TTO - Trò chuyện đầu năm mới với Tuổi Trẻ Online, anh Lê Hải Bình - nguyên người phát ngôn Bộ Ngoại giao, hiện là phó giám đốc Học viện Ngoại giao và phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, đặt nhiều kỳ vọng vào giới trẻ Việt.

Dân tộc này đầy sinh khí


* Là người thường xuyên theo dõi và tiếp xúc với giới trẻ, anh nhận thấy thanh niên Việt Nam có những điểm yếu và mạnh gì?

Nhiều người bảo xã hội phát triển, kinh tế thị trường và làn sóng phương Tây du nhập sẽ khiến giới trẻ sống ngày càng vị kỷ, cá nhân, nhưng tôi không thấy thế. Những việc mang tính cộng đồng, tôi đều thấy các em tham gia rất tích cực. Thanh niên hiến máu ngày càng đông, phong trào không thả túi nylon được các em hưởng ứng nhiệt tình…

Trong làn sóng xuống đường mừng kỳ tích của đội U23 Việt Nam vừa qua, đại đa số là thanh niên. Họ xuống đường vì lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc cuộn chảy trong người.

Nhiều thanh niên chịu khó học hỏi, mong muốn làm giàu, thể hiện qua số lượng khởi nghiệp (start-ups) và kinh doanh trên mạng xã hội ngày càng tăng.

Tôi thấy một nguồn năng lượng tích cực từ giới trẻ. Người nước ngoài nhìn vào, họ cũng bảo dân tộc này đầy sinh khí.

Tuy vậy, vẫn có một bộ phận không nhỏ thanh niên sống lệch lạc. Nguồn năng lượng tuôn trào nếu không định hướng đúng sẽ bị lệch lạc.

Thần tượng Việt cho thanh niên Việt: Không cần tìm đâu xa! - Ảnh 1.

* Làm sao để hun đúc lòng tự tôn dân tộc cuộn chảy trong mỗi người Việt đó?

Có nhiều cách, trong đó quan trọng nhất là giáo dục, nhất là xây dựng cách học lịch sử cho hấp dẫn. Tôi thấy nhiều bạn trẻ dựng clip ngắn về những trận đánh, sự kiện lịch sử rất thú vị.

Giáo dục lòng yêu nước rất dễ vì phẩm chất này len lỏi trong máu người Việt. Quan trọng là lý giải, chỉ rõ cho thanh thiếu niên hiểu lòng yêu nước trong thời kỳ hội nhập là thế nào.

Hiện tượng U23 rồi sẽ qua đi, người nước ngoài không nhìn Việt Nam chỉ qua U23. Mỗi người Việt là đại diện dân tộc, là tế bào làm nên sức mạnh dân tộc. Tế bào khỏe và đẹp là điều tốt cho dân tộc.

Không phải chạy theo thần tượng ở đâu


* Sau kỳ tích ở giải châu Á, nhiều cầu thủ U23 trở thành thần tượng của giới trẻ. Có người nói vui là tới đây sẽ có nhiều đứa trẻ ra đời mang tên Tiến Dũng, Quang Hải, Duy Mạnh… Có vẻ rất lâu rồi mới thấy người Việt thần tượng người Việt như vậy.

Điều mà người ta yêu quý và thần tượng ở U23 Việt Nam chính là cách ứng xử của các cầu thủ.

Các em ứng xử với nhau bằng tình đồng đội, yêu thương, hỗ trợ. Chúng ta đều không thể quên khoảnh khắc xúc động khi đồng đội gạt tuyết trên sân Thường Châu để Quang Hải sút phạt ghi bàn trong trận chung kết.

Các em ứng xử với đối thủ bằng kỷ luật, tinh thần kiên cường, bất khuất nhưng không chơi xấu, tiểu xảo. Đó là hình ảnh người Việt Nam mới, hội nhập, chơi theo luật quốc tế, sòng phẳng, không luồn lách, chụp giật.

Cuối cùng là cách các cầu thủ ứng xử với người hâm mộ - luôn tri ân, cảm ơn, xin lỗi rất văn hóa.

Ba góc độ ứng xử này tạo nên hình ảnh rất đẹp của các em, chưa kể chuyên môn, sức khỏe, vóc dáng… đều đáng ngưỡng mộ.

Quan trọng hơn, những thần tượng Việt này rất gần gũi, không phải các ngôi sao K-Pop. Từ chuyện U23, chúng ta hoàn hoàn toàn có thể xây dựng thần tượng Việt cho thanh niên Việt, không phải chạy theo thần tượng ở đâu.

Ba góc độ ứng xử tạo nên hình ảnh rất đẹp của U23 Việt Nam - Ảnh: TT

* Nhưng chỉ xây dựng thần tượng Việt dựa trên các cầu thủ U23 là không đủ?

Rõ ràng chúng ta chưa chủ động trong việc xây dựng thần tượng cho thanh niên, lâu nay vẫn nhường sân cho thần tượng nước ngoài.

Thần tượng quan trọng lắm, thần tượng bảo đừng xả rác, đừng vượt đèn đỏ, hàng triệu thanh niên sẽ hưởng ứng. Chắc chắn nếu đội U23 Việt Nam làm clip kêu gọi giữ vệ sinh, tuân thủ luật giao thông sẽ hiệu quả hơn nhiều so với các bài phát biểu khô khan.

Lý tưởng về một dân tộc văn minh, hiện đại


* Nhà văn Pháp Diderot từng nói: "Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường". Theo anh, lý tưởng của thanh niên ngày nay nên là gì?

Mỗi thế hệ có nhiệm vụ lịch sử khác nhau, nhưng lòng yêu nước và tự tôn dân tộc là bất biến. Thế hệ ông tôi là lý tưởng cách mạng, đấu tranh cho độc lập tự do. Thế hệ cha mẹ tôi là lý tưởng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Thế hệ tôi là lý tưởng học tập, quyết không thua kém thế giới về trí tuệ.

Thế hệ các bạn trẻ bây giờ, lý tưởng phải là đóng góp phát triển đất nước. Nếu là trí thức, phải vươn lên tầm cao. Nếu làm ăn kinh tế, phải năng động, sáng tạo, chịu thương, chịu khó. Nếu thi đấu thể thao, phải nâng tầm vóc người Việt. Là những người bình thường trong xã hội cũng phải ứng xử văn minh, văn hóa.

Để người nước ngoài nhìn vào Việt Nam sẽ thấy một dân tộc vừa có truyền thống lịch sử lâu đời, vừa văn minh, hiện đại.

Thần tượng Việt cho thanh niên Việt: Không cần tìm đâu xa! - Ảnh 3.

* Anh có niềm tin như thế nào vào thế hệ trẻ Việt Nam?

Tôi nhìn vào ba tầng nấc. Tầng nấc của những thanh niên tiêu biểu như đội U23 Việt Nam, tầng nấc của sinh viên, trí thức trẻ mà tôi tiếp xúc hàng ngày, và tầng nấc của biển thanh niên xuống đường.

Điểm chung của họ là dòng chảy năng lượng, nếu được "nắn dòng" đúng đắn, sẽ trở thành xung lực lớn để phát triển đất nước.

Bên cạnh sự nghiệp ngoại giao, anh Lê Hải Bình còn là một võ sư hồng đai, phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của Liên đoàn Vovinam Việt Nam.

Kể từ khi trở lại giảng đường Học viện Ngoại giao năm 2017, anh tiếp tục gắn bó với các lớp dạy võ miễn phí cho sinh viên mà anh đã duy trì nhiều năm nay.

Mỗi năm, võ sư này đều cùng các võ sinh thực hiện các chuyến đi về nguồn thăm Trường Sơn, Thành Cổ Quảng Trị, các nghĩa trang liệt sĩ, các di tích lịch sử… để tỏ lòng biết ơn với các vị tiền nhân.

Võ sư Lê Hải Bình và các võ sinh trong một chuyến đi về nguồn tháng 3-2017;  Anh Lê Hải Bình và các võ sinh tặng Thủ tướng Canada Justin Trudeau chiếc hồng đai võ sư danh dự và bộ võ phục Vovinam thêu tên ông nhân chuyến thăm Việt Nam của vị Thủ tướng này tháng 11-2017 - Ảnh: NVCC

QUỲNH TRUNG thực hiện

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên