03/12/2016 16:49 GMT+7

Tập ứng phó sự cố nước tràn đập hồ Dầu Tiếng

ĐỨC TRONG - TÂN PHẠM
ĐỨC TRONG - TÂN PHẠM

TTO - Tình huống giả định là Hồ Dầu Tiếng có nguy cơ vỡ đập do nước lũ về lớn, phải xả tràn đến 2.800m3/giây đồng thời phải phá một đoạn đập dài 200m để phân lũ xuống sông Vàm Cỏ Đông.

Tình huống giả định đặt ra là phải phá khoảng 200m thân đập phụ để xả nước về sông Vàm Cỏ Đông, giảm tải cho hồ Dầu Tiếng và vùng hạ du sông Sài Gòn - Ảnh: TÂN PHẠM
Tình huống giả định đặt ra là phải phá khoảng 200m thân đập phụ để xả nước về sông Vàm Cỏ Đông, giảm tải cho hồ Dầu Tiếng và vùng hạ du sông Sài Gòn - Ảnh: TÂN PHẠM

Ngày 3-12, Bộ NN&PTNT cùng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tỉnh Tây Ninh, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tổ chức diễn tập ứng phó sự cố công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng.

Theo tình huống giả định, vào ngày 3-12-2016, mực nước hồ Dầu Tiếng đạt cao trình 25,1m và đang xả tràn 200m3/giây nhằm hạ thấp về cao trình bình thường.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, vùng lưu vực hồ Dầu Tiếng chịu tác động của bão và áp thấp nhiệt đới, lượng mưa dự báo từ 200-300mm, tương đương lượng nước đổ về hồ là 405-607,5 triệu m3.

Như vậy, khả năng nước sẽ tràn qua đập, đe dọa đến an toàn cho công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng, và đặc biệt là vùng hạ du sông Sài Gòn.

Trước diễn biến trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo đơn vị vận hành hồ Dầu Tiếng áp dụng ngay các giải pháp tăng lưu lượng xả tràn đến 2.800m3/giây; chủ động đón lũ và không để nước tràn làm vỡ đập gây ra thảm họa cho hạ du sông Sài Gòn.

Đồng thời, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn xin ý kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quyết định phá một đoạn đập chiều dài 200m tại vị trí kênh K23 của đập phụ (thuộc xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, Tây Ninh) để phân lũ xuống sông Vàm Cỏ Đông.

Việc đập phá một đoạn thân đập phụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 28 hộ dân đang sinh sống tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu và một số vùng lân cận khác. Theo đó, người dân cùng tài sản sẽ sơ tán khẩn cấp ra khỏi vùng trọng điểm.

Tình huống giả định đặt ra là phải phá khoảng 200m thân đập phụ để xả nước về sông Vàm Cỏ Đông, giảm tải cho hồ Dầu Tiếng và vùng hạ du sông Sài Gòn - Ảnh: TÂN PHẠM
Tình huống giả định đặt ra là phải phá khoảng 200m thân đập phụ để xả nước về sông Vàm Cỏ Đông - Ảnh: TÂN PHẠM

Những việc được tiến hành trong cuộc diễn tập gồm: Thông báo khẩn cấp, tuyên truyền vận động, giúp đỡ 28 hộ dân sơ tán cùng tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, giúp dân thu hoạch các loại hoa màu, cứu chữa người bị bệnh bị tai nạn, chống đỡ nhà cửa…

Hồ Dầu Tiếng là hệ thống thuỷ lợi lớn nhất nước với dung tích chứa khoảng 1,58tỷ m3 nước. Diện tích lòng hồ khoảng 27 ngàn hecta, trải qua 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước.

Hồ Dầu Tiếng nằm trên thượng nguồn sông Sài Gòn, cách TP.HCM khoảng 100km. Hồ được hình thành do chặn dòng thượng lưu sông Sài Gòn tại huyện Dương Minh Châu, được xây dựng vào tháng 4-1981 và đến tháng 1-1985 đưa vào khai thác.

Nhiệm vụ chính của hồ Dầu Tiếng là tưới phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, kết hợp dân sinh, chống xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường. Mọi sự cố và diễn biến từ công trình này đều ảnh hưởng rất lớn đến vùng hạ du sông Sài Gòn.

Sở chỉ huy buổi diễn tập - Ảnh: TÂN PHẠM
Sở chỉ huy buổi diễn tập - Ảnh: TÂN PHẠM
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn huy động diễn tập giúp người dân sơ tán và cứu người bị thương - Ảnh: TÂN PHẠM
Diễn tập giúp người dân sơ tán và cứu người bị thương - Ảnh: TÂN PHẠM
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn huy động diễn tập giúp người dân sơ tán và cứu người bị thương - Ảnh: TÂN PHẠM
Diễn tập giúp người dân sơ tán và cứu người bị thương - Ảnh: TÂN PHẠM
Vị trí đập xả tràn xuống sông Sài Gòn trong một lần xả lũ - Ảnh: TÂN PHẠM
Vị trí đập xả tràn xuống sông Sài Gòn trong một lần xả lũ - Ảnh: TÂN PHẠM
ĐỨC TRONG - TÂN PHẠM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên