02/09/2017 15:18 GMT+7

'Thành phố thông minh': Tăng tiện ích, không tăng biên chế

VIỄN SỰ - MAI HOA thực hiện
VIỄN SỰ - MAI HOA thực hiện

TTO - Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030 đang dần hoàn thiện. Người dân TP có thể chờ đợi gì ở đề án này?

Thành phố thông minh: Tăng tiện ích, không tăng biên chế - Ảnh 1.

Bảng thông tin điện tử lắp thí điểm tại trạm xe buýt trên đường An Dương Vương, Q.5 (TP.HCM) giúp người dân tiếp cận thông tin về khoảng cách, thời gian của các chuyến xe đang đến - Ảnh: HỮU KHOA

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông TRẦN VĨNH TUYẾN - ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, phó chủ tịch UBND TP - nhấn mạnh: "Đề án này sẽ giúp điều hành của chính quyền TP và hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn, người dân sẽ phát huy tốt hơn việc giám sát và lựa chọn các tiện ích tốt nhất. 

Tháng 10 đề án sẽ được trình HĐND TP góp ý. Đồng thời, trong quá trình thực hiện sẽ thường xuyên lắng nghe góp ý của chuyên gia, phản biện xã hội để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, xây dựng kế hoạch thực hiện".

“Hướng tới trong tương lai là mọi lúc mọi nơi người dân có thể truy cập từ điện thoại và biết được tình hình của TP, ra đường trong thời điểm nào là thích hợp nhất, chỗ nào ngập nước, kẹt xe, không chỗ đậu xe... Khi người dân có được lựa chọn kịp thời cũng là góp phần tham gia điều tiết, làm giảm những điểm nghẽn của TP
Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Phá điểm nghẽn

* TP đang thực hiện các chương trình đột phá, nay tiếp tục với đề án "thành phố thông minh", các chương trình, đề án này có mối liên hệ như thế nào, thưa ông?

- Nhiều năm qua, TP đã có các chương trình đột phá về chống kẹt xe, ngập nước, chỉnh trang đô thị... có cả những thành công lẫn hạn chế, khó khăn. TP đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xây dựng nghị quyết 5 năm, 10 năm nhưng rõ ràng nếu như có máy móc thiết bị công nghệ tính toán thì sẽ có tầm nhìn xa hơn. 

Đô thị thông minh này chính là một trong những giải pháp phù hợp với xu hướng thế giới và thời cách mạng công nghiệp 4.0, giúp TP thực hiện các chương trình đột phá hiệu quả nhất, giúp chính quyền xây dựng chiến lược phát triển một cách thông minh nhất, giúp TP phát triển bền vững nhất.

* Người dân sẽ hình dung thế nào về các tiện ích trong tương lai mà "thành phố thông minh" mang lại?

- Có bốn giải pháp chính. Trong đó, đầu tiên là xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung, trừ những dữ liệu mật, còn lại doanh nghiệp, người dân đều có thể dùng các số liệu của cơ quan nhà nước để đánh giá phân tích tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh hiệu quả. 

Nhà nước cũng dựa vào đây để quản lý đồng bộ, không bị cắt khúc.

Hai là xây dựng trung tâm mô phỏng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giúp chính quyền TP phân tích, đánh giá và dự báo, cảnh báo, xử lý các vấn đề về phát triển dân số, kinh tế, văn hóa - xã hội; giải quyết các vấn đề bức xúc của TP.

Ba là xây dựng trung tâm điều hành TP thông minh, từ đây chính quyền kiểm soát được hết tình hình của các lĩnh vực, các địa bàn, bộ phận điều hành giúp lãnh đạo TP nắm ngay tình hình trước khi xuống hiện trường.

Bốn là xây dựng trung tâm an toàn thông tin với các chuyên gia hàng đầu.

Không có điểm dừng

* Lộ trình của đề án này sẽ ra sao, thưa ông?

- Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh là quá trình lâu dài, kiên trì, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa người dân, doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức xã hội, đặc biệt thường xuyên được cập nhật công nghệ, vì công nghệ luôn phát triển. 

Do vậy về lộ trình, TP tính toán từng thời điểm ngắn dài khác nhau nhưng chắc chắn sẽ không có điểm dừng vì trí tuệ nhân tạo sẽ không có điểm dừng. 

Lộ trình trước mắt là đến năm 2025 tầm nhìn năm 2030, nhưng không phải đến đó thành "thành phố thông minh" rồi thì dừng lại mà phải cập nhật liên tục, bộ máy chính quyền cũng phải chuyển động theo sự phát triển đó.

* Để thực hiện đề án "thành phố thông minh" đòi hỏi kinh phí không nhỏ, TP sẽ huy động vốn đầu tư thế nào?

- TP sẽ mời gọi đầu tư, Nhà nước và doanh nghiệp tài trợ, hợp tác bằng nhiều hình thức thích hợp để hạn chế chi ngân sách, đồng thời tăng hiệu quả. Chẳng hạn như trung tâm an toàn thông tin, các sở ngành đề xuất thành lập công ty cổ phần, mời gọi các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài về an toàn thông tin cùng tham gia. 

Nếu lập công ty 100% vốn nhà nước thì TP khó có đủ tiền để trả cho chuyên gia. Vì vậy sẽ mời gọi góp vốn, Nhà nước nắm 51% cổ phần, để doanh nghiệp, chuyên gia tự làm, tự phát triển với đồng vốn của mình sẽ hiệu quả hơn. 

Đây là chuyện khả thi vì an toàn thông tin không chỉ cho bộ máy TP mà còn cho toàn bộ các doanh nghiệp. TP có gần 300.000 doanh nghiệp thì nhu cầu rất lớn. TP cố gắng trong quý 1-2018 sẽ có kế hoạch và chọn được đối tác để triển khai.

Không làm tăng bộ máy

* Nhiều đề án trước đây trong cả nước đã làm tăng biên chế, với đề án "thành phố thông minh", TP xử lý vấn đề này thế nào, thưa ông?

- Bắt buộc không tăng biên chế. Đề án hiện đang được Ban thường vụ Thành ủy, trực tiếp là ban chỉ đạo, ban điều hành do chủ tịch UBND TP làm trưởng ban cùng tổ giúp việc sẽ hoạt động hiệu quả và trách nhiệm với sự góp ý tư vấn của hội đồng các chuyên gia.

Các trung tâm đặt nơi nào thì nơi đó tính toán nguồn nhân lực sẵn có. Chẳng hạn, trung tâm cơ sở dữ liệu dùng chung dự kiến đặt ở Công viên phần mềm Quang Trung thì mặt bằng, nhân lực đã có, TP sẽ thuê lại.

Tiền thuê này được lấy từ tiền thu phí truy cập nhận thông tin của doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu. Hoặc trung tâm mô phỏng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dự kiến giao Viện Nghiên cứu phát triển TP thực hiện.

Trung tâm điều hành dự kiến đặt ở UBND TP, nhân sự cơ bản là người của văn phòng ủy ban, ngoài ra sẽ có các tổ công tác giúp việc là người của các sở ngành. Còn bảo hành, kỹ thuật thì mình thuê, máy móc thiết bị nếu được cũng thuê luôn...

VIỄN SỰ - MAI HOA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên