29/05/2010 06:16 GMT+7

Thái Lan: Vì sao áo đỏ đấu với áo vàng?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTCT - Cuộc đối đầu đổ máu ở Thái Lan có đơn giản là giữa hai phái tự gọi là “dân chủ” (cầm quyền, áo vàng) và “chống độc tài” (áo đỏ)? E rằng đây mới chỉ là sự đụng độ giữa các nhóm lợi ích trong lớp vỏ chính khách.

Ly0VNJep.jpgPhóng to

Những người tình nguyện dọn dẹp đường phố sau hai tháng bị phe áo đỏ chiếm giữ trong xung đột với chính phủ - Ảnh: Reuters

Hiển nhiên lần này phe áo đỏ chống chính quyền Abhisit một cách bạo lực hơn trước đây phe áo vàng chống lại chính quyền Samak, được xem là cánh tay của ông Thaksin. Từ lâu, người ta đều biết rằng ông Thaksin luôn có trong tay một lực lượng quen sử dụng vũ khí mà những hình ảnh chống trả quân đội, cảnh sát trên truyền hình là những minh chứng không thể chối cãi.

Tiến sĩ Thanyathip Sripana của Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Chulalongkorn, trong một tiếp xúc với TTCT cách nay hai năm tại khuôn viên đại học kể rằng vào tháng 9-2006, ông Thaksin - lúc đó là thủ tướng tạm quyền - đã lên kế hoạch chuẩn bị sẵn một lực lượng “bạo động” có đầy đủ vũ khí để chiếm chính quyền hôm 20-9, rồi mời ông từ cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York về nắm quyền luôn, không tạm quyền nữa. Nguy cơ đó buộc quân đội Thái phải ra tay trước bằng một cuộc đảo chính hôm 19-9, tức trước đó một ngày.

Nói như thế không có nghĩa là phe áo vàng không có những “bàn tay sắt” tương tự. Vụ đánh chiếm sân bay quốc tế Suvarnabhumi cuối tháng 11-2008 cản trở hội nghị ASEAN cho thấy phe áo vàng cũng ác liệt không kém. Có thua chăng là do phe này không có một thủ lĩnh cỡ tướng áo đỏ Seh Daeng - nguyên trung tướng lực lượng đặc biệt.

Phân ranh chính kiến?

“Sự phân hóa giàu nghèo ở Thái Lan càng hiển hiện và trở nên nguy hiểm khi có quá nhiều triệu phú và tỉ phú mà lợi nhuận thu được chủ yếu từ những mối quen biết với các quan chức cầm quyền”

Cuộc chiến đường phố ở Bangkok phân ranh áo đỏ - áo vàng, nhưng chính trường Thái Lan không mang sắc thái của một sự phân ranh cánh tả - cánh hữu như thường thấy ở Pháp, thậm chí màu sắc nhạt hơn như ở Anh, Mỹ... Ý thức hệ, lý tưởng chính trị không là nền tảng của nền dân chủ Thái.

Cho đến nay, chủ thuyết duy nhất ở Thái Lan là chủ thuyết kinh tế “vừa đủ xài” (sufficiency economy) do quốc vương Bhumibol chủ xướng. Theo quốc vương, Thái Lan không nên quá chạy theo tăng trưởng, không nên quá lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài, quá ưu đãi kinh tế tư nhân, mà hãy chọn một thái độ “trung dung” để xã hội bớt phân hóa giàu nghèo. Một chủ thuyết như thế được Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) hoan nghênh (1), song lại chạm vào đam mê kinh doanh cá nhân và tăng trưởng quốc gia của ông Thaksin, nhà tài phiệt và thủ tướng. Đừng trách tại sao ông Thaksin “phạm thượng” mấy lần bị cáo giác!

Ở Thái Lan, sự phân hóa là giữa một đa số nghèo và một thiểu số giàu, ở giữa là một giới trung lưu, trí thức, viên chức, kinh doanh và một số khá đông buôn bán nhỏ... Sự phân hóa giàu nghèo càng hiển hiện và trở nên nguy hiểm khi có quá nhiều triệu phú và tỉ phú mà lợi nhuận thu được chủ yếu từ những mối quen biết với các quan chức cầm quyền, năm nay thuộc liên minh này, năm khác thuộc liên minh kia. Mỗi đảng đều có những lãnh đạo, đảng viên có những lợi ích kinh tế riêng.

Việc chính quyền Abhisit nay cấm 106 tập đoàn, công ty, cá nhân có quan hệ với ông Thaksin thực hiện các hoạt động chuyển khoản, sang nhượng (2)... chính là một minh chứng cho các chủ nghĩa gia quyến và thân hữu dưới thời ông Thaksin. Trong danh sách đen đó, có 13 tập đoàn kinh doanh trong các lĩnh vực dầu khí, địa ốc, tư vấn kinh tế, viễn thông, tiếp thị... Nếu nhớ rằng nền kinh tế Thái Lan lớn thứ nhì Đông Nam Á, sẽ hình dung “lợi ích” của nhóm này quan trọng như thế nào.

Ngoài số thân nhân xa gần, “phường hội” kinh doanh của ông Thaksin còn có cả một số tướng tá quân đội và cảnh sát như các tướng Pruen Suwannathat, Chaisit Shinwatra, Pallop Pinmanee, Manat Poarik, Chat Kuladilok, Sangiem Samranrat... Tướng áo đỏ Seh Daeng vừa quá cố cũng có tên trong danh sách này. Điều này giải thích vây cánh của ông Thaksin trong lòng quân đội Thái luôn giương ngọn cờ bảo vệ sự sống còn của đất nước, mà việc quân đội Thái đập tan phe áo đỏ trong tuần qua là một minh chứng.

Vụn bánh cho dân nghèo

Tất nhiên, không chỉ cánh của ông Thaksin mới “làm ăn”... Ít nhất một phó thủ tướng trong chính phủ hiện tại của Thủ tướng Abhisit cũng dính đến “đớp hít”. Giáo sư chính trị L. Wheeler nêu trường hợp ông Khun Sana, tổng bí thư Đảng Dân chủ (cầm quyền), bị truy tố và kết tội khai man tài sản khi còn trong chính phủ, nhằm che giấu của cải tham ô của mình: “Đây là lần đầu tiên một chính khách cấp cao như thế bị pháp luật trừng trị bằng pháp luật. Theo luật pháp ở Thái Lan, thủ tướng cùng các bộ trưởng không được phép có lợi nhuận trong bất cứ công ty nào có thể bị xem là “xung đột lợi ích” với chính phủ (3)”.

Theo giáo sư L. Wheeler, cơ cấu “ăn” trong bộ máy chính quyền Thái như sau: “Một số bộ như Tài chính, Nội vụ, Thương mại được xem như những “mối bở” do có nhiều cơ hội trực tiếp “kiếm ăn” hơn đối với các quan chức được bổ nhiệm vào các chức vụ này. Các chính khách càng lắm quyền lực, càng được lắm “mối bở” hơn; còn các bộ kém béo bở hơn thì được giao cho các quan chức kém thế hơn (4)”.

Thành ra cuộc đối đầu đẫm máu hiện nay hay các vụ trước kia chính là những đụng độ giữa các nhóm lợi ích khác nhau dưới lớp vỏ đảng phái. Trong bối cảnh đó, có thể thấy sự “được lòng dân nghèo” của ông Thaksin chính là khôn ngoan áp dụng quy luật mang tên trickle-down theory - lợi ích rơi rớt từ những kẻ giàu sụ xuống người nghèo.

Nguy cơ từ lý thuyết này là “giam hãm” người nghèo trong một ít ân huệ khiến họ quên đi mặt trái của các ân nhân. Thaksin (và vợ con) không chỉ kinh doanh viễn thông, địa ốc khi còn tại vị, mà sau khi lưu vong còn sang tận Uganda kinh doanh vé số (5). Những người từng nhờ ơn Thaksin không cần biết đến mặt trái đó mà chỉ nhớ đến một thủ tướng Thaksin đã giúp đỡ họ, khi thì bằng tiền túi (một cái túi chứa đến 2,6 tỉ USD), khi thì bằng ngân sách như một số tài xế taxi ở Bangkok được hỗ trợ tiền mua xe...

Trong khi ở nơi khác, tỉ như ông Suharto ở Indonesia hay Marcos ở Philippines ngày nào còn tại vị chỉ biết vét sạch sành sanh ngày đó, thì tiến sĩ Thaksin hơn người nhờ sự khôn ngoan của mình. Khi ông Thaksin lấy chiêu bài “Người Thái yêu thương người Thái” đặt tên cho Đảng Thai Rak Thai của ông, chia vài mẩu bánh vụn cho một số dân nghèo, ông được lòng họ cho đến tận nay.

Nhà báo lão thành Tom Plate kiêm giáo sư Đại học UCLA (Los Angeles, Mỹ), tác giả quyển Confessions of an American media man (Lời tự thú của một nhà báo Mỹ), đã nhận xét: “Đối với dân vùng quê, cựu thủ tướng này vẫn được xem như là người anh hùng. Ông ta được ưa thích do biết tạo ra cảm giác ông thật sự quan tâm đến cảnh ngộ dân nghèo (6)”.

Nhưng đó cũng chính là nỗi bất hạnh cho dân chúng. Một khảo sát dư luận tháng 6 năm ngoái cho biết 63% số người được hỏi cho rằng tham nhũng cũng được, miễn là làm sao cho “coi được một chút” (7). Đối với họ, dẫu sao có được vài ân huệ vẫn còn hơn không, vẫn còn hơn là bị vét sạch.

Chính thái độ đó đã khiến tham nhũng ngày càng “thản nhiên” hơn. Khi các chính phủ thay thế nhau bằng bầu cử thì thỏa hiệp “anh ăn kỳ này, kỳ sau tôi ăn” vẫn còn. Đến khi sốt ruột không đợi được cuộc bầu cử tới, mà đảo chính lật nhau, như trường hợp năm 2006, thì xung đột lợi ích cũng nổ tung theo. Và máu đổ.

__________

(1) “Thailand human development report 2007: sufficiency economy and human development”, United Nations Development Programme(2) The financial “blacklist”(3), (4) Thailand’s big problem, by L. Wheeler (5) Thaksin Shinawatra launches go lotto, The Observer, 17-2-2010(6) Thailand’s future, by Tom Plate(7) Khảo sát APAC

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên