Ninh trên đà phát triển

Năm 2018, dự kiến du lịch sẽ đóng góp trên 10,3% GDP của tỉnh Quảng Ninh. Đây là tỉ lệ khá cao, ngay như Pháp du lịch cũng chỉ đóng góp 8% GDP, còn Thái Lan chỉ trên dưới 10%.

Nhưng chúng tôi không dừng ở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn đến năm 2020 Quảng Ninh phải đạt 15% GDP từ du lịch.

Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung ngân sách đầu tư nhiều dự án trọng điểm, hạ tầng giao thông, một số hạ tầng mang tính thiết yếu phục vụ du lịch, và với quan điểm bỏ ra 1 đồng ngân sách thì thu hút thêm 9 đồng ngân sách xã hội hóa, tôi tin Quảng Ninh sẽ đạt các mục tiêu vào năm 2020 như Thủ tướng kỳ vọng.

- Ông PHẠM NGỌC THỦY -

Liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, Quảng Ninh có Trường ĐH Hạ Long. Trong thời gian tới, phải tập trung việc đào tạo đội ngũ lãnh đạo quản lý trình độ đại học, đội ngũ kỹ thuật liên quan đến hoạt động lưu trú, lữ hành hệ cao đẳng, đào tạo chương trình ngắn hạn cho các nhân viên khách sạn, nhà hàng... Đó là những việc đầu tiên phải tập trung vào.

Ngoài ra, đào tạo lại cho những đối tượng đang hoạt động tại cơ sở du lịch, các cơ quan quản lý cũng cần thường xuyên tổ chức đào tạo, đào tạo lại. Khuyến khích các tổ chức thành lập cơ sở, kết hợp ngành đào tạo nhân lực cho du lịch. Một khách sạn khoảng 200-300 phòng, chúng tôi cũng khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo.

Vịnh Hạ Long của chúng ta rất đẹp, nhưng không có người giỏi ngoại ngữ, am hiểu vịnh để giới thiệu thì du khách cảm thấy rất nhạt nhòa. Vì thế, Sở Du lịch cũng xác định tăng cường đào tạo hướng dẫn viên tại điểm, tổ chức cuộc thi. Phối hợp với các trường, trong và ngoài tỉnh đào tạo hướng dẫn viên.

* Quảng Ninh không chỉ có vịnh Hạ Long, mà còn có Yên Tử, đền Cửa Ông để phát triển du lịch tâm linh, có biên giới, núi đồi để phát triển du lịch cộng đồng… Tỉnh sẽ làm gì để có những "chuỗi du lịch" phát triển đồng bộ?

- Thời gian tới, ngoài việc phát triển trung tâm du lịch tại các thành phố, chúng tôi xác định cần quan tâm đến các loại hình du lịch khác, các địa bàn khác. Chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh có chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển mở rộng không gian du lịch, đa dạng các loại hình du lịch. Bên cạnh đó, sẽ có chính sách xúc tiến du lịch theo cách mới nhất, năng động nhất, hiệu quả nhất.

Chúng tôi sẽ phải có chính sách cụ thể để gây dựng, phát triển đội ngũ doanh nghiệp du lịch, kể cả mô hình hợp tác xã. Tôi cho rằng, vai trò hợp tác xã ở địa phương rất lớn, người ta làm dịch vụ, kết hợp nông nghiệp, du lịch và quan trọng nhất kết nối cộng đồng, phát huy được tối đa sức dân. Muốn du lịch cộng đồng phát triển cũng cần có những liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - người dân cùng chia sẻ lợi ích với nhau.

Đến Bình Liêu - "thiên đường" vùng biên Đến Bình Liêu - 'thiên đường' vùng biên

TTO - Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới của Quảng Ninh (giáp với Trung Quốc), được dân phượt ví von là “Sa Pa vùng Đông bắc”, “thiên đường cột mốc”.

ĐỨC BÌNH (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên