08/06/2018 15:55 GMT+7

Tất cả đàn ông trong Cả một đời ân oán ‘thủ tiết’ chờ vợ?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - ‘Cả một đời ân oán’ đã tạo ra một hệ thống nhân vật cô đơn lớn chưa từng có. Phần lớn đàn ông trong phim này đều sống cô đơn như thể họ ‘thủ tiết’ chờ vợ.

Trích đoạn "Cả một đời ân oán" phần 2

Cả một đời ân oán đã đi đến tập 50. Bộ phim xoay quay câu chuyện về gia tộc họ Vũ.

Khi đứa con riêng của ông chủ tập đoàn họ Vũ xuất hiện, cuộc sống của gia đình này hoàn toàn đảo lộn.

Phần một là mối quan hệ tay ba rắc rối giữa hai anh em cùng cha khác mẹ: Đăng (Mạnh Trường) và Phong (Hồng Đăng) với Dung (Hồng Diễm). Dung là người yêu cũ của Phong, nhưng sau này lại kết hôn với Đăng.

Dù mối quan hệ giữa ba người hoàn toàn trong sáng, nhưng khi gia đình xảy ra biến cố, mối quan hệ của Phong và Dung đã trở thành cái cớ để Dung phải ly dị Đăng.

Tất cả đàn ông trong Cả một đời ân oán ‘thủ tiết’ chờ vợ? - Ảnh 2.

Trong phần 1, hai anh em Phong (trái) và Đăng (phải) cùng yêu Dung.

Đến phần hai của bộ phim, chuyện hai anh em cùng cha khác mẹ cùng thích một cô gái lại lặp lại ở thế hệ sau. Hai anh em Nguyên (Huỳnh Anh) và Bình (Anh Tuấn) cùng yêu một người con gái tên Ngân (Hạ Anh).

Tất cả đàn ông trong Cả một đời ân oán ‘thủ tiết’ chờ vợ? - Ảnh 3.

Đến phần hai, hai anh em cùng cha khác mẹ Bình và Nguyên cùng yêu Ngân.

Có thể nói trung tâm của mọi rắc rối trong phần một và phần hai chính là bà Lan, người mẹ đầy quyền uy của gia tộc họ Vũ. Bà Lan là một phụ nữ hết mực yêu thương chồng con, nhưng lại là người ích kỉ luôn đặt lợi ích gia đình của mình lên trên hết.

Bà Lan có niềm tin những người phụ nữ nào kết hôn với con trai bà, sẽ phải hết lòng phụng sự gia đình bà. Với diễn xuất rất tốt của NSƯT Mỹ Quyên, nhân vật bà Lan hiện lên là một phụ nữ vì gia đình nhưng cũng rất sắc sảo, ghê gớm và đầy quyền uy.

Nhưng kịch bản Cả một đời ân oán có xu hướng đẩy nhân vật bà Lan đến chỗ thậm xấu. Sự khắc nghiệt của bà khiến cho vợ của người con trai thứ là Khôi (Thanh Sơn) đã phải bỏ nhà ra đi, khiến anh này sa vào rượu chè.

Sự khắc nghiệt của bà cũng khiến con trai cả là Đăng phải ly dị vợ là Dung (Hồng Diễm) dù anh không muốn. Phần hai lấy bối cảnh 20 năm sau, khán giả sẽ thấy mức độ đau thương do bà Lan gây nên lớn như thế nào.

Tất cả đàn ông trong Cả một đời ân oán ‘thủ tiết’ chờ vợ? - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Mỹ Uyên trong vai bà Lan.

Có thể nói, với sự tác động của nhân vật bà Lan, Cả một đời ân oán đã có một hệ thống nhân vật cô đơn lớn chưa từng có.

Cả một đời ân oán dựa trên kịch bản Cô dâu bạc triệu của Đài Loan, một bộ phim khá sến sẩm, với mô-típ câu chuyện quá cũ. Dù biên kịch Việt đã cố gắng Việt hóa kịch bản, nhưng cuối cùng hệ thống nhân vật vẫn phải bám theo kịch bản gốc.

Trong khi phim truyền hình hiện đại ngày càng có xu hướng xây dựng các nhân vật có tính cách đa diện, pha trộn xấu, tốt, thì Cả một đời ân oán đi theo xu hướng xây dựng nhân vật người tốt thì thậm tốt, người xấu thì thậm xấu. Vì thế nên dù rất cố gắng, nhưng bộ phim vẫn rất giả.

Sau khi Dung ra đi, Đăng quyết định sống một mình. Em trai của Đăng là Khôi vẫn không nguôi ngoai nỗi đau vợ bỏ đi. Anh này sống lay lắt suốt 20 năm một mình, quanh năm chỉ biết tới rượu.

Người con rơi của gia tộc họ Vũ là Phong cũng ra nước ngoài sống độc thân. Vợ cũ của Phong là Diệu (Lan Phương) cũng ở vậy.

Dù kịch bản phim xây dựng bà Lan là một người suốt đời vì chồng vì con, nhưng hành động của bà lại chứng minh điều ngược lại. Ý đồ của kịch bản không xây dựng nhân vật này quá xấu, nhưng sự cực đoan của nhân vật này đã đẩy họ đến chỗ thiếu tính người.

Tất cả những gì bà Lan làm đều chỉ vì sĩ diện của một bà chủ gia đình danh gia vọng tộc. Là người đẩy hai con trai vào con đường sống một mình, nhưng sau 20 năm khán giả không hề thấy ở người mẹ này chút cảm thương nào cho tình cảnh của những đứa con của mình.

20 năm sau bà Lan vẫn hăng hái ngăn cản Đăng, Khôi trở về với vợ của họ, tìm mọi cách áp đặt, ép duyên cho con cháu trong nhà.

Có thể nói nhân vật bà Lan là một nhân vật ích kỉ không biết mệt mỏi. Miệng bà Lan nói luân lý, đạo đức nhưng hành động lại hoàn toàn trái ngược.

Việc xây dựng nhân vật bà Lan với thiên hướng độc tài mà thiếu những lý giải hợp lý đã khiến nhân vật mất đi tính người, tính đời.

Ngoài ra, những nhân vật còn lại của bộ phim nhu nhược một cách đáng ngạc nhiên. Cả hai người con trai của bà Lan đều chấp nhận từ bỏ hạnh phúc cá nhân chỉ để chiều theo ý mẹ. Hai mươi năm sau, họ tiếp tục nhượng bộ hết lần này đến lần khác khi bà áp đặt.

Cô con dâu Dung lúc ở trong nhà bà Lan chịu đựng nhiều o ép. Sau 20 năm gặp lại bà, Dung vẫn có một thái độ điềm tĩnh đáng ngạc nhiên ngay cả khi bị bà Lan xúc phạm cũng như dọa sẽ cướp con khỏi tay cô.

Tất cả đàn ông trong Cả một đời ân oán ‘thủ tiết’ chờ vợ? - Ảnh 6.

Hồng Diễm trong vai Dung.

Trong suốt 20 năm, khán giả không thấy các nhân vật nam trong bộ phim này có thêm một mối quan hệ nào với nữ giới. Có thể hiểu với cách làm này, biên kịch sẽ không phải mất công giải quyết vấn đề của các nhân vật "râu ria".

Nhưng khi để những người đàn ông thành đạt trong phim sống một mình suốt 20 năm khán giả khó có thể tin nổi.

Vô lý nhất là nhân vật Dung. Khi bỏ đến vùng đất mới, bị mất con, Dung đã tự tử, nhưng được Hòa (Thiện Tùng) cứu. Dù rất yêu Dung, nhưng Hòa chấp nhận chỉ là vợ chồng vỏ bọc với Dung suốt 20 năm, chứ không hề chung sống.

Cả một đời ân oán tập 33 làm khán giả ức chế vì con dâu quá hiền Cả một đời ân oán tập 33 làm khán giả ức chế vì con dâu quá hiền

TTO - Sự nhẫn nhịn của nàng dâu trong Cả một đời ân oán đã khiến khán giả phát bực.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên