08/05/2014 09:16 GMT+7

Thái Lan: Bộ trưởng Thương mại làm thủ tướng lâm thời

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Hôm qua, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã phán quyết bà Yingluck Shinawatra vi hiến trong việc thuyên chuyển cán bộ, buộc bà rời bỏ cương vị, kết thúc 1.000 ngày cầm quyền của nữ thủ tướng.

Hôm nay, tòa phán quyết số phận thủ tướng Thái Lan

Dzfhi2FK.jpg
Thủ tướng tạm quyền của Thái Lan Niwattumrong Boonsongpaisan - Ảnh: The Nation

Mới hôm 5-5, tại quê nhà bà Yingluck ở Chiang Mai, một trận động đất mạnh gây hư hại nặng nhà cửa và đường sá. Hai ngày sau đó, tại Bangkok, bà Yingluck chứng kiến một trận “động đất” khác không kém phần dữ dội.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm qua bắt đầu đọc phán quyết đối với bà Yingluck vào giữa trưa và mất hơn một giờ để đưa ra phán quyết cuối cùng. Phán quyết của tòa nói việc bà Yingluck thuyên chuyển quan chức hồi năm 2011 là “lạm quyền, bất thường, phạm pháp, vi hiến và vi phạm đạo đức”. Theo đó, các thẩm phán tuyên tư cách thủ tướng của bà Yingluck chấm dứt, chính thức phế truất nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan khỏi cương vị sau 1.000 ngày cầm quyền.

Ngày phán quyết

Chưa biết dự Hội nghị cấp cao ASEAN hay không

Mặc dù việc thủ tướng lâm thời của Thái Lan có tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN ở Myanmar ngày 10 và 11-5 chưa được xác nhận, nhưng chính phủ tạm quyền ở Thái Lan đã phê chuẩn một bản dự thảo tuyên bố để đưa ra ở Naypidaw.

Bangkok Post dẫn lời lãnh đạo Cục ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Thái nói thủ tướng lâm thời có thể bay sang Naypidaw dự bữa tối với các lãnh đạo ASEAN khác rồi quay về và để lại một đại diện tham dự cuộc họp ngày 11-5.

Năm 2011, sau khi lên cầm quyền, bà Yingluck đã thuyên chuyển chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Thawil Pliensri sang vị trí cố vấn cho thủ tướng. Thế vị trí của ông Thawil là cảnh sát trưởng quốc gia Wichien Podposri. Vị trí cảnh sát trưởng quốc gia được trao cho ông Priewpan Damapong, em trai của vợ cũ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Phe đối lập chỉ trích hành động này nhằm đưa người nhà vào chính quyền để tạo lợi thế cho bà Yingluck. Một nhóm thượng nghị sĩ sau đó đã đâm đơn ra tòa kiện nữ thủ tướng. Tòa hiến pháp phán rằng với việc đưa người nhà vào vị trí cảnh sát trưởng quốc gia, bà Yingluck đã gây ra xung đột lợi ích.

Mặc dù chín bộ trưởng khác liên quan đến vụ việc cũng phải ra đi, nhưng nội các lâm thời được tòa tuyên rằng có thể tiếp tục làm nhiệm vụ của mình cho đến khi chính phủ mới hình thành. Cùng ngày, nội các Thái Lan đã nhanh chóng chỉ định Bộ trưởng thương mại lâm thời Niwatthamrong Boosongphaisan làm thủ tướng lâm thời thay bà Yingluck.

Báo The Nation cho biết nữ thủ tướng theo dõi truyền hình trực tiếp phán quyết của Tòa án hiến pháp từ văn phòng bí thư thường trực Bộ Quốc phòng. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp sau phán quyết, bà Yingluck cảm ơn những người đã ủng hộ bà trong thời gian bà làm thủ tướng.

Đây không phải là lần đầu tiên Tòa án hiến pháp phán quyết phế truất một thủ tướng. Tháng 9-2008, Tòa án hiến pháp đã ra phán quyết phế truất thủ tướng Samak Sundaravej của Đảng Sức mạnh nhân dân (PPP) thân Thaksin vì tham gia chương trình nấu ăn trên truyền hình khi đương chức. Ba tháng sau đó, tòa tuyên giải thể PPP vì gian lận bầu cử, đồng thời phế truất tư cách thủ tướng của ông Somchai Wongsawat, anh rể ông Thaksin.

Bà Yingluck sẽ bị truy tố vụ trợ giá gạo?

Theo The Nation, Đảng Phuea Thai cầm quyền lên tiếng phản đối phán quyết của tòa, nói đây là một cuộc đảo chính nhằm vào một chính phủ dân cử, đồng thời tuyên bố sẽ nỗ lực để cuộc bầu cử mới diễn ra ngày 20-7, mặc dù ngày bầu cử chính thức chưa được hoàng gia thông qua.

Trong khi đó, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia cho biết đã hoàn tất việc xem xét các chứng cứ và tài liệu liên quan đến vụ bà Yingluck bị cáo buộc tắc trách trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân và hôm nay (8-5) đưa ra quyết định có truy tố bà hay không.

Lực lượng áo đỏ thuộc Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) tuyên bố không kéo đến Tòa án hiến pháp. Tuy nhiên, một cuộc biểu tình lớn vào ngày 10-5 này vẫn sẽ diễn ra theo dự định. UDD nói họ phản đối việc chọn một “thủ tướng trung lập” như lực lượng chống chính phủ thuộc Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) đề ra. Kế hoạch mà PDRC đề xuất là lập một hội đồng của người dân, chỉ định một thủ tướng trung lập, tiến hành cải tổ chính trị rồi mới tổ chức bầu cử, đồng thời các thành viên trong gia tộc Thaksin không được tham gia chính trường.

Một trong những thượng nghị sĩ đâm đơn kiện bà Yingluck lên Tòa án hiến pháp, ông Paibul Nititawan nói với Tuổi Trẻ rằng ông rất hài lòng về phán quyết của tòa hôm qua. “Nước Thái nên có một thủ tướng mới” - ông Paibul nói và tỏ ý đồng tình với quan điểm của PDRC rằng phải cải tổ chính trị trước rồi mới tổ chức bầu cử. Ông cho rằng chưa cần vội vàng tổ chức bầu cử.

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, giáo sư Lae Dilokvidhyarat thuộc Trường đại học Chulalongkorn (Bangkok) nói ông không tin sẽ có chuyện bạo lực xảy ra sau phán quyết của tòa. “Hai phe biểu tình sẽ biết cách phải kiềm chế để không phát sinh bạo lực” - ông Lae nói.

Lực lượng biểu tình chống chính phủ hoan nghênh phán quyết của tòa, nhưng vẫn tiếp tục biểu tình vì chính phủ lâm thời vẫn còn đó. Về phía PDRC, giáo sư Lae cho rằng sau phán quyết phế truất bà Yingluck, nếu lãnh đạo PDRC Suthep Thaugsuban tiếp tục đòi hỏi các yêu sách của mình được thực thi thì ông ta sẽ đánh mất sự ủng hộ của những người vốn đã hài lòng với phán quyết phế truất bà Yingluck của tòa.

Nhà báo kỳ cựu của Thái Lan Kavi Chongkittavorn - thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế thuộc Trường đại học Chulalongkorn - trao đổi với Tuổi Trẻ rằng ông cũng không nghĩ bạo lực sẽ diễn ra mặc dù lực lượng áo đỏ dọa sẽ làm như vậy. “Trong vòng 1-2 ngày nữa sẽ có những quyết định quan trọng liên quan đến các bước tiếp theo. Còn hiện tại, rất khó để đoán định” - ông Kavi nhận định.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên