30/11/2017 20:44 GMT+7

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên đáng gờm cỡ nào?

DUY LINH - TÚ ANH
DUY LINH - TÚ ANH

TTO - Chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên rõ ràng đã chứng minh có sự tiến bộ đáng gờm trong điều kiện bị bao vây cấm vận.

Ngày 30-11, Bình Nhưỡng đã công bố các bức ảnh của tên lửa đạn đạo tầm xa mới của nước này, với hình dạng khá khác biệt so với thế hệ tên lửa trước đó.

Theo một bức ảnh đăng trên Rodong Sinmun - tờ báo của đảng Lao động Triều Tiên - phần trước của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 có hình tròn và khá tù, trong khi phần trước của ICBM Hwasong-14 thì nhọn.

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên đáng gờm cỡ nào? - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (cạnh xe tên lửa) được cho là đứng cạnh loại tên lửa Hwasong-15 vừa được phóng thành công rạng sáng 29-11. Ảnh do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 30-11 - Ảnh: REUTERS

Các bức ảnh cho thấy tên lửa Hwasong-15 được đặt trên một phương tiện chuyên chở kiêm bệ phóng tên lửa di động (TEL) 9 bánh mỗi bên, điều đó có nghĩa loại tên lửa mới này dài hơn Hwasong-14 (được chở trên bệ phóng 8 bánh mỗi bên).

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên đáng gờm cỡ nào? - Ảnh 2.

Hình ảnh tên lửa Hwasong-15 được xe chở đi ra bãi phóng rạng sáng 29-11. Ảnh do hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cung cấp - Ảnh: REUTERS

Ảnh về vụ phóng tên lửa Hwasong-15 được Rodong Sinmun đăng trên 4 trang báo đầu tiên, trong đó có những bức ảnh cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un đưa ra "chỉ đạo thực địa" tại khu vực phóng tên lửa ở phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng.

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên đáng gờm cỡ nào? - Ảnh 3.

Hình ảnh được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố ngày 30-11 cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un vui mừng sau khi cho phóng thử thành công tên lửa ICBM rạng sáng 29-11 - Ảnh: REUTERS

Sáng 29-11 không lâu sau khi phóng thành công tên lửa rơi vào vùng Biển Nhật Bản, Triều Tiên đã chính thức tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 mới, "có tầm bắn bao phủ toàn bộ lục địa Mỹ".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng nhận định công nghệ tên lửa của Triều Tiên dường như đã được cải tiến sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên đáng gờm cỡ nào? - Ảnh 4.

Hình ảnh tên lửa Hwasong-15 rời bệ phóng. Hình ảnh được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố ngày 30-11 - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết Triều Tiên đã không báo trước với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về vụ thử tên lửa này, tức đã bỏ qua nghĩa vụ phải thông báo vì sự an toàn của hàng không dân dụng quốc tế trong khu vực. Triều Tiên đã tham gia ICAO vào năm 1977 và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) vào năm 1986.

Người phát ngôn của ICAO Anthony Philbin cho biết tổ chức này đã không nhận được bất kỳ thông báo nào trước đó từ Bình Nhưỡng liên quan tới vụ phóng vào rạng sáng 29-11.

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên đáng gờm cỡ nào? - Ảnh 5.

Người dân Hàn Quốc ở thủ đô Seoul theo dõi thông tin thời sự mô tả đường bay của tên lửa Triều Tiên phóng rạng sáng 29-11 và rơi xuống vùng Biển Nhật Bản - Ảnh: REUTERS

Trong một phát biểu trên truyền hình ngày 29-11, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thông báo về vụ phóng thành công trên đồng thời khẳng định Triều Tiên "đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hoàn thiện sức mạnh hạt nhân quốc gia".

Nếu Triều Tiên hoàn thiện tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới một lục địa khác, tình hình có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta cần phải ngăn chặn tình huống Bình Nhưỡng tính toán sai lầm và đe dọa chúng ta bằng vũ khí hạt nhân, hoặc Mỹ sẽ xem xét tấn công phủ đầu"

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên đáng gờm cỡ nào? - Ảnh 7.

Hình ảnh được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố ngày 30-11 cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un vui mừng và đầy tự tin sau khi cho phóng thử thành công tên lửa ICBM rạng sáng 29-11 - Ảnh: REUTERS

Tuyên bố cho biết tên lửa Hwasong-15 là tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của Triều Tiên, đã bay 950 km trong 53 phút và đạt đến độ cao 4.475km.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng vẫn chưa thể hoàn thiện được kỹ thuật đưa tên lửa trở lại khí quyển, một yếu tố then chốt trong chương trình phát triển ICBM.

Vụ phóng tên lửa được thực hiện lúc 3h30 sáng 29-11 (tức 1h30 sáng, giờ VN). Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ 3 của Triều Tiên kể từ tháng 7 đến nay.

Clip phát trên truyền hình Triều Tiên cho thấy lãnh đạo Kim Jong Un tiến hành chỉ đạo vụ phóng thử tên lửa rạng sáng 29-11 - Nguồn: YouTube

Cho đến giờ, những nước vốn lâu nay được cho là đồng minh lớn của Triều Tiên như Trung Quốc và Nga cũng đã lên tiếng phản ứng với các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tục của Bình Nhưỡng và kêu gọi ban lãnh đạo Triều Tiên kềm chế các hành động gây căng thẳng cho bán đảo Triều Tiên.

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên đáng gờm cỡ nào? - Ảnh 9.

THÔNG TIN: DUY LINH - ĐỒ HỌA: VIỆT THÁI

DUY LINH - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên