![]() |
Vợ chồng Thạch Kim Long mưu sinh bên quán cà phê cóc - Ảnh: T.N.T. |
Trừ phim Rừng đen ra thì “vừa vừa thôi” cũng là cụm từ mà Thạch Kim Long thường dùng để nói về vai diễn của mình. Anh luôn mong có được những vai diễn tâm đắc hơn nữa, nhưng công việc hằng ngày vẫn là... phụ vợ bán cà phê quán cóc.
1. Khi ngồi ở quán cà phê cóc (trên đường Phan Kế Bính, Q.1, TP.HCM), tôi vẫn tự thầm hỏi không biết có mấy người biết anh là diễn viên điện ảnh? Có mấy người đã từng nhìn thấy anh trên phim?
Với cái cách của Thạch Kim Long, khó mà nghĩ tới chuyện anh “tự quảng cáo” về mình. Im lặng, lắng nghe, mỉm cười, làm việc... Thạch Kim Long là một người bán cà phê chuyên nghiệp, một “ông chủ” đồng thời với anh chạy bàn. Khi vợ pha cà phê thì anh rửa ly tách, vợ dọn dẹp thì anh pha cà phê, bưng bê... Nhưng trong rất nhiều buổi sớm, khi vợ bận đưa thằng nhóc đến trường, tiện thể ghé chợ thì quán chỉ có mình anh chạy tới chạy lui. Vẫn thường mặc chiếc áo thun, quần soóc, dép lê...
Vẫn gương mặt phảng phất buồn, nhưng miệng hay mỉm cười, phong thái của con người thích hành động. Tôi chưa bao giờ thấy Thạch Kim Long ngồi “làm dáng” ở quán vỉa hè ấy.
Mê phim ảnh từ nhỏ. Mộng diễn viên. Thần tượng ngôi sao Thành Long. Học hết lớp 9 đi bộ đội. Xuất ngũ, làm ruộng. Nghèo quá, khăn gói từ quê nhà Trà Vinh lên TP.HCM lập nghiệp.
Làm thợ hồ, chạy bàn quán cà phê, bảo vệ nhà hàng, phụ bán thịt heo ngoài chợ... Kiên trì học bổ túc xong chương trình cấp III. Lộn ngược về quê. Lấy vợ, làm ruộng. Rồi trở lên thành phố, tiếp tục làm đủ thứ nghề kiếm sống. Nộp đơn thi vào khoa đào tạo diễn viên của Hội Điện ảnh TP.HCM. Tốt nghiệp năm 1996. Từ đó “chuyên trị” các vai quần chúng. Thật sự tạo dấu ấn từ vai Hoạt - vai chính gai góc và mạnh mẽ trong phim truyện nhựa Rừng đen.
2. ”Tôi rất biết ơn Kiều Trinh vì đã giới thiệu tôi với đạo diễn Vương Đức. Nhân vật Hoạt là vai diễn tôi rất thích. Nó gần với tôi, một người sống nội tâm nhưng ưa thích hành động. Tôi không ngại gian khó. Tôi thích đắm chìm trong cảm xúc nhân vật. Trong phim tôi là nhân vật đó, tôi không nghĩ hoặc quên mất mình là diễn viên. Tôi luôn ao ước được mời tham gia những vai đầy cá tính như thế” - Thạch Kim Long nói về vai Hoạt trong phim Rừng đen - Bông sen bạc LHP VN lần thứ 16.
- “Tôi cầm cuốn sổ lật ra và đọc như không dừng được. Nhưng tôi không đọc bằng tiếng Anh đâu. Tôi chỉ nhép miệng, sau đó đạo diễn cho lồng tiếng. Cũng chẳng hiểu sao mình diễn được nữa. Trước đó, tôi có nhờ cô giáo dạy tiếng Anh, nhưng gấp quá làm sao học kịp. Cũng may tôi đã làm tốt yêu cầu của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tôi đã là trung úy Huân khi nói câu: “Đừng đốt, trong ấy đã có lửa”! - Thạch Kim Long nói về vai trung úy Huân trong phim Đừng đốt - Bông sen vàng LHP VN lần thứ 16.
- “Hình như tôi có duyên với những vai xù xì, lính tráng. Khi đạo diễn trẻ Hồ Thanh Tuấn làm phim ngắn đã mời tôi vào vai chỉ huy một nhóm quân giải phóng. Tôi nhận lời ngay. Có lẽ nhờ mấy năm đi bộ đội mà tác phong quân sự, thao tác súng ống tôi làm không đến nỗi nào, gần như không có áp lực đáng kể. Chúng tôi làm phim như những người bạn với nhau. Tôi rất kỳ vọng ở những đạo diễn trẻ. Họ làm việc hết mình. Sống trong không khí ấy khiến mình thích thú dốc lòng cho nghệ thuật” - Thạch Kim Long nói về vai diễn trong phim ngắn Giao thừa - Bông sen vàng LHP ngắn 2009.
3. Sinh năm 1970, năm nay Thạch Kim Long đã chẵn 40 tuổi. Với vóc dáng rất đàn ông, ánh mắt sáng, nụ cười rộng mở, ấm áp... Thạch Kim Long là một gương mặt có lợi thế tạo dấu ấn trên màn ảnh. Nhưng anh cũng biết cái tuổi “sồn sồn” của mình không là lựa chọn cho những dòng phim giải trí vốn là xu hướng hiện nay. Vai già chưa tới, vai trẻ đã qua. Vai nhỏ, vai lớn Thạch Kim Long không đắn đo, nhưng thực tế thì nhiều nơi làm phim đã đắn đo khi mời anh. Thêm với bản tính mộc mạc, ít giao du, Thạch Kim Long cho đến nay vẫn như là người “bên lề điện ảnh”.
Tâm trạng chờ đợi những vai diễn tâm đắc và cả những vai nhỏ để kiếm tiền sống là tâm trạng có thật. Nhưng với Thạch Kim Long, hiện nay chỉ một nghề có thật là cùng vợ bán cà phê quán cóc kiếm tiền độ nhật.
Không đặt ra những dự định lớn lao, Thạch Kim Long tận tình thu xếp cuộc sống mỗi ngày. Anh là người chạy bàn cà phê quán cóc kiếm sống để tiếp tục chờ đợi những vai diễn, chứ không phải là một nghệ sĩ đã nổi tiếng thành đạt rồi, đang “diễn” ở quán cà phê của mình. Anh là người cha, người chồng có trách nhiệm. Vẫn thu xếp thời gian mỗi ngày để tập thể dục thể hình. Chờ đợi nhưng không nôn nóng. Vẫn âm thầm học hỏi để vươn lên trong cuộc sống, trong nghề diễn.
Và mỗi buổi sớm khi chạy xe ngang qua hoặc ngồi lại quán cà phê cóc đó, nhìn Thạch Kim Long tôi vẫn thường thầm nghĩ với một người sống một cuộc đời thường giữa phố phường như thế, khi làm diễn viên anh sẽ “đọc” được nhân vật tốt hơn biết bao. Khi đó anh không phải gồng lên để diễn, mà chắt lọc để hóa thân. Thạch Kim Long, ở cái quán cóc đó, có mấy người nhận ra? Điều đó có quan trọng gì đâu. Quan trọng là khán giả đã từng nhận ra những vai diễn thật hay, và vai nào cũng thật tâm huyết chứ không phải “vừa vừa” như anh khiêm tốn tự nhận.
Thạch Kim Long còn tham gia một số phim: Mùa len trâu (2004), Dưới cờ đại nghĩa, Người gác mộ (2005) Nghề báo, Con đường sáng (2006), Trái tim bé bỏng, Mùa chim én xôn xao (2008) Dù chỉ xuất hiện trong một vai nhỏ, nhưng Thạch Kim Long vẫn khiến khán giả nhớ bởi đó là một gương mặt đàn ông khó lẫn. Không chỉ thế, đó còn là một phong cách diễn “mộc” bẩm sinh, tạo nhiều cảm xúc. Còn ở ngoài đời, Thạch Kim Long vẫn giữ được xúc cảm trong trẻo với nghệ thuật. Vẫn luôn khao khát, đợi chờ, mong ngóng nhưng không bằng mọi giá, không vội vàng quàng xiên... Đó là điều hiếm thấy ở một diễn viên đang tạo dựng tên tuổi, đang bươn chải giữa đời. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận