24/08/2013 08:25 GMT+7

Tem "ma" lừa người mua mũ bảo hiểm

LÊ SƠN - ĐÌNH DÂN
LÊ SƠN - ĐÌNH DÂN

TT - Tem chứng nhận hợp quy chuẩn (CR) được xem như biểu tượng của việc đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thế nhưng, do khâu kiểm soát lỏng lẻo, buông lỏng nên một số doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm, đồ chơi...đã tự in tem CR để dán lên các sản phẩm kém chất lượng.

Công ty đổi mũ bảo hiểm đổi... mũ kém chất lượngRa đời hiệp hội các nhà sản xuất mũ bảo hiểmMũ bảo hiểm dỏm tái xuất

Fx3HqgoF.jpgPhóng to
Một góc xưởng sản xuất mũ bảo hiểm của Công ty Hoa Hải Thanh (Q.Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Quy định nêu rõ các đơn vị chứng nhận hợp quy phải có trách nhiệm giám sát đối tượng được chứng nhận để đảm bảo duy trì chất lượng như công bố, nhưng chất lượng sản phẩm loại này vẫn lẫn lộn thật giả.

Giá nào cũng làm

Ngày 9-8, theo chân ông P., phó giám đốc một công ty chuyên kinh doanh cà phê tại TP.HCM, đi đặt mua mũ bảo hiểm làm quà tặng, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất của chi nhánh Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý VT (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh). Tại xưởng sản xuất của chi nhánh công ty nằm trong con hẻm đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú), khi ông P. ngỏ ý đặt 5.000 mũ bảo hiểm, lập tức một nhân viên ở đây quảng cáo: công ty có khả năng sản xuất với số lượng hàng trăm ngàn cái mỗi tháng. Thế nhưng, khi quan sát xưởng sản xuất rộng khoảng 100m2, với vài chiếc mũ bảo hiểm thành phẩm để khách chọn mẫu cùng ba nhân viên đang điều khiển hai máy ép nhựa, ông P. bắt đầu hoài nghi về năng lực sản xuất. Thấy vậy, chị Tiên phụ trách kinh doanh của Công ty VT nói giọng chắc nịch: “Mấy anh cứ yên tâm, bên em đang làm hàng đổi mũ bảo hiểm tại Cần Thơ hàng trăm ngàn cái. Chỗ này bên em chủ yếu đón khách đặt hàng, nơi sản xuất chính đặt ở nơi khác!”. Tuy nhiên, khi ông P. ngỏ ý muốn tham quan xưởng khác thì chị Tiên từ chối vì... xa quá.

Không tin tưởng năng lực sản xuất của Công ty VT, ông P. tiếp tục tìm đến cơ sở sản xuất của Công ty Hoa Hải Thanh, sản phẩm mũ bảo hiểm của doanh nghiệp này do Văn phòng chứng nhận BQC (Q.Cầu Giấy, TP Hà Nội) cấp chứng nhận hợp quy. Tại con hẻm nằm sâu trong đường Trương Phước Phan (Q.Bình Tân), hơn chục nhân viên đang thực hiện các công đoạn sơn, lắp ráp mũ khá nhộn nhịp. Bà Thanh, đại diện Công ty Hoa Hải Thanh, đon đả giới thiệu các mẫu mã sản phẩm đủ loại. Để thuyết phục đối tác, bà Thanh đưa ra hàng loạt mẫu mũ bảo hiểm đã từng sản xuất cho các khách hàng và chốt giá đặt hàng 110.000 đồng/mũ. Thấy ông P. tỏ vẻ không hào hứng vì mức giá cao, bà Thanh níu kéo: “Anh muốn giá nào thì cứ nói. Bên em giá nào cũng làm được nhưng giá thấp nhất cũng phải 60.000 đồng/mũ. Để có mức giá này bên em phải độn thêm nhựa tái chế. Tùy theo tỉ lệ độn, giá thành có thể giảm 1/3 hoặc một nửa so với nguyên liệu nhựa ABS chuẩn”. Ông P. tiếp tục giảm giá xuống 50.000 đồng/mũ. Bà Thanh trầm tư suy nghĩ, sau đó khẳng định làm được. “Bên em sẵn sàng làm cho các anh nhưng không dán tem của công ty em. Em sẽ giúp in tem hợp quy tên Phương Nam hoặc gì đó cũng được nhưng là tem giả và dán vào hoàn toàn miễn phí cho các anh! Bên em có máy in tem đặt ngay dưới xưởng kia kìa” - bà Thanh vừa nói vừa chỉ tay về phía nhà xưởng xập xệ dưới mái tôn nơi hàng chục công nhân đang ép gáo mũ và in tem kiểm định.

Đủ loại tem hợp quy “ma”

Không chỉ những đơn vị được chứng nhận hợp quy nhưng thực hiện sản xuất hàng kém chất lượng mà nhiều cơ sở sản xuất “ba không”: không giấy phép kinh doanh, không chứng nhận hợp quy, không máy móc sản xuất vẫn tự sản xuất tem dán lên sản phẩm. Tìm tới một điểm bán mũ bảo hiểm trái phép trên tuyến đường Nguyễn Trãi (P.3, Q.5), chọn ngẫu nhiên một chiếc mũ bảo hiểm có lớp mút xốp mỏng tang được gắn tem hợp quy Quacert, chúng tôi lần theo địa chỉ ghi trên nhãn của Công ty Đông Dương tại số 224 Chiến Lược, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân. Tuy nhiên, khi đến địa chỉ này lại là điểm chuyên kinh doanh dịch vụ thay nhớt, rửa xe máy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Công ty Đông Dương còn có Công ty TNHH Đại Lợi chọn địa chỉ 224 Chiến Lược này làm điểm sản xuất “ma” để in tem hợp quy giả.

Một cơ sở sản xuất khác mang tên Phi Long ghi rõ cơ sở sản xuất trên tem nhãn tại số 332 đường Lê Quý, P.5, Q.12 nhưng đây hoàn toàn là địa chỉ ảo. Tại Q.12 cũng như cả TP.HCM không hề có đường Lê Quý.

Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, các loại mũ bảo hiểm đủ ba thành phần, gắn tem hợp quy với đầy đủ địa chỉ chứ không ghi chung chung “sản xuất tại VN” là một chiêu thức làm giả mới khiến người tiêu dùng không thể nhận biết. Thời gian qua, đơn vị này đã phát hiện gần 20 loại tem với số lượng lên đến hàng chục ngàn tem nhãn hợp quy như: Đông Dương, Đại Lợi, Phương Nam, Vân Nam... không hề có thực hoặc chưa được chứng nhận đăng ký hợp quy nhưng vẫn được dán lên mũ để đánh lừa người tiêu dùng, cơ quan chức năng.

Thực tế, việc in tem nhãn hợp quy hiện nay cũng khá dễ dàng. Nếu doanh nghiệp không có máy in chỉ cần tìm đến “phố in ấn” trên đường Lý Thái Tổ (Q.3) sẽ có hơn chục điểm nhận in tem. Hầu hết các đơn vị này đều nhận lời mà không đòi hỏi bất cứ giấy tờ liên quan đến công ty cũng như giấy chứng nhận cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Bách, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết qua kiểm tra, đơn vị này phát hiện hàng loạt lỗ hổng về sản xuất, chứng nhận hợp quy để các đối tượng làm hàng kém chất lượng, hàng dỏm lợi dụng. Các cơ sở sản xuất chỉ cần công bố hợp quy một vài sản phẩm, sau đó sử dụng tem này dán lên hàng loạt sản phẩm khác chưa được kiểm định, công bố chất lượng. “Luật hiện hành cho phép các nhà sản xuất được phép tự in tem CR sau khi được cấp giấy chứng nhận hợp quy là một sơ hở để các đối tượng lợi dụng in tem giả lưu hành trên thị trường đánh lừa người tiêu dùng, làm khó cơ quan chức năng” - ông Bách cho hay.

Theo cơ quan quản lý thị trường, mũ bảo hiểm là mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, do đó cần xem xét đưa việc sản xuất mũ bảo hiểm thành ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện để việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Chứng nhận hợp quy khó hay dễ?

Một số công ty sản xuất mũ bảo hiểm cho biết khâu được coi là khó nhất để được cấp giấy chứng nhận là kiểm định mẫu ban đầu. Mẫu này được các đơn vị sản xuất lựa chọn đem đến các trung tâm kiểm định do cơ quan chức năng chỉ định. Theo các công ty này, khâu kiểm duyệt này khó nhưng biết cách thì... dễ ợt!

“Chiêu” thông dụng nhất là đặt sản xuất hàng mẫu với vỏ nón, mút xốp dày, nặng để đem kiểm định. Một cách khác mà nhiều đơn vị vẫn mách nước nhau tiến hành là ra thị trường chọn mua mẫu mũ đạt chuẩn của công ty uy tín về bỏ hết tem nhãn, sơn sửa lại biến thành của mình là có thể có trong tay “giấy thông hành”. Theo các “lão làng” trong sản xuất mũ bảo hiểm dỏm, chỉ cần có chứng nhận hợp quy trong tay, các đơn vị tha hồ sản xuất đủ loại kiểu dáng, chất lượng khác nhau.

Phải siết lại quy trình cấp chứng nhận hợp quy

Theo các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm tại TP.HCM, Bình Dương, quy định về chứng nhận hợp quy mũ bảo hiểm ban hành từ năm 2008 đến nay đã gần năm năm. Trong quá trình thực hiện, đã có nhiều phát sinh liên quan cần phải có những điều chỉnh phù hợp. Hiện nay có những đơn vị được chứng nhận hợp quy nhưng hoàn toàn không có năng lực sản xuất: khuôn mẫu cho từng kiểu sản phẩm, thiết bị ép vỏ mũ, mút xốp, thiết bị sản xuất mút xốp, thiết bị thử nghiệm... Trong khi đó, lâu nay các tổ chức chứng nhận gần như đứng ngoài cuộc đối với việc quản lý chất lượng sản phẩm sau khi cấp giấy chứng nhận.

Do vậy, một số chuyên gia đề nghị phải siết lại quy trình cấp giấy chứng nhận hợp quy, đồng thời thông qua kết quả từ các đơn vị chức năng khác như thanh tra khoa học công nghệ, quản lý thị trường để tước hoặc đình chỉ sản xuất các mẫu kém chất lượng thay vì chỉ kiểm tra định kỳ sáu tháng/lần như hiện nay.

LÊ SƠN - ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên