Các CBCS Đồn Biên phòng Cần Thạnh, TP.HCM đang kiểm tra phương tiện hút cát vi phạm - Ảnh: Nguyễn Đức Thắng
Những ngày này, người dân sinh sống ở ấp 3, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, Đồng Nai vô cùng lo lắng về việc khai thác cát trên sông Đạ Huoai làm đất nông nghiệp bị sạt lở nghiêm trọng.
Khu vực này nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Khi lực lượng chức năng Đồng Nai có mặt kiểm tra, các đối tượng bơm hút cát lại chạy về bờ phía tỉnh Lâm Đồng (hiện Đồng Nai đã ngưng khai thác cát trên sông, còn tỉnh Lâm Đồng vẫn đang cấp phép cho một số doanh nghiệp).
Việc cấp phép khai thác cát kiểu chia nửa con sông theo địa giới hành chính như lâu nay rất khó kiểm soát.
Một câu chuyện điển hình cho thấy những vướng víu trong việc xử lý khai thác cát trên sông. Việc khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với "cát tặc" cũng rất hiếm.
Các đối tượng khai thác cát trái phép dùng nhiều chiêu để né xử phạt. Họ còn đe dọa, hành hung người dân ngăn cản hoặc phản ảnh hoạt động khai thác. Sự việc một số người dân ở phường Thủy Biều, TP Huế ngăn cản khai thác cát bị nhóm đối tượng ném đá chống trả, một người bị chém trọng thương vào ngày 26-3-2019 là ví dụ điển hình.
Các nhóm khai thác cát trái phép vẫn hoạt động, thách thức cơ quan chức năng và tai mắt người dân địa phương. Các vùng giáp ranh vẫn còn đó những sà lan, tàu lớn nhỏ gắn các máy bơm công suất lớn để hút cát. Họ còn trang bị cả ống nhòm để theo dõi, bố trí các ghe, thuyền cảnh giới, sẵn sàng xả cát xuống sông phi tang chứng cứ.
Phương tiện vi phạm và người điều khiển phương tiện từ các nơi khác đến. Sau khi bị lập biên bản, cơ quan chức năng chỉ phạt cá nhân điều khiển phương tiện chứ chưa xử lý được chủ phương tiện.
Hầu hết các vụ "cát tặc" đều xử phạt cá nhân, chưa xử lý những doanh nghiệp đối phó bằng cách đổ tội cho cá nhân làm thuê. Cơ quan chức năng chỉ xử phạt trên số lượng cát thu giữ được, còn trước đó bao nhiêu lần vi phạm, số lượng bao nhiêu không có cơ sở xử lý theo tình tiết tái phạm. Và cũng không đủ giá trị trên 100 triệu đồng để xử lý hình sự.
Việc khai thác cát trái phép không chỉ gây sạt lở đất đai, thất thu ngân sách mà còn ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Cần thêm những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan chức năng mới mong xử lý thực trạng này.
Cụ thể: cần tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép, phân cấp thành nhiều mức phạt khác nhau (không chỉ quy định mức khai thác trái phép tối đa bị xử phạt từ 50m3 trở lên). Cần tính tới việc sử dụng cát phải chứng minh được nguồn gốc và tìm ra sản phẩm thay thế cát trong san lấp, xây dựng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, các địa phương trên cả nước phát hiện 659 vụ với 426 đối tượng có hành vi khai thác, tập kết, kinh doanh cát trái quy định. Tuy nhiên, chỉ mới vài vụ bị khởi tố vì hành vi khai thác khoáng sản trái phép (tại Thanh Hóa và Đồng Nai).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận