01/05/2022 08:18 GMT+7

Thanh Thúy có thêm 'vũ khí' đón SEA Games

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TTO - Thanh Thúy là một trong số ít VĐV Việt Nam sắm vai “ngoại binh” đúng nghĩa đen ở các CLB chuyên nghiệp nước ngoài. Ở tuổi 25, sự đa dạng trong lối chơi đã giúp tay đập cao 1,93m này đứng vững ở Giải vô địch Nhật Bản.

Thanh Thúy có thêm vũ khí đón SEA Games - Ảnh 1.

Thanh Thúy (người cao nhất) cùng toàn đội PFU Bluecats - Ảnh: TẤN PHÚC

Tôi đã 3 lần dự SEA Games và 2 lần thất bại trước Thái Lan ở chung kết. Dù biết là khó nhưng tôi và đồng đội luôn khát khao ngôi vị cao nhất, đặc biệt là SEA Games năm nay tổ chức trên sân nhà.

THANH THÚY

Ở mùa giải thứ hai thi đấu tại Giải vô địch bóng chuyền nữ Nhật Bản (V-League 1), “sếu vườn” Thanh Thúy đã chơi không sót một trận nào và trở thành một trong những ngôi sao của CLB PFU Bluecats. Cô chấp nhận thử thách ở các vị trí không sở trường, có thể nói đây là những “vũ khí” mới giúp cô thi đấu hiệu quả hơn ở SEA Games 31.

Tung hoành ở sàn đấu nước ngoài

Thanh Thúy trở thành một trong những tay đập dày dạn kinh nghiệm bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Ở tuổi 25, ngoài 2 năm thi đấu ở Đài Loan, Thanh Thúy đã trải nghiệm ở Thái Lan, Nhật Bản. 

Trong bộ sưu tập thành tích của mình, Thanh Thúy từng vô địch Việt Nam cùng CLB VTV Bình Điền, vô địch Thái Lan cùng CLB Bangkok Glass, hai lần giành HCĐ và danh hiệu Chủ công xuất sắc nhất Giải U23 châu Á (2017 và 2019)... và hai mùa giải được trui rèn cùng 2 CLB của Nhật Bản. 

Trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB), bóng chuyền nữ Nhật Bản đang xếp hạng 9 thế giới. Thế mới thấy khó khăn và áp lực mà Thanh Thúy đã chịu khi phải sắm vai ngoại binh (suất VĐV Đông Nam Á) được kỳ vọng ở đấu trường khắc nghiệt này.

“Sếu vườn” đã phải rất cố gắng để cải thiện mình và hòa nhập với đồng đội. Thanh Thúy cho biết mỗi ngày đội của cô tập từ 2-3 tiếng vào buổi sáng. 

Sau thời gian nghỉ trưa, thay vì về nhà Thanh Thúy chọn ở lại để ăn và nghỉ ngơi để có sự liên kết với đồng đội. Tùy thời điểm của giải đấu, họ chỉ giãn cơ hoặc tiếp tục tập vào buổi chiều. Sau đó cô ăn tối cùng đội rồi mới trở về nhà.

Thanh Thúy có thêm vũ khí đón SEA Games - Ảnh 3.

Thanh Thúy (bìa phải) thi đấu nổi bật trong màu áo CLB PFU Bluecats (Nhật Bản) - Ảnh: TẤN PHÚC

CĐV Nhật đã nhớ tên Thanh Thúy

“Bóng chuyền Nhật Bản rất chuyên nghiệp, có chất lượng cao và sự cạnh tranh rất lớn. VĐV quý trọng từng phút giây ở trên sân và luôn chỉ bảo nhau. Dù là chính thức hay dự bị họ luôn cháy hết mình khi được trao cơ hội. 

Trong môi trường như vậy VĐV rất dễ tiến bộ. CĐV Nhật rất nhiệt tình. Mỗi khi đội đi đấu sân khách, vẫn có những CĐV trung thành theo chân để cổ vũ giống như trong bóng đá. Điều này làm tăng tinh thần thi đấu của VĐV”, Thanh Thúy chia sẻ.

Nhờ nỗ lực bản thân, từ việc thường xuyên phải làm bạn với băng ghế dự bị ở CLB Denso Airy Bees (2019-2020), giờ đây Thanh Thúy đã được góp mặt ở tất cả trận đấu của CLB PFU Bluecats mùa này và là một trong những tay ghi điểm chủ lực. 

Đặc biệt, cô còn có những trận cầu gây tiếng vang khiến CĐV Nhật Bản nhớ đến mình. Đó là việc ghi đến 28 điểm trong trận gặp CLB Okayama Seagulls giữa tháng 3.

“Trong đội có 2 VĐV nước ngoài là tôi và Melissa Valdes (Cuba). Tôi được đồng đội chia sẻ và giúp đỡ rất nhiều. Tôi vẫn có những điểm cần khắc phục và họ giúp tôi nhận ra điều đó để tiến bộ. Đặc biệt khi thi đấu ở Nhật, họ có những thống kê hết sức khoa học giúp VĐV có thể biết mình mạnh điểm nào, yếu ở đâu. Đó là điều kiện tốt giúp tôi cải thiện chính mình”, Thúy nói thêm.

Bài học quý từ Nhật Bản

Thanh Thúy chia sẻ: “Cuộc sống xa nhà đôi khi rất buồn chán nhưng là VĐV chuyên nghiệp tôi phải quen với điều đó. Tôi được CLB thuê cho một căn hộ, ăn tập trung cùng đội. Cuối tuần nếu có thời gian thì đi siêu thị mua thêm đồ về tự nấu ăn món Việt Nam rồi tranh thủ học. Thế nhưng tôi luôn cố gắng để cải thiện bản thân mình và cống hiến nhiều hơn cho bóng chuyền Việt Nam”. 

Chuyên gia Nguyễn Bá Nghị nhận định: “Thanh Thúy đã học hỏi được rất nhiều tính chuyên nghiệp của VĐV Nhật Bản từ thái độ trong tập luyện, sinh hoạt, bám giáo án lẫn việc chuyển đổi để thích nghi đội hình của HLV. Đó là cơ sở để cô tự tin hơn khi về khoác áo tuyển Việt Nam tại SEA Games 31”.

Mùa giải trước Thanh Thúy chưa sẵn sàng thử thách ở vị trí mới nên phải thường xuyên dự bị trong vai chủ công sở trường. Nhưng đến mùa giải năm nay CLB PFU Bluecats tạo điều kiện cho Thanh Thúy thử sức ở vai trò phụ công và đối chuyền. 

Và cô đã tận dụng tốt cơ hội này để tích lũy kinh nghiệm, phát huy tối đa tiềm năng và được ra sân thường xuyên. Đó là một trong những nguyên nhân lý giải sự thành công của Thúy ở Nhật Bản.

Sự đa dạng trong lối chơi của Thanh Thúy sẽ rất có ích cho tuyển Việt Nam bởi ở SEA Games 31, ngoài hai đối thủ mạnh là Thái Lan, Indonesia, tuyển Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh từ các cô gái Philippines. 

Thanh Thúy có thêm vũ khí đón SEA Games - Ảnh 4.

Những bài học từ Nhật Bản sẽ giúp ích cho Thanh Thúy rất nhiều khi khoác áo tuyển Việt Nam ở SEA Games 31 - Ảnh: TẤN PHÚC

Cố gắng tốt nghiệp Đại học Đài Bắc

Ngoài HCV SEA Games, Trần Thị Thanh Thúy còn có mục tiêu thứ hai là cố gắng tốt nghiệp đại học trong năm nay.

Thanh Thúy nói: “Tôi vẫn đang học năm cuối ngành quản lý thể dục thể thao của Đại học Đài Bắc. Thi đấu ở Nhật Bản tuy việc học có khó khăn nhưng tôi đang cố gắng hoàn tất học phần của mình trong năm nay”.

CLB Denso Airybees muốn có Thanh Thúy từ đầu mùa giải CLB Denso Airybees muốn có Thanh Thúy từ đầu mùa giải

TTO – Đó là chia sẻ của ông Thái Bửu Lâm - giám đốc Công ty Thể thao MTV Bình Điền Long An - sau chuyến thử việc của Trần Thị Thanh Thúy tại CLB bóng chuyền hàng đầu Nhật Bản Denso Airybees.

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên