![]() |
Người dân Campuchia mua sắm tết Việt ở chợ cửa khẩu Long Bình (An Giang) - Ảnh: Đ.vịnh |
Ngày 23 tháng chạp, vợ chồng anh Lê Văn Biết từ Kohthom, Kan Dal (Campuchia) đưa con cái sang chợ cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú (An Giang) mua sắm chuẩn bị đón tết. Anh kể vụ bắp ở bên ấy vừa thu hoạch xong, nhờ trúng mùa, bán được giá nên gia đình dự tính ăn tết lớn. “Giáp tết năm nào tụi tui cũng dắt mấy đứa nhỏ sang chợ này mua sắm, cũng là cách để tụi nhỏ biết quê nhà, gốc gác của mình” - anh Biết tâm sự.
Qua cửa khẩu Chraythom, dọc quốc lộ 21 (tỉnh Kan Dal), không khí chuẩn bị đón tết của xóm người Việt cũng rộn rã. Trong căn nhà sàn gỗ mới được sửa sang lại khá tươm tất ở làng Peksaday, chị Lê Thị Tuyết Hồng vừa đưa con qua chợ cửa khẩu Long Bình mua sắm về đang cùng chồng dọn dẹp, dựng nêu. Chị kể dòng họ mình đã mấy đời định cư ở đây, chuyên làm lô khai thác cá. “Quanh năm ai nấy đều lo làm lụng tất tả, tết đến mới có dịp đưa con cái về thăm họ hàng bên Tân Châu, năm nào cũng vậy” - chị Hồng cho hay.
Làng Pekchray nằm bên kia con sông Bassac có hơn 2.000 hộ người Việt sinh sống. Lúc này đang bận rộn thu hoạch đậu, bắp, hoa màu, người dân vẫn trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị vui xuân. Chỉ ngôi nhà lầu mới xây khá bề thế của mình, ông Nguyễn Văn Dư cho hay phần lớn những hộ người Việt định cư lâu đời trong làng đều được phía bạn cấp đất canh tác, nông sản bán được giá nên cuộc sống từng ngày khấm khá, nhiều hộ giàu lên. “Bà con mình năm nay ăn tết to hơn mọi năm” - ông Dư hồ hởi.
Đại đức Thích Bửu Liên, trụ trì chùa Hòa Long ở làng Pekchray, bảo rằng dù nhiều thế hệ đã định cư lâu đời trên đất bạn nhưng hiện nay bà con vẫn giữ được phong tục đón tết cổ truyền của dân tộc. Đêm ba mươi, từng gia đình cúng rước ông bà, con cháu dù đi làm ăn xa xôi cách mấy cũng đều trở về nhà cùng quây quần họp mặt.
Phút giao thừa, họ bắt Đài truyền hình Việt Nam nghe thư chúc tết của Chủ tịch nước, xem chương trình trực tiếp bắn pháo hoa. Bên Campuchia phần lớn chưa có lưới điện, tuy nhiên nhà nào cũng sắm ti vi. Một số hộ khá giả thì xài máy phát điện với tivi màu, còn không thì xài bình ăcquy với cái tivi đen trắng cổ lỗ. Những chiếc tivi cũ kỹ ấy là nhịp cầu nối bà con với quê cha đất tổ lâu nay.
Ba ngày xuân bà con qua lại thăm nhau chúc mừng năm mới, đi chùa lễ Phật cầu may, ở xóm đạo thì đi nhà thờ làm lễ. “Dịp tết rất đông người Việt sinh sống, làm ăn bên Campuchia về nước vui xuân, sẵn thăm họ hàng thân tộc. Bà con bên này luôn hướng về quê nhà” - ông Nguyễn Văn Thum, ở làng Sapaupul, nơi có gần 250 hộ người Việt sinh sống, cho biết thêm.
Vui cùng chol chnam thmay Việt Nam Hôm chúng tôi đến làng Pekchray gặp lúc ông Thon Rotha Đy, chánh văn phòng xã, đang dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc hai cây mai cảnh cho nở hoa đúng vào ba ngày tết. Ông Rotha Đy kể ở những nơi có người Việt sinh sống vào mỗi dịp tết cổ truyền của hai dân tộc, bà con đều qua lại thăm hỏi, chúc mừng, chung vui cùng nhau. Dần dà dân bạn cũng ăn theo tết Việt, cũng đêm 30 cúng ông bà, đón giao thừa, ngày xuân thì đi thăm, chúc tết họ hàng, bạn bè y như người Việt. Ngoài những xóm người Việt, dọc quốc lộ 21, nhiều nhà dân Campuchia trang trí đẹp mắt, trước sân hoa mai, hoa vạn thọ, hoa cúc... vàng rực. Bà Oa Vach, nhà ở Peksaday, chân chất nói: “Tụi tui cũng đón tết. Người Việt, người Campuchia sống gần gũi thân thiết nên cùng chung vui với chol chnam thmay Việt Nam. Tết Việt Nam vui lắm!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận