Thanh khoản thị trường cải thiện nhờ kênh giao dịch thỏa thuận trong tháng 10, chiếm trên 37% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, đạt gần 31.400 tỉ đồng - ẢNH: TRẤN KIÊN
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 6-11, chỉ số VN Index tiếp tục thế giằng co xanh - đỏ và kết thúc phiên mất 3,48 điểm, về mức 922,05 điểm.
Giống với các phiên giao dịch gần đây, thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 3.800 tỉ đồng và khối ngoại giảm động thái mua ròng với giá trị không đáng kể trên ba sàn giao dịch.
Khối ngoại đóng một vai trò khá quan trọng trong thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua khi trong tháng 9 liên tục mua vào còn tháng 10 lại bán ra.
Theo Báo cáo Thị trường Tài chính Tiền tệ Việt Nam Tháng 10 mà SSI Retail Research (thuộc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn) vừa công bố, chỉ riêng tháng 10, khối ngoại bán ròng hơn 2.630 tỉ đồng qua kênh khớp lệnh.
Theo SSI Retail Research, xu hướng tương tự cũng diễn ra tại sàn HNX với 30 tỉ đồng giá trị bán ròng.
Các mã cổ phiếu VN30 có vốn hóa thị trường lớn dẫn đầu tốp bị bán ròng là VIC (thuộc Tập đoàn Vingroup), VNM (thuộc Vinamilk) và VJC (thuộc Hàng không Vietjet).
Tuy nhiên, theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn HoSE hơn 41.600 tỉ đồng trong 10 tháng của năm 2018.
Riêng tháng 10, khối ngoại vẫn mua ròng với tổng giá trị trên 9.300 tỉ đồng qua kênh thỏa thuận chứng kiến những đợt giao dịch đột biến, như phiên giao dịch đạt giá trị 11.380 tỉ đồng với mã MSN (thuộc Masan).
Thanh khoản thị trường cải thiện nhờ kênh giao dịch thỏa thuận khi giao dịch thỏa thuận trong tháng 10, chiếm trên 37% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, đạt gần 31.400 tỉ đồng, cao đột biến so với 4 tháng liền trước.
Cũng theo báo cáo của SSI, khi VN Index hồi phục trở lại trong những phiên cuối tháng 10, thanh khoản trên thị trường phái sinh cũng bắt đầu sụt giảm. Giá trị giao dịch hợp đồng tương lai giảm về mức 10.000 tỉ đồng vào ngày 31-10.
Bước sang tháng đầu quý 3, nhiều doanh nghiệp trong rổ VN30 dù công bố kết quả kinh doanh tích cực dù vậy giá cổ phiếu vẫn giảm. Cụ thể những VJC, VIC, GAS, MBB, PNJ đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế với tỉ lệ từ 40% trở lên, tuy nhiên giá các cổ phiếu trên đều giảm từ 5% đến 14% so với tháng trước.
Đối với các doanh nghiệp VN30 bị giảm lợi nhuận, việc giảm giá là điều khó tránh khỏi. Lợi nhuận sau thuế quý 3 của các cổ phiếu VPB, MSN, PLX giảm lần lượt 26.1%, 3.2% và 0.4%, tương tự giá cổ phiếu giảm 21.2%, 10% và 3.63%.
Tính đến hết ngày 2-11 đã có 617/748 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý 3 với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt gần 24% so với năm trước, giảm đáng kể so với quý 2 (27%) và quý 1 (32%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận