27/01/2013 07:30 GMT+7

Tết trong tâm hồn

LÊ THỊ HOÀNG HUỆ
LÊ THỊ HOÀNG HUỆ

TT - Sáng nay thức dậy xé tờ lịch, tôi lặng người đi. Hôm nay là ngày 9 tháng chạp, còn 20 ngày nữa là đến tết. Tôi thẫn thờ khẽ thở dài: ”Nhanh thế vậy ta!”.

Tôi lớn lên ở một tỉnh phía Bắc, đến Sài Gòn đã được ba năm. Tôi làm công nhân ở một công ty may, cố gắng làm, tăng ca, tiết kiệm lắm mới gửi về được 500.000 đồng mỗi tháng cho gia đình. Vậy mà khi nghe tiếng mẹ cười, khi nghe tin gia đình vẫn khỏe qua điện thoại, tôi lại quên hết nhọc nhằn và thế là tiếp tục cố gắng. Gần hai năm rồi tôi chưa được về nhà. Tôi nhớ, nhớ bàn tay khô cằn của bố, nhớ mái tóc bạc màu của mẹ, nhớ những lúc gia đình quây quần bên nhau cùng ăn cơm hay nói chuyện, hạnh phúc vô cùng dù đó là những bữa cơm đạm bạc dưới mái nhà đơn sơ. Hạnh phúc của người nghèo đơn giản mà da diết thật.

Tôi nhớ năm đầu tiên xa nhà. Tôi cố gắng làm việc thật nhiều, tăng ca thật nhiều với hi vọng được đón tết ở quê. Khi lịch mới qua tháng chạp, lòng tôi đã thấy nao nao. Tính qua tính lại, nào tiền để dành, nào tiền lương, tiền thưởng tết của công ty chắc cũng vừa đủ để mua vé tàu đi, vé tàu về và một chút quà tết cho gia đình. Lòng tôi nôn nao, chờ đợi ngày 26 tháng chạp tới để tôi có thể rời bỏ nơi ồn ào, tấp nập này về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi chờ từng ngày. Cuối cùng ngày tôi mong chờ cũng đến. Chia tay bạn đồng nghiệp, bạn cùng phòng, tôi ôm lấy những bạn không về quê năm nay, tôi đi trong niềm vui khôn xiết.

Trên tàu, tôi cứ nghĩ đến cảnh tượng sum họp gia đình, tôi sẽ ôm lấy ba mẹ, các em và làm tất cả những gì mình định làm sau một năm xa cách. Tôi hạnh phúc quá, chưa về tới nhà mà đã hạnh phúc đến vậy rồi. Chợt nghĩ tới các anh chị không về quê đón tết tôi thương quá, tôi có những cảm xúc xa xôi và nhủ thầm: ”Năm sau, năm sau nữa, năm sau nữa nữa mình có được về không”. Sau hai ngày tôi về lại quê hương. Ba mẹ và các em ra đón từ đầu ngõ, mẹ tôi khóc nức nở khi thấy tôi xanh xao và gầy mòn hơn trước. Tôi thì khóc vì cả năm rồi nhà tôi mới được gặp nhau. Tôi có một cái tết trọn vẹn bên gia đình, bên những bữa cơm đơn sơ mà khăng khít, bên những niềm vui bình dị mà chứa chan: có thịt kho tàu, có bánh tét của mẹ, có những giây phút êm đềm khó thể quên.

Mùa tết sau đó tôi quyết định không về vì không đủ tiền đi tàu, nói gì mua quà cho ba mẹ. Tôi buồn miên man, gọi về nhà: ”Công ty con năm nay có tour du lịch và nhiều chương trình văn nghệ khác xem như là thưởng tết cho công nhân mẹ ạ. Cả nhà ăn tết vui vẻ, con sẽ về thăm nhà sau”. Mẹ tôi thở dài, nghẹn ngào nói con ráng giữ sức khỏe. Hôm nay là 20, mai là 21, mốt là 22 rồi... Tôi như vùi đầu trong công việc để quên thời gian trôi và cái ngày mà bao người mong đợi sắp đến gần. Thế mà có quên được đâu. Trong công ty, ở nhà trọ mọi người đang bàn tán xôn xao về kế hoạch nghỉ tết, mua sắm tết, sẽ đi đâu, làm gì. Tôi giả vờ làm người điếc như không nghe thấy gì. Người người đón tết, nhà nhà đón tết, chỉ có tôi là không đón tết. Tôi chợt nhớ lại cảnh tết năm ngoái, nhớ những người năm ngoái không về quê đón tết.

Năm đó tôi và bạn bè đã có một cái tết xa nhà. Từ 26 tết, chúng tôi bắt đầu quét dọn, mua sắm một số thứ đơn giản. Nhưng làm gì thì làm tôi cũng nhớ đến gia đình, chắc giờ này mọi người cũng đang đón tết. Riêng gia đình tết xa nhà của chúng tôi đã có một buổi tiệc tất niên, vui vẻ nói cười, uống chưa say đã ôm nhau khóc. Mọi người kể về cuộc sống xa quê, về cái tết xa nhà, về nỗi cô đơn ngày tết. Một anh kể bảy năm rồi chưa được về quê đón tết, anh cũng quen rồi với cái tết xa quê nhưng nỗi nhớ quê sao cứ khắc khoải trong tâm trí anh.

Từ ngày 27 tết chúng tôi lại đi làm như mọi ngày để được hưởng lương gấp đôi, gấp ba ngày thường. Làm để có tiền kha khá gửi về quê. Những ngày này, chúng tôi nhận được rất nhiều quà của các cơ quan đoàn thể: mì, dầu ăn, lạp xưởng... có cả tiền. Rất nhiều cán bộ, đoàn thể đến thăm và chúc tết chúng tôi. Ngày 29 tết, một cán bộ cấp cao của thành phố đến thăm và chúc tết chúng tôi. Chú hỏi chúng tôi: “Các bạn vui chứ?”. Ai cũng khẽ gật đầu mà trong lòng cứ mơ về cái tết ở nơi nào đó. Chúng tôi có những ngày ăn tết với mì, lạp xưởng... với công việc. Đêm giao thừa tôi gọi điện về nhà mà không gọi được. Tôi bắt đầu tưởng tượng giao thừa ở nhà bằng những ký ức khó phai. Tôi nhớ mùi thịt kho tàu của mẹ, hương nấu bánh tét nơi làng quê, tôi thèm cái cảm giác được đi nghênh ngang trên cánh đồng đốt rơm đón giao thừa... Mùa tết năm ấy trôi qua rất nhanh. Chúng tôi làm việc để đóng băng đi nỗi nhớ. Và để hi vọng biết đâu năm sau sẽ được ăn tết cùng gia đình.

Mùa tết năm nay chắc tôi lại không về nữa. Nếu có điều ước trong cuộc đời, tôi ước rằng trên thế giới này sẽ không có ai phải ăn tết xa quê.

Trao giải cuộc thi Tết xa quê

8g45 hôm nay 27-1, Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM tổ chức lễ trao giải cuộc thi Tết xa quê với sự đồng hành của Công ty Bibica sau gần một tháng phát động. Đây là cuộc thi nhằm tạo sân chơi cho công nhân chia sẻ, bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình trong những ngày cận tết.

Giải nhất cuộc thi trị giá 10 triệu đồng sẽ được trao cho tác giả Lê Thị Hoàng Huệ (Long An) với bài viết Tết trong tâm hồn. Giải nhì trị giá 7 triệu đồng thuộc về tác giả Nguyễn Thanh Thư (Q.9, TP.HCM) với bài viết Hạt bụi nghiêng mình và giải ba trị giá 5 triệu đồng được trao cho tác giả Phan Thị Lệ Hằng (TP.HCM) với bài viết Con sẽ về. Năm giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng được trao cho các tác giả Trần Văn Toan (Đồng Nai), Lê Văn Đạo (TP.HCM), Lê Lộc (TP.HCM), Lê Thị Duyên (TP.HCM) và Đặng Thị Ngọc Điệp (TP.HCM).

Ban tổ chức mời các tác giả đoạt giải và bạn đọc quan tâm tham dự lễ trao giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

PHI LONG

oltjRYyD.jpgPhóng to
LÊ THỊ HOÀNG HUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên