01/09/2006 23:02 GMT+7

Thận trọng khi truyền đạm

Theo BS. VŨ HƯỚNG VĂN - Sức khỏe đời sống
Theo BS. VŨ HƯỚNG VĂN - Sức khỏe đời sống

Hiện nay, một số người bệnh nhân khi yếu mệt chuộng tiêm truyền dung dịch đạm thủy phân. Tuy nhiên, truyền dịch cũng có những tai biến có thể xảy ra.

Trong các chai dung dịch đạm có nhiều các acid amin mà cơ thể cần, có các chất điện giải và có thể thêm một số các vitamin, sorbitol tùy theo tên thương phẩm của các hãng dược sản xuất khác nhau. Thị trường dược phẩm nước ta đang có nhiều loại dung dịch tiêm truyền này như: aminosol vitrum (Thụy Điển), moriamin (Nhật Bản), trophysan (Pháp), yeiamin (Thái Lan), amigreen TPN (Hàn Quốc)... mỗi chai 500ml.

Không nên lạm dụng, cứ thấy người mỏi mệt, ăn uống giảm sút là mời nhân viên y tế tới tiêm truyền dung dịch đạm thủy phân tại nhà, hoặc tiêm truyền tại phòng khám bệnh tư, không phải bệnh viện. Truyền dung dịch đạm thủy phân chỉ có chỉ định điều trị với người bệnh suy kiệt, không ăn uống được, người bị chấn thương nặng, bỏng, bệnh nhân phải phẫu thuật lớn... Vì vậy khi thực hiện tiêm truyền phải có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ, được thực hiện tại các cơ sở y tế có uy tín và cần chú ý:

- Phải kiểm tra hạn dùng bộ dây truyền và túi đựng. Các dụng cụ khác (khay đựng, panh, kéo...) phải được tiệt khuẩn cẩn thận.

- Trước khi truyền, cần cho chảy những giọt đầu tiên ra ngoài để đuổi hết bọt khí trước khi cho dung dịch truyền vào mạch máu người bệnh.

- Không tiêm truyền quá tốc độ cho phép, điều chỉnh liều và tốc độ (số giọt/phút) thuốc tùy từng trường hợp theo chỉ định của thầy thuốc điều trị. Nếu không theo dõi để khóa điều chỉnh tốc độ xê dịch trong lúc truyền, thuốc xuống nhiều, nhanh rất dễ xảy ra choáng (sốc). Lúc đầu nên truyền với tốc độ chậm cho người bệnh thích ứng dần, sau đó truyền với tốc độ chỉ định.

- Phải chuẩn bị sẵn phương tiện và thuốc men để xử lý kịp thời khi bất ngờ người bệnh bị choáng.

Nếu không thực sự cần thiết mà cứ tiêm truyền tại nhà, hoặc ở phòng khám tư thì điều trước tiên là thiệt hại về kinh tế (công tiêm truyền và tiền thuốc khá cao), và tốn nhiều thời gian vì phải nằm nhiều giờ để tiêm truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch. Nếu nóng vội tiêm truyền nhanh rất dễ bị choáng nguy hiểm.

Với một số trường hợp cho dù tiêm truyền tốt (sát khuẩn cẩn thận, kim tiêm đưa vào đúng tĩnh mạch và tiêm nhỏ giọt đúng chỉ định) vẫn có thể bất thường xảy ra choáng phản vệ. Đó là do phản ứng đặc biệt của cơ thể đối với các tác nhân nào đó trong chai đạm: vitamin, hoặc phân tử acid amin... Choáng phản vệ cực kỳ nguy hiểm, nạn nhân suy tuần hoàn cấp (tụt huyết áp, mạch nhanh nhỏ khó bắt: trụy tim mạch), vật vã nửa tỉnh nửa mê, hay hôn mê, vô niệu, nôn, đại tiện không tự chủ... dù có được đưa vào bệnh viện cấp cứu, tỷ lệ tử vong vẫn cao.

Bởi vậy những người không quá suy yếu, còn hấp thu thức ăn qua đường tiêu hóa được, thì ăn uống bồi bổ cơ thể là cách tốt nhất vừa kinh tế, vừa an toàn; trong một số trường hợp cần thiết thì có thể uống các viên đạm thủy phân. Khi ăn các thực phẩm giàu đạm (thịt nạc, cá, trứng, sữa, đậu nành...), men tiêu hóa của cơ thể sẽ thủy phân chất đạm (protein) thành các acid amin cần thiết để được hấp thu vào cơ thể cũng có tác dụng không kém việc tiêm truyền dung dịch đạm.

Theo BS. VŨ HƯỚNG VĂN - Sức khỏe đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên