25/01/2006 04:12 GMT+7

Tây Ninh - những kỷ niệm khó quên

PHẠM QUANG NGHỊ
PHẠM QUANG NGHỊ

TT - Đêm giao thừa năm 1972, chúng tôi đặt chân lên rừng Tây Ninh. Từ đó, tôi được sống trong sự chăm lo, đùm bọc của bà con, cô bác; được tham gia chiến đấu cùng du kích và đồng bào vùng ven thị xã; cùng đồng đội phát nương làm rẫy với hai bàn tay phồng rộp, cùng với những người du kích xã Thanh Điền anh hùng sống chung hầm, ngủ chung bụi và không hiếm phen phải ẩn náu trong lùm để tránh sự săm soi, càn quét của địch.

qARQWebN.jpgPhóng to
Trở về thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh) - Ảnh: N.C.T.
TT - Đêm giao thừa năm 1972, chúng tôi đặt chân lên rừng Tây Ninh. Từ đó, tôi được sống trong sự chăm lo, đùm bọc của bà con, cô bác; được tham gia chiến đấu cùng du kích và đồng bào vùng ven thị xã; cùng đồng đội phát nương làm rẫy với hai bàn tay phồng rộp, cùng với những người du kích xã Thanh Điền anh hùng sống chung hầm, ngủ chung bụi và không hiếm phen phải ẩn náu trong lùm để tránh sự săm soi, càn quét của địch.

Không thể nhớ hết biết bao lần căng thẳng, hồi hộp đương đầu với địch càn, pháo bầy, bom tọa độ... Nhưng cũng chính nơi ấy tôi được nghe câu hát, điệu hò thắm đượm chất dân ca: Thanh Điền gạo trắng nước trong. Nhớ nồi rau nhút cua đồng nấu chua, và không thể nào quên những tháng ngày sống bên sông Vàm Cỏ Đông, lắng nghe tiếng bìm bịp kêu biết con nước lớn, ròng.

Thật là thiêng liêng và đặc biệt, vào cuối năm 1972, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc phải đặt bút ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN. Nhưng khi đó không mấy ai có thể biết trước thắng lợi ấy lại mở đầu cho một giai đoạn khó khăn, quyết liệt không những không thua kém mà còn có phần ác liệt hơn.

Hiệp định Paris được ký kết nhưng hòa bình vẫn chỉ mới ló rạng trong khung trời đầy những ánh chớp của đạn bom. Và không ai có thể ngờ khi đó lại xuất hiện những phức tạp, “sự cố” mới từ phía Pôn Pốt và một số người trong giới lãnh đạo lực lượng kháng chiến Campuchia lúc đó. Họ đưa ra yêu cầu buộc các lực lượng vũ trang, cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam phải lập tức rời khỏi căn cứ trên đất Campuchia để về VN. Khi đó, chúng tôi được nghe rằng “bạn” nói với ta: “Các đồng chí đã có hòa bình, mời các đồng chí hãy mau rút về nước”.

Tôi và một số đồng chí trong Ban tuyên huấn Trung ương Cục thuộc nhóm đầu tiên mang balô, vác súng rời căn cứ trên đất bạn, băng rừng, lội suối trở về Tây Ninh nhận địa bàn, xây căn cứ, đón cơ quan trở về. Hóa ra mảnh đất nơi chúng tôi trở về cũng chính là nơi trước khi diễn ra trận càn Gian-xơn-xi-ti đã là căn cứ cũ của ta.

Ban tuyên huấn Trung ương Cục và các tiểu ban tuyên truyền, giáo dục, văn nghệ..., gọi tắt là các “bê”, lại về đứng chân trên vùng đất căn cứ Tây Ninh lịch sử. Hầm hào, nền nhà, nền hội trường, nhà bếp... năm xưa dấu vết vẫn còn đây song đã bị sụt lở bởi đạn bom đào xới nhiều lần.

Thật ngẫu nhiên, chúng tôi về tới rừng Tây Ninh, đặt chân lên căn cứ vào lúc gần giao thừa năm 1972. Chúng tôi nhanh chóng gom củi khô đốt lửa giữa rừng, mở Đài Tiếng nói VN, chào đón giao thừa. Với tôi, từ lúc đó Lò Gò, Sa Mát, Trảng 13... - những địa danh vô cùng thân thiết không chỉ là tên gọi gắn liền với Tây Ninh mà là đất nước, là Tổ quốc VN. Đó là những giây phút đầu tiên chuẩn bị bước vào ngày đầu tiên của năm mới 1973. Tôi - một thanh niên miền Bắc ngay sau khi rời ghế trường đại học vào miền Nam chiến đấu - phải sau hơn hai năm "đồn trú" trên chiến khu đất bạn, nay mới được đặt chân lên mảnh đất Tây Ninh.

Những năm tháng tiếp theo, tôi gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây, lúc ở chiến khu, khi đi về miệt đồng bằng và nhất là những tháng nằm bụi, ngủ hầm tại xã Thanh Điền cho tới ngày về tiếp quản Sài Gòn giải phóng. Tôi và đồng đội có khi thiếu ăn, rách mặc song tình yêu thương đùm bọc của bà con, của chị Ba, chị Bảy, bé Tám, bé Năm... bao giờ cũng đầy ắp như con nước Vàm Cỏ Đông đang lớn, như nguồn máu thứ hai bên ngoài cơ thể, đã cùng với nguồn máu trong con tim tôi, nuôi tôi sống, chiến đấu và lớn lên trong khói lửa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hào hùng....

PHẠM QUANG NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên