13/01/2011 07:14 GMT+7

Thái Lan - "góc tối" trên đường công nghiệp hóa

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TT - Những khu công nghiệp mọc vội, những đập thủy điện ồ ạt dựng lên, chất thải giết chết các dòng sông, gây ô nhiễm bầu trời, bệnh tật xuất hiện, nguồn sống thu hẹp dần... đó là những “sự cố” mà đất nước láng giềng Thái Lan đang gánh chịu.

Tuổi Trẻ tường trình những câu chuyện từ những làng quê trên đất Thái.

Tháng 5-2007, hội nghị hằng năm lần 40 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Nhật Bản xuất hiện một phụ nữ Thái Lan. “Món quà” mà chị Maliwan Najwirot mang đến trình hội nghị là hơn 300 giấy xác nhận tử vong của người dân Mae Moh nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ nhà máy điện than ở Mae Moh. Chị hỏi chủ tịch ADB một câu hỏi khó: “Ông cảm thấy thế nào khi tiền đóng thuế của mình và người dân Nhật Bản đem cho vay đã giết chết 300 người dân Mae Moh?”. ADB sau đó đã ngưng hoàn toàn các khoản cho vay với dự án Mae Moh.

xSfoYFy1.jpgPhóng to

Chị Maliwan với hơn 300 giấy chứng tử của người dân Mae Moh trong kỳ họp lần 40 của ADB tại Nhật - Ảnh: Greenpeace

Tiếng vọng đến ADB

Cho đến năm 2008, Nhà máy điện than Mae Moh vẫn là nhà máy quy mô lớn nhất Đông Nam Á với sản lượng đến 2.625MW, mỗi ngày đốt cháy 40.000 tấn than lignite.

Nhưng mãi đến năm 1992, 11 tổ hợp của nhà máy vẫn không có hệ thống lọc và xử lý khí SO2. 16 cộng đồng dân cư sống quanh nhà máy phải hứng chịu một thảm họa ô nhiễm khí SO2 lớn nhất Đông Nam Á. Mái tôn bị thủng vì mưa axit, cây cối, hoa màu chết, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bác sĩ Chaianan Tayawiwat làm việc ở bệnh viện địa phương đã bị sa thải vì nỗ lực cảnh báo về mối liên hệ giữa bệnh hô hấp và khí thải từ Nhà máy điện Mae Moh.

Sau một cuộc biểu tình lớn, chủ đầu tư của nhà máy là Tổng công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) cam kết sẽ di dời dân, mua xe chở họ đi bệnh viện, gắn hệ thống lọc để xử lý khí thải SO2. Nhưng chỉ hai năm sau đó, những máy lọc khí SO2 bị hư hỏng hoàn toàn.

Maliwan bức xúc: “Hãy tưởng tượng ai đó lấy xe hơi tông vào bạn. Khi bạn lành, người ta lại dùng chiếc xe đó tông bạn lần nữa. Những khiếu nại thống thiết không được lắng nghe, ngược lại EGAT còn được khen ngợi, nhận được nhiều khoản vay hơn”.

Con trai chị, Wisanu Nakwiroj, kiếm sống bằng nghề bảo trì máy tính. Vì công khai chỉ trích việc gây ô nhiễm lâu dài của Nhà máy Mae Moh, cậu đã bị mất việc. Chồng chị, công nhân lái xe chở than cho chính Nhà máy điện than Mae Moh, cũng bị sa thải.

Người dân Mae Moh cuối cùng cũng được dời đến nơi ở mới sau khi có gần 400 người chết, 80% của 7.000 gia đình mắc các bệnh mãn tính về hô hấp. Khiếu kiện giằng co suốt 25 năm. Tòa án Thái Lan phán quyết EGAT phải chịu trách nhiệm toàn bộ với những ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân và phá hủy sân golf đã được xây bằng tiền lẽ ra dùng để kiểm soát ô nhiễm.Từ đây, Chính phủ Thái Lan thông qua điều luật cho phép người dân khởi kiện các tập đoàn mà không phải đóng án phí.

Những người khách từ bốn phương

Khi tiếp xúc với chúng tôi, chị Maliwan cũng đang có một đoàn khách từ thị trấn Mae Sot, tỉnh Tak, biên giới của Thái và Myanmar, đến thăm. Người dân Mae Sot muốn học kinh nghiệm ở Mae Moh vì có tới ba làng ở Mae Sot bị nhiễm chất cadmium do hai công ty khai thác kẽm (Zn), từ Công nghiệp Padaeng và Công ty khoáng sản Tak, cũng là nhà máy kẽm lớn nhất Đông Nam Á, gây ra từ những năm 1977.

Chất độc cadmium ngấm vào đất, chảy vào nước, đi vào chuỗi thức ăn. Cá, tôm bị nhiễm độc. Hoa màu như lúa, sắn, bắp, đậu nành, tỏi... cũng bị nhiễm độc. Khoảng 10% dân cư sống gần khu nhà có chất độc cadmium trong máu và gặp các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là gây suy thoái thận, sỏi thận. Họ được trả một số tiền để ngưng trồng các loại thực phẩm.

Laofang, một luật sư, trăn trở: “Có lần đến Mae Sot, tôi rùng mình khi được biết họ trồng lúa nhưng chỉ để bán và mua gạo từ nơi khác về ăn. Không biết chất độc cadmium sẽ lan đi bao xa”.

Ở vùng cực nam của Thái Lan, người dân tỉnh Prachuap Khiri Khan cũng đến tận Mae Moh ở miền bắc xa xôi để mục sở thị. Sau khi tận mắt chứng kiến những cái chết từ từ, họ đã thẳng thừng từ chối sự có mặt của hai nhà máy điện than ở địa phương.

7417XaMJ.jpgPhóng to

Tác giả Hồng Vân

Tác giả Phạm Thị Hồng Vân tốt nghiệp thạc sĩ báo chí ở Đại học West Virginia, bang West Virginia, Mỹ vào tháng 5-2010. Cô được học bổng đào tạo về môi trường và phát triển ở Thái Lan.

Về lý do viết loạt bài này, cô cho hay: “Một người bạn ở Thái Lan nói: Nếu nền kinh tế Việt Nam hiện đang đi sau chúng tôi thì có lẽ người Việt cần đến nhiều thời gian nữa mới hiểu những hậu quả từ công nghiệp hóa của Thái Lan. Câu nói đó đóng vào tim tôi!”.

_______________

Nếu bạn chưa tin con người có thể đổi màu trời, thay màu nước, hãy đến Map Ta Phut, ở đó có bài học đau lòng từ nơi có GDP cao nhất Thái Lan.

Kỳ tới: Cái giá của GDP cao nhất

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên