05/01/2008 10:00 GMT+7

Thẳng tay móc túi người bệnh

NG.QUANG
NG.QUANG

TT - Theo phản ảnh của người dân, trong vai người bệnh, PV Tuổi Trẻ thâm nhập phòng mạch của một bác sĩ (BS) có nhiều tai tiếng. Đúng là "tiếng dữ đồn xa", với ông BS này thì bệnh nhân (BN) chỉ là chỗ... "làm tiền".

Mk8TGSiN.jpgPhóng to
TT - Theo phản ảnh của người dân, trong vai người bệnh, PV Tuổi Trẻ thâm nhập phòng mạch của một bác sĩ (BS) có nhiều tai tiếng. Đúng là "tiếng dữ đồn xa", với ông BS này thì bệnh nhân (BN) chỉ là chỗ... "làm tiền".
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Chiều 7-12-2007, phòng mạch của BS Hồ Nam ở đường Lãnh Binh Thăng, Q.11, TP.HCM chưa mở cửa nhưng đã có nhiều BN ngồi la liệt trước cổng. Trong lúc chờ đợi, bác Sáu Thấn (60 tuổi, Châu Đốc, An Giang) kể: "Tôi bị bướu cổ đã 30 năm, nhưng mới đến phòng mạch BS này được hai tháng. Mỗi lần khám, BS cho thuốc uống một tháng. Tháng trước hết 285.000 đồng. Sáng nay, vợ chồng tôi bắt xe đò đi từ 4g sáng để kịp đến đây khám bệnh".

Bác Thấn còn nói thêm: "Lần nào tôi đến khám BS cũng bán thuốc luôn chứ không kê toa. Nhiều người nói chỉ mình ổng mới có thuốc hay".

Run hơn... vô đồn công an

Gần 16g, BS Hồ Nam mới mở cửa phòng mạch. Dù BN đứng trật tự hai bên cửa nhưng BS vẫn quát: "Đến đây khám bệnh chứ làm gì mà giành giựt". Phòng khám bệnh của BS được ngăn bởi hai lớp cửa. Phía ngoài nơi BN chờ khám bệnh lại để chình ình chiếc xe hơi.

Bác Sáu Thấn vô khám đầu tiên và cũng từ lúc đó căn phòng trở nên im ắng hẳn, chỉ có bà Sơn (56 tuổi, Long Khánh, Đồng Nai) thì thầm nói chuyện: "Hồi nãy có thấy ổng quá đáng không? Mình có làm gì đâu mà ổng nạt nộ.

Ổng coi mình như con của ổng. Vô khám bệnh mà run hơn vô đồn công an. Hôm bữa, ổng bán một lọ thuốc trị bướu cổ cho tui giá 100.000 đồng nhưng ổng lại xé hết nhãn mác. Mỗi lần hết thuốc phải quay lại chứ không đi đâu mua được".

Đến lượt mình, tôi khép nép nói: "BS coi giùm tôi cái cổ. Hình như nó ngày càng to ra, còn ngón tay nổi u lên, không biết có bị bướu gì không?". BS Hồ Nam lớn giọng: "Bây giờ ông muốn khám cái gì?". "Dạ, khám bướu cổ". "Ông đi siêu âm, có gì sáng mai quay lại!".

Tôi phân trần ngày mai phải đi làm, BS Hồ Nam khó chịu: "Chuyện đó là chuyện của ông! Ông bao nhiêu tuổi?". "Dạ, sinh năm 1983". "Là bao nhiêu tuổi?". "Dạ, 24".

Tự nhiên, giọng BS gằn lại: "Sao ông là người miền Trung mà bắt chước giọng Bắc kỳ, nói "dạ dạ, vâng vâng" vậy? Tôi bị dị ứng với giọng Bắc kỳ... nghe! Đừng có bắt chước cái giọng Bắc kỳ... dạ dạ vâng vâng. Ông đi liền đi. Ông chần chừ làm mất thời giờ tôi".

Bị xua đuổi vì thiếu tiền

Không phải phòng mạch nào cũng "đen"

Bên cạnh một số phòng mạch "đen", chúng tôi cũng ghi nhận được có những phòng mạch thực hiện khá tốt các qui định của pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân. Các BS ở phòng mạch này kê toa rõ ràng, giá khám bệnh phải chăng, hoàn toàn không bán thuốc ở phòng mạch.

Phòng mạch của BS Lê Hùng (208/1 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) bảy năm qua nghiêm túc thực hiện không bán thuốc, chỉ kê toa cho BN ra ngoài mua. Phòng mạch của PGS.TS Vũ Lê Chuyên (23 Đinh Công Tráng, Q.1) cũng không bán thuốc ở phòng mạch.

Riêng phòng mạch của BS Lê Tuyết Trâm (74 Nguyễn Biểu, Q.5) kê toa rất rõ ràng, trên toa thuốc còn ghi: "Vui lòng mang theo toa khi tái khám. Toa thuốc chỉ có giá trị sử dụng cho mỗi lần khám bệnh". Phía sau toa thuốc, BS Trâm còn cẩn thận dặn dò cách thức chăm sóc bệnh.

Chị Lâm Hương Thảo (26 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã khóc như mưa khi đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ gửi đơn phản ảnh và kể lại những lần đến khám bệnh ở phòng mạch BS Hồ Nam.

Đầu tháng 4-2007, chị Thảo đến phòng mạch BS Hồ Nam khám bệnh. BS này gửi chị đi xét nghiệm ở một cơ sở tư nhân trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Ngoài tiền xét nghiệm 130.000đ, tiền khám 50.000đ, chị còn phải trả tiền thuốc cho một tháng là 320.000đ. Mang không đủ tiền, chị rụt rè xin BS kê toa cho ra ngoài mua thì bị nạt ngay: "Làm gì có toa thuốc cho cô. Thuốc của tôi bán là thuốc thật, cô ra ngoài mua lỡ nhầm thuốc giả thì sao?".

Sau ba tháng điều trị, tháng 7-2007 BS Hồ Nam quyết định cho chị Thảo mổ. BS viết giấy: "7g đến phòng khám số 3, BV Bình Dân, 371 Điện Biên Phủ, Q.3. BN Lâm Hương Thảo, 1981, chẩn đoán Basedow ổn. Xin nhập TQ3 (tổng quát 3 - PV) điều trị. Đa tạ. Nhập viện mổ theo yêu cầu BN".

Viết xong, BS dặn dò: "Em đến đăng ký mổ dịch vụ. Đăng ký BS mổ là tôi nhé”. Chị Thảo chưa kịp mừng, vội vàng cảm ơn và đứng dậy thì BS lạnh lùng hỏi: "Tiền đâu?".

Chị không hiểu tiền gì nên hỏi lại, BS giận dữ: "Bao thư chứ là cái gì?". Khi chị Thảo nói hiện không có tiền, BS mở cửa đẩy chị ra ngoài như xua đuổi.

Ra khỏi phòng BS, một số BN hỏi thăm khi nào được mổ, chị Thảo đang phân trần thì BS xuất hiện, chỉ thẳng vào mặt nói: "Đi về đi! Ngày mai đừng nhập viện, tôi không mổ cho cô đâu".

BN khác thấy chị Thảo khóc liền hỏi thăm và khuyên chị nên về nhà lấy tiền mang đến, trước mắt hãy vào gặp BS năn nỉ ngay.

Một người nói: "Muốn ổng mổ đẹp, không đau, không bị tái lại hoặc không để lại sẹo xấu thì phải cho phong bì từ năm trăm ngàn đến một triệu đồng trở lên". Chị nghe lời, bước vào phòng BS van xin, nhưng BS đuổi thẳng: "Sao cô lì lợm quá vậy. Đi về đi. Tôi không muốn nhìn thấy mặt cô nữa".

Chị Thảo bỏ phòng mạch của BS Hồ Nam và tìm đến một phòng mạch tư khác ở đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3). BS này cũng không kê toa mà trực tiếp bán thuốc với giá ngất ngưởng: 700.000đ/tháng. Khi chị Thảo nói không đủ tiền và hẹn ngày mai quay lại mua thuốc, BS này đanh mặt: "Không đủ tiền thì đi khám làm gì?".

Lại chuyện bác sĩ nhi hại bệnh nhi

Tháng 12-2007, chị Hoàng Thị Mỹ Phượng (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết con chị là bé Trần Hoàng Tường Vy (18 tháng tuổi) cũng bị một BS giám đốc một cơ sở y tế nhà nước lạm dụng thuốc kháng histamine với mục đích làm tăng trọng cho con chị khi bé còn rất nhỏ.

Theo chị Mỹ Phượng, do con chị biếng ăn và nôn ói rất trầm trọng, ngày 5-3-2007, chị đưa bé Vy (lúc đó mới 8 tháng rưỡi tuổi) đến phòng mạch BS Q. ở đường Hai Bà Trưng (Q.3) khám bệnh. BS Q. định bệnh bé Vy bị suy dinh dưỡng và cho bé sử dụng các loại thuốc là Peritol (trên toa ghi tắt là Per), Loratadine, Neopeptine, Calcinol, còn hai loại khác không có nhãn mác, chữ viết trên toa không đọc được.

Uống thuốc của BS Q. được hai ngày, tình trạng nôn ói, biếng ăn của bé Vy cải thiện không ngờ, nhưng hai vai bé lại bị lột da từng mảng. Ngày 17-3-2007, chị đưa con đến phòng mạch tái khám kể lại tình trạng này, BS Q. bảo cho bé uống thêm nhiều nước và kê toa y như lần trước, đồng thời cho thêm lọ thuốc sắt Siderplex. Tổng cộng chị đưa con đến khám bốn lần, tiền thuốc và công khám hết gần 500.000đ.

Dù có kê toa thuốc cho BN, nhưng BS Q. vẫn bán thuốc tại phòng mạch và trực tiếp tính tiền trên toa rồi mới chuyển cho người phụ việc bán thuốc. Dù đang là giám đốc một cơ sở y tế nhưng danh thiếp của BS Q. đưa cho người nhà BN vẫn ghi là BS của BV Nhi Đồng 2!

Thấy con uống thuốc có nhiều biểu hiện khác thường, chị Phượng đem toa hỏi dược sĩ mới biết cả thuốc Peritol và Loratadine đều không được sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi. Dược sĩ này khuyên chị nên ngưng ngay vì đây là thuốc có nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.

Sau khi ngưng thuốc, bé Vy biếng ăn và nôn ói kinh khủng hơn cả khi chưa đi BS Q.. Bé cứ thấy chén, ly mẹ mang ra là nôn, thậm chí nhìn thấy mẹ ăn sáng bé cũng nôn.

Kỳ 2: Đủ kiểu "trói" bệnh nhân!

NG.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên