Hiện tàu không được khai thác trong khi chi phí phát sinh vẫn phải trả...
Read this on Tuoitrenews.vnSai phạm tại Vinashin: Thiệt hại gần 907 tỉ đồngTàu Hoa Sen sang Trung QuốcCho thuê tàu Hoa Sen 16.500 USD/ngày
Phóng to |
Mặc dù phải bỏ ra một số tiền lớn để chuộc tàu sau vụ bị bắt giữ tại Hàn Quốc, tàu Hoa Sen, con tàu gây nhiều tranh cãi từ thời còn thuộc Tập đoàn Vinashin nay giao về Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines, giờ đây vẫn phải neo ở Trung Quốc. Số tiền lãng phí, thua lỗ đổ vào con tàu này ngày càng chồng chất.
Số phận tàu Hoa Sen đang được Vinalines cân nhắc theo hai phương án: bán tàu hoặc tiếp tục tìm đối tác cho thuê. Tuy nhiên, cả hai đều mới chỉ dừng lại họp bàn. Trong khi càng để lâu, chi phí nuôi tàu, bảo dưỡng, bảo trì càng tăng và tỉ lệ nghịch với nó là giá trị con tàu ngày càng đi xuống.
Đổi chủ, vẫn lênh đênh...
“Nhật ký” tàu Hoa Sen * Tháng 11-2007, tàu được mua về từ Ý với giá 60 triệu euro. * Tháng 12-2008, sau 40 lượt khai thác, tàu ngưng hoạt động vì lỗ nặng. * Tháng 1-2009, tàu được sửa chữa tại Nhà máy Hyundai - Vinashin. * Từ tháng 4-2009, tàu nằm ụ tại nhà máy tàu biển của Vinashin ở Cam Ranh (Khánh Hòa). * Tháng 2-2011, tàu sang Trung Quốc theo hợp đồng cho thuê với giá 16.500 USD/ngày. * Tháng 5-2011, tàu bị bắt tại Hàn Quốc. * Hiện tàu Hoa Sen đang neo đậu tại cảng ở Trung Quốc và không khai thác. |
Được mua về từ Ý và đưa vào hoạt động tháng 12-2007, tàu Hoa Sen thuộc quản lý của Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines), một đơn vị trực thuộc Vinashin. Tuy nhiên, sau khi Vinashin đổ nợ, tháng 6-2010 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tái cơ cấu Vinashin. Từ quyết định này, Vinashinlines - đơn vị mua và quản lý tàu Hoa Sen - được chuyển giao về cho Vinalines quản lý.
Trước khi đổi chủ từ Vinashin sang Vinalines, tàu Hoa Sen đã ngưng hoạt động từ tháng 12-2008. Sau khi đổi chủ, giới kinh doanh vận tải đã hi vọng con tàu “ngàn tỉ” này sẽ có cơ hội sống lại vì Vinalines là đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh vận tải biển. Thế nhưng từ đó đến nay, số phận tàu Hoa Sen vẫn lênh đênh và hiện đang trôi dạt ở nơi xa tít tắp là một cảng tại Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong báo cáo của Vinalines gửi Bộ Giao thông vận tải, đầu năm 2011, tàu Hoa Sen ký được hợp đồng cho thuê với đối tác Lianyungang CK Ferry Co.Ltd (gồm Tập đoàn Hueng-A - Hàn Quốc và cảng Lianyungang - Trung Quốc, gọi tắt là LYG CK Ferry), với giá 16.500 USD/ngày, thời gian thuê ban đầu là sáu tháng. Sau đó, các bên sẽ đánh giá lại tính năng của con tàu và chuyển sang hợp đồng thời hạn hai năm.
Tuy nhiên, tàu cho thuê chưa được bao lâu thì đầu tháng 5-2011 đã bị bắt giữ tại Hàn Quốc. Nguyên nhân là do Vinashinlines đang bị Công ty GMS Marine (Singapore) kiện trong một vụ việc khác. Với việc tàu Hoa Sen bị bắt, Vinashinlines buộc phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết các tranh chấp về tài chính với GMS Marine.
Theo hội đồng thành viên Vinalines, để xảy ra việc tàu Hoa Sen và cả tàu Cái Lân 4 (cũng của Vinashinlines) bị bắt là do chậm trễ thực hiện nghị quyết của hội đồng thành viên về việc giải quyết vụ kiện của Vinashinlines với phía GMS Marine đã có từ ngày 10-8-2010. Thời điểm đó hội đồng thành viên Vinalines đã có nghị quyết đồng ý bảo lãnh cho Vinashinlines vay 4,15 triệu USD để giải quyết vụ kiện.
Nhưng kéo dài tới tháng 5-2011 việc này vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy, sau chín tháng chậm trễ và khi tàu Hoa Sen bị bắt làm “con tin”, số tiền Vinalines phải bảo lãnh cho Vinashinlines vay tại Ngân hàng Đại Dương để chuộc tàu không còn là 4,15 triệu USD như nghị quyết của hội đồng thành viên đưa ra vào tháng 8-2010 mà tăng lên 6,5 triệu USD.
Cụ thể, trong tờ trình đề xuất hướng giải quyết vụ việc tàu Hoa Sen bị bắt giữ tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Cảnh Việt, tổng giám đốc Vinalines, cho biết số tiền Vinashinlines phải trả cho GMS Marine lên tới 6,5 triệu USD do phía GMS đơn phương yêu cầu đòi số tiền trên. Phương án được đưa ra là ký quỹ vào tòa án Hàn Quốc 4,278 triệu USD trước để lấy tàu ra, sau đó Vinashinlines tiếp tục tranh tụng để giải quyết các vấn đề còn lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Vinalines thừa nhận đã chuộc tàu ra khỏi Hàn Quốc nhưng cho biết “không nắm cụ thể tổng số tiền đã bỏ ra để chuộc tàu”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi tàu Hoa Sen được chuộc đã lên đường sang neo đậu tại cảng Lianyungang (Trung Quốc).
Phóng to |
Tàu Hoa Sen neo đậu tại cảng Lianyungang (Trung Quốc) - Ảnh: CTV |
Số phận tàu về đâu?
Không những phải bỏ ra hàng triệu USD tiền chuộc, việc chậm giải quyết vụ kiện của Vinashinlines với GMS Marine còn khiến Vinashinlines bị mất hợp đồng cho thuê tàu Hoa Sen. Lý do hợp đồng giữa Vinashinlines và bên thuê tàu là LYG CK Ferry có điều khoản quy định người thuê tàu có quyền hủy hợp đồng nếu tàu dừng 15 ngày liên tục bởi bất kỳ lý do gì.
Theo báo cáo của Vinashinlines lên Vinalines, trong quá trình đàm phán để chuộc tàu với các bên liên quan tại Hàn Quốc, Vinashinlines đã làm việc với bên thuê tàu, thương lượng đề nghị gia hạn quyền hủy hợp đồng của người thuê tàu. Tuy nhiên, phía LYG CK Ferry đã không đồng ý gia hạn thêm thời gian và khẳng định sẽ hủy hợp đồng nếu tàu không được giải phóng trước 15 ngày kể từ khi bị bắt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Quốc Anh, phó tổng giám đốc Vinalines, xác nhận tàu Hoa Sen đã bị hủy hợp đồng thuê. Từ khi bị bắt giữ (tháng 5-2011) đến nay, tàu lại nằm một chỗ, không hề được đưa vào khai thác.
Như vậy, từ vụ chậm trễ thực hiện nghị quyết của hội đồng thành viên Vinalines tháng 8-2010, khiến phía GMS Marine đòi tăng thêm 2,35 triệu USD, Vinashinlines còn mất khoảng 2,425 triệu USD nếu tính thiệt hại từ số tiền cho thuê tàu từ tháng 5 tới nay với giá 16.500 USD/ngày.
Chưa kể, hiện tàu Hoa Sen vẫn đang nằm tại một cảng ở Trung Quốc. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tàu biển, thiệt hại trong vụ tàu Hoa Sen còn phát sinh rất lớn do phải trả các khoản phí khác gồm: lương thuyền viên, phí neo đậu cảng, phí bảo dưỡng, bảo trì máy móc, bảo hiểm thân tàu... Chưa kể khoản khấu hao tài sản cố định, theo tính toán mỗi ngày gần 11.000 USD.
Lãnh đạo Vinalines cho biết hiện đang có hai phương án giải quyết số phận tàu Hoa Sen. Vinalines vẫn đang họp bàn và chờ ý kiến của Bộ Tài chính, Thủ tướng về việc có chấp thuận phương án bán tàu Hoa Sen hay không. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng dự kiến đàm phán với bên thuê tàu để cho thuê lại. Nếu thành công thì tàu Hoa Sen có thể tiếp tục được cho thuê.
Từ phà chuyển thành tàu Theo website www.worldshipsocietyrotterdam.nl, tàu Hoa Sen trước đây là một chiếc phà chở khách và ôtô giữa các đảo của Ý, đóng tại Nhà máy đóng tàu Francesco Visentini & C. Cantieri Navale (ở Donada, Ý) năm 2000. Chiếc phà này hoạt động đến khoảng năm 2007 thì bán cho Vinashinlines và được đổi tên thành tàu Hoa Sen và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2007. Khi nhận tàu về, chủ tàu đã tìm đến các công ty du lịch, kinh doanh đại lý tàu biển... để đặt vấn đề làm đại lý nhưng phần lớn đều từ chối vì các công ty du lịch nhìn thấy khả năng không có lợi nhuận. Tháng 4-2008, PV Tuổi Trẻ đã mua vé như một du khách đi trên tàu Hoa Sen từ TP.HCM ra Quảng Ninh. Tàu có 78 phòng diện tích chỉ nhỉnh hơn khoang tàu hỏa, mỗi cabin có bốn giường ngủ và nhà vệ sinh, tám phòng VIP (một giường lớn, tivi LCD, đầu DVD) và vài chục ghế ngồi ở hai khoang hạng nhất và hạng nhì. Trao đổi với chúng tôi vào thời điểm đó, thuyền trưởng Nguyễn Đình Sơn cho biết đi từ TP.HCM ra Quảng Ninh tiêu thụ 90-100 tấn dầu FO, chưa kể hao mòn tàu, tiền trả cho nhân viên... Chi phí mỗi chuyến đi khoảng 1,5 tỉ đồng, trong khi chuyến đi của PV Tuổi Trẻ ngày đó chỉ có vài chục chiếc xe tải và khoảng 40 khách. Tàu hoạt động đến tháng 1-2009 bị nứt vỏ phải ngưng hoạt động để vá tại Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin. Tháng 3-2009, tàu ra khỏi ụ thì lại phát hiện lỗi phần mềm của tàu nên đã ngưng hoạt động đến tháng 10-2009. Ước tính từ lúc hoạt động đến tháng 1-2009, tàu chạy được khoảng 40 chuyến. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận