05/10/2010 03:15 GMT+7

Thận trọng khi bảo tồn di sản

HƯƠNG GIANG - HÀ HƯƠNG
HƯƠNG GIANG - HÀ HƯƠNG

TT - Trong thời gian ngắn ngủi lưu lại Việt Nam sau khi trao bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới cho khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nữ tổng giám đốc đầu tiên của UNESCO thế giới - bà Irina Bokova - đã dành riêng cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện.

MCjUPSfD.jpgPhóng to

Tổng giám đốc Unesco Irina Bokova - Ảnh: Hà Hương

* Bà vừa trở về từ chuyến thăm vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới. Qua chuyến đi này, bà đánh giá thế nào về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở Việt Nam?

- Vịnh Hạ Long là một cảnh quan độc đáo và phi thường. Tôi tin chính quyền địa phương làm việc chặt chẽ với Ban quản lý di sản thế giới. Nhưng chúng tôi cũng thảo luận về các thách thức phải đối mặt. Lượng du khách khổng lồ thể hiện sự thành công của di sản ở phương diện tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao sự hiểu biết của người dân về di sản, nhưng mặt khác cũng tạo ra nhiều vấn đề về môi trường.

Tôi nghĩ các bạn cũng nhận ra những thách thức đó. Về phía UNESCO, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn. Nói tóm lại, tôi cho rằng thách thức lớn nhất là làm sao hòa hợp giữa mục tiêu bảo tồn và hiện đại hóa.

* Trong cuộc họp hồi tháng 8 tại Brazil, thung lũng Elbe của Dresden (Đức) đã chính thức bị loại khỏi danh sách di sản thế giới. Bài học cho Việt Nam thông qua sự kiện đáng tiếc này là gì, thưa bà?

- Vấn đề với thung lũng Elbe không phải là thiếu vắng sự quản lý hay quy hoạch, mà là ở cây cầu xây mới khiến cảnh quan bị thay đổi. Thiết kế và xây dựng của cây cầu đó đã phá hỏng tính nguyên vẹn của khu vực. Chúng tôi muốn các bạn thật thận trọng khi bảo tồn các di sản. Điều đó không có nghĩa là UNESCO phản đối sự hiện đại hóa, vấn đề là việc xây dựng mới phải đảm bảo không phá hoại cảnh quan.

Cho dù các bạn định làm gì, lời khuyên của tôi là tham vấn với Ủy ban Di sản thế giới. Như trường hợp cầu Bãi Cháy ở Hạ Long. Ban đầu cũng có nhiều băn khoăn về ảnh hưởng của nó nhưng tôi có thể thấy cây cầu rất hòa hợp với cảnh quan chung. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã đúng khi tham vấn trước với Ủy ban Di sản thế giới về việc này.

* Bà từng nói lấy làm tiếc vì văn hóa không được đưa vào thành một mục tiêu thiên niên kỷ. Xin bà cho biết tại sao và theo bà, việc giữ gìn di sản văn hóa có ý nghĩa như thế nào với tương lai của một quốc gia như VN?

- Tôi nói điều đó nhiều lần bởi tôi tin văn hóa có mối liên hệ chặt chẽ với phát triển. Chẳng hạn trong tăng trưởng kinh tế, văn hóa góp phần tăng thu nhập. Ở Việt Nam du lịch dựa phần lớn vào văn hóa. Tôi cũng được biết du lịch mang lại 5,5% GDP cho các bạn. Các sự kiện, lễ hội văn hóa chiếm một tỉ lệ quan trọng trong thu nhập của nền kinh tế.

Không những vậy, trong thế giới toàn cầu hóa chúng ta phải có kiến thức và văn hóa làm nền tảng để hội nhập. Các bạn sẽ có thêm cảm hứng và động lực để bước tới tương lai, khi biết mình có trong tay những di sản văn hóa đáng tự hào.

Vì thế tôi tin bảo tồn văn hóa, kể cả văn hóa vật thể và phi vật thể, là vô cùng quan trọng cho sự phát triển của mỗi đất nước. Đa dạng văn hóa là yếu tố thiết yếu trong toàn cầu hóa, bởi nếu không tất cả chúng ta sẽ trở nên đơn điệu. Bởi vậy trong kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua ở New York (Mỹ), chúng tôi đã tổ chức buổi thảo luận quan trọng về mối liên hệ giữa văn hóa và phát triển. Rất đáng mừng là lần đầu tiên, sau hàng tháng trời thuyết phục và trình bày với các quốc gia khác nhau rằng giữa văn hóa và phát triển có sự liên hệ mạnh mẽ, một đoạn trong văn kiện của đại hội đồng đã được dành cho chủ đề này.

* Hiện nay khi VN vừa trở thành nước có thu nhập trung bình, UNESCO có thay đổi cách tiếp cận và hỗ trợ với VN không?

- Đó cũng là một thách thức lớn đối với chúng tôi. Mục tiêu của Liên Hiệp Quốc nói chung và UNESCO nói riêng là tăng trưởng. Tuy nhiên, theo tôi, mục tiêu đó có tính hai mặt: tăng trưởng kinh tế nhanh luôn tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Điều thiết thực nhất mà chúng tôi có thể làm là hỗ trợ các nhóm thiệt thòi tăng tính cạnh tranh trong thời đại hội nhập hiện nay. Trong đó, giáo dục là một công cụ tuyệt vời để hỗ trợ những người bị tụt lại phía sau, giúp họ hội nhập thành công, từ đó tạo ra sự công bằng trong xã hội.

Chúng tôi đang làm điều đó ở nhiều nơi trên thế giới, những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình như Việt Nam, Brazil, Ấn Độ... Nếu với các nước lạc hậu chúng tôi hướng tới mục tiêu “giáo dục cho tất cả” thì ở Việt Nam mục tiêu hướng đến là chất lượng giáo dục. Tùy điều kiện và hoàn cảnh mỗi nước, sự hợp tác sẽ có sự điều chỉnh.

Mj2qyHzB.jpgPhóng to

Nhiều vị khách trầm trồ trước một cái giếng đẹp. Nhưng hầu hết không biết giếng từ thời nào, đã có lịch sử bao nhiêu năm - Ảnh: Hà Hương

Mỗi ngày 10.000 lượt khách tham quan khu khảo cổ

Ước tính khoảng 40.000 lượt khách đã đến tham quan khu khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) sau bốn ngày mở cửa (*). Dù vậy tình trạng chung vẫn là “cưỡi ngựa xem hoa”, bởi không phải ai cũng nhận ra vẻ đẹp của di sản giữa bạt ngàn phế tích cũng như hiểu câu chuyện về 13 thế kỷ nối tiếp nhau của Hoàng thành Thăng Long.

Người xem chỉ coi mà không biết đó là hiện vật gì, công dụng ra sao khi phòng trưng bày hiện vật lẫn khu khảo cổ ngoài trời không có một dòng chú thích. Đường tham quan lại khá nhỏ, lực lượng mỏng không đủ thuyết minh cho hàng nghìn người.

PGS.TS Tống Trung Tín (viện trưởng Viện Khảo cổ học VN) cho biết: “Thật sự thời gian quá gấp rút khiến các nhà khoa học không có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng. Lực lượng hướng dẫn viên cũng có hạn, trong khi không thể dự kiến được số lượng du khách đông khủng khiếp như vậy. Việc làm biển chú thích dưới các hiện vật cũng không kịp. Sau dịp đại lễ, chúng tôi sẽ đóng cửa để kiểm tra các tác động lên di sản và tổ chức lại công tác trưng bày, thuyết minh cho khách tham quan”.

HÀ HƯƠNG

(*) Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu mở cửa từ ngày 2 đến 11-10, từ 14 đến 20-10, từ 23-10 đến 2-11.

HƯƠNG GIANG - HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên