22/10/2012 18:54 GMT+7

Thăm chùa Hang

TRẦN NHƯ QUỲNH
TRẦN NHƯ QUỲNH

TTO - Trà Vinh có rất nhiều ngôi chùa của người Khmer, nhưng độc đáo và nổi bật hơn cả phải kể đến chùa Hang. Một điểm đến không thể thiếu nếu ghé thăm vùng đất này.

NDXzZfnd.jpgPhóng to
Cổng chính của chùa - Ảnh: Trần Như Quỳnh

Chỉ cách thị xã Trà Vinh khoảng 5km theo quốc lộ 54, chùa Hang hay còn gọi là chùa Kompông Crây, nằm ở khóm 4, thị trấn Châu Thành, H.Châu Thành.

Vào chùa phải đi qua một cổng có chiều ngang 12m, dài và sâu 12m với một lối đi chính và hai lối đi phụ từ cổng hàng dẫn vào chánh điện cách đó 100m. Đi qua cổng giống như đi qua một cái hang nên chùa được gọi là chùa Hang chứ “đỏ mắt” du khách cũng không thể ra tìm một hang nào bên trong chùa.

Chùa theo hệ phái Nam Tông, được xây dựng từ năm 1637, tên chùa Kompông Crây nghĩa là bến cây đa nhưng bên trong chùa, loài cây đặc trưng cũng không phải là cây đa như các ngôi chùa miền Bắc. Khuôn viên chùa xanh mát bới hàng cây sao, cây dầu cổ thụ, cao chót vót có tuổi đời đến hàng trăm năm tuổi. Trên những tán lá ấy, rất nhiều loài chim, cò tìm về làm tổ.

Chính những cây sao dầu to lớn này, bên cạnh đó là những gốc cây bộ rễ cây còn lại trong lòng đất đã tạo ấn tượng riêng cho chùa: nghệ thuật điêu khắc gỗ. Ngoài chuyện kinh kệ, niệm Phật, khất thực như bao chùa Khmer khác, các sư còn phát triển nghề thủ công mỹ nghệ điêu khắc gỗ. Một gian nhà rộng bên hông chánh điện là nơi các sư miệt mài chế tác gỗ, tạo thành những tác phẩm điêu khắc đẹp mắt.

VzJOFk5S.jpgPhóng to

Chánh điện của chùa - Ảnh: Trần Như Quỳnh

oNpp3rDc.jpgPhóng to

Tượng Phật ngay giữa chánh điện - Ảnh: Trần Như Quỳnh

Lnjspwr2.jpgPhóng to

Tượng rắn thần Nara 7 đầu - Ảnh: Trần Như Quỳnh

Nghề được tạo dựng từ năm 2002, bắt đầu từ những cây bị tàn phá trong chiến tranh, còn lại gốc và bộ rễ với hình thù đẹp mắt. Thay vì dùng gỗ làm củi đốt, không bỏ phí, các sư mới mời nghệ nhân về dạy điêu khắc gỗ.

Từ đó đến nay, các sư trong chùa đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Từ những bộ rễ cây vô tri, qua bàn tay tài hoa của các nhà sư trở thành các tác phẩm của cuộc sống như chim muông đến hình tượng Phật giáo, con trâu, người nông dân… tinh xảo, rất sống động, trông như có linh hồn.

Những tác phẩm ấy được du khách, nhiều công ty, cơ quan mua về làm quà lưu niệm, tạo nguồn thu đáng kể cho chùa. Hiện trong chùa các sư vẫn tiếp tục trồng thêm nhiều cây sao, dầu với khoảng 1.000 cây trên 10 năm tuổi, để tiếp tục giữ mạch điêu khắc gỗ cho nhiều thế hệ sau của chùa.

Không thể không nói đến kiến trúc của chùa, với kiến trúc mang đậm nét văn hóa Ấn Độ. Hai bên cổng vào chùa có hình hai tượng Yak. Yak là loài chằn tinh, mắt lồi, lanh dài, mặc áo giáp, cầm gậy. Yak rất hung ác nhưng được Phật cảm hóa cho làm bảo vệ.

Chánh điện chùa cách cổng khoảng 100m, nằm giữa một vườn cây xanh, trông như một cung điện màu vàng son giữa khu vườn. Cũng như bao ngôi chùa Khmer khác, ngay chánh điện là tượng thần rắn Nara 7 đầu được chạm trổ tỉ mỉ. Quanh chánh điện là những hàng cột tròn to gắn tượng chim thần Kâyno nâng mái chánh điện. Mái ngói chùa vẽ hoa văn với các góc đỉnh mái có đuôi rồng uốn ngược lên.

Bên trong chánh điện cũng là những hàng cột, ngay giữa chánh điện là tượng Phật tổ uy nghiêm, hai bên và trên nóc chánh điện là những bức tranh về Phật giáo. Bước vô bên trong chánh điện, cứ ngỡ như mình đang lạc vào một chốn của tiên phật, để tìm về một nơi cho lòng thấy tịnh tâm, thanh bình.

1ubeg0ch.jpgPhóng to
AuhPhevi.jpg

Các sư điêu khắc gỗ từ những bộ rễ cây - Ảnh: Trần Như Quỳnh

vFpVgdqi.jpgPhóng to
dLDOE2Cq.jpg

Các tác phẩm từ điêu khắc gỗ của chùa - Ảnh: Trần Như Quỳnh

TRẦN NHƯ QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên