Hai vợ chồng bà Phạm Thị Cúc lấp lánh niềm vui nhìn con trai - anh Lê Văn Thanh- Ảnh: UYÊN TRINH
Nghe tiếng xe đến, hai vợ chồng ngưng tay việc đang làm, vội vàng chạy ra, niềm nở đón khách: "Trông mấy cháu từ sáng đến giờ".
Rồi bà sửa lại chiếc áo cho con trai, khoe: "Cái áo chị Loan mua cho, nay mới đem ra mặc lần đầu để đón chị Loan xuống đó"
Những ngày Tết thật sự
Bà Cúc nhìn về phía con trai, anh Lê Văn Thanh, cười tươi hỏi: "Ai đây con?". Anh Thanh khập khiễng bước ra, tự tay dắt từng người vào rồi ngọng nghịu đọc tên khiến ai cũng bật cười.
Anh Lê Văn Thanh hôn mẹ - bà Phạm Thị Cúc khi đang tiếp chuyện - Ảnh: UYÊN TRINH
Chị Võ Thị Anh Loan, một trong những "tấm lòng" đã tìm đến và hỗ trợ rất nhiều cho anh Thanh từ những ngày đầu bà Cúc chật vật lo cho con, nhắc đi nhắc lại: "Đi vững quá ha. Tiến triển tốt quá. Khá hơn nhiều so với ngày ra viện đó chứ".
"Kỳ tích thiệt sự", chị trầm trồ.
Anh Thanh nay đã đi "vững chãi" hơn so với ngày mới ra viện hồi tháng 10 -2018 - Ảnh: UYÊN TRINH
Bà Cúc giơ tay số một cùng nụ cười tít mắt, hớn hở: "Tết này là nhất, là nhất. Mừng quá trời mừng". Tết này là mùa xuân đầu tiên gia đình bà rộn vang tiếng nói cười từ sau tai nạn năm đó của đứa con trai. Tết này những ngày tết thật sự với gia đình bà.
Bởi sức khoẻ đứa con trai 35 tuổi, tưởng chừng đã không thể cứu vãn sau biến cố đó. Nay đã tự đi đứng, tự ăn uống, nói cười. Dù những bước chân còn xiêu vẹo, khập khiễng. Dù từng tiếng cười nói còn bi bô, ngọng nghịu.
Cái tết trọn vẹn, tràn đầy niềm vui sau ba năm trời cả gia đình chống chọi với bệnh tật của anh Thanh - Ảnh: UYÊN TRINH
Bởi trước đó, là những ngày dài bà Cúc ôm đứa con trai bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông đi khắp nơi để chữa trị nhưng "bác sĩ trả về", nhưng "không đủ tiền phẫu thuật", nhưng…
Dẫu có thương con vô bờ bến nhưng bà Cúc cũng chưa một lần dám nghĩ đứa con trai nằm một chỗ, ăn uống, đi vệ sinh một chỗ lại có ngày hôm nay.
Nụ cười của người mẹ khi nhìn đứa con trai 35 tuổi đang ngọng nghịu nói chuyện - Ảnh: UYÊN TRINH
Bà kể, giờ này, năm ngoái, anh Thanh nằm liệt một chỗ, không ăn uống gì được, rồi qua tết là những ngày mang con đi qua khắp các bệnh viện. "Thôi, thôi, không dám nghĩ lại những ngày đó", bà xua tay rồi nhìn con trai đang ngồi bên cạnh.
Bà mãn nguyện cười: "Mừng lắm đó chứ. Mừng quá trời mừng. Mùa xuân đầu tiên. Cái tết đầu tiên vui như vầy đó".
Cảm ơn những tấm lòng
Bữa cơm trưa ngày tết với bánh tét, củ kiệu, thịt muối, rôm rả tiếng nói chuyện. Có người đông vui, anh Thanh ăn được đến ba chén cháo. Trong khi hôm qua chỉ ăn được nửa chén vì vừa mới bị té.
Bà Cúc xuýt xoa kể, hôm qua mới vừa nhìn thấy đó, một lúc sau anh lại khập khiễng đi đâu mất. Bà hoảng hốt, gấp gáp chạy khắp xóm tìm.
"Trời ơi, chết điếng. Đi tìm muốn chết. Đi tít trên ngã ba kia. Rồi đi lượm mấy ve chai ngoài đường về bán nên bị té. Té từ trên bậc cao xuống, về nhà ăn ít cơm mà tui lo quá chừng. Không dám xa nửa bước. Sợ lắm. Con đi bước trước là mẹ đi bước sau. Làm gì làm cũng để mắt trông con", bà Cúc nói.
Bà Cúc luôn theo sau từng bước chân khập khiễng của con trai - Ảnh: UYÊN TRINH
Trước sân nhà ngày mùng năm tết, giọng hát ngọng nghịu "Tết! Tết! Tết đến rồi…" của anh Thanh vang lên bên chậu hoa cúc nở rộ, bên tiếng cười giòn và ánh mắt lấp lánh hạnh phúc của hai bậc sinh thành.
Niềm vui của hai vợ chồng bà Cúc trong mùa xuân năm nay sau ròng rã ba năm trời chống chọi với bệnh tật của con trai - Ảnh: UYÊN TRINH
Rồi bà Cúc quay sang, cưng nựng lấy đứa con trai 35 tuổi, ôm con vào người mà nói: "Cảm ơn mấy nhà hảo tâm, những tấm lòng, những bác sĩ cứu giúp cho con. Chứ không có những nhà hảo tâm thì làm sao có được thằng Thanh của ngày hôm nay. Tui biết ơn dữ lắm. Tội lắm. Thương lắm!"
Giọng cảm kích của bà vẫn còn văng vẳng trong cái vẫy tay chào khi chúng tôi rời đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận