08/05/2004 06:01 GMT+7

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: 24 giờ cuối cùng

BERNARD B.FALL  (VŨ TRẤN THỦ dịch) 
BERNARD B.FALL  (VŨ TRẤN THỦ dịch) 

TT - "Đến đây thì thật là chấm hết. Chấm hết chiến tranh Đông Dương, chấm hết chế độ thuộc địa Pháp.".

xKYtvJ0G.jpgPhóng to
Lính Pháp đầu hàng Việt Minh ngày 7-5-1954 - Ảnh tư liệu
TT - "Đến đây thì thật là chấm hết. Chấm hết chiến tranh Đông Dương, chấm hết chế độ thuộc địa Pháp.".

Những cuộc điện đàm cuối cùng

Tin chiều tối sẽ phá vây lan đi như một mồi thuốc súng. Binh lính được biết rằng chỉ những người còn khỏe mạnh có thể chiến đấu được mới tham gia phá vây. Mỗi người phải mang theo hai cơ số đạn, hai ngày lương thực dự bị và một lều bạt nhỏ. Tất cả những ai không theo được đoàn quân sẽ phải ở lại.

Trong buổi sáng, các đơn vị tham gia phá vây tập hợp lại từng đơn vị một trên “Junon”. Trong nhiều trường hợp, đã phải làm những cuộc chọn lựa đau lòng, bỏ lại những sĩ quan và binh lính đã xuất sắc chiến đấu. Đại tá Langlais nằng nặc đòi đi nhưng rõ ràng là ông sẽ ngã gục trên những kilômet đầu tiên, ấy là giả dụ ông còn sống được sau những trận giao tranh khi phá vây.

Trung sĩ Kubiak, được chỉ định tham gia phá vây, đi chào các đồng đội bị thương phải ở lại. Một số người khóc, không phải vì lo cho số phận - vì bây giờ đã rõ rằng Việt Minh không tàn sát tù binh - mà là vì nỗi xấu hổ phải đầu hàng...

Trong căn hầm của mình, tướng Castries trao đổi gấp với những người chỉ huy đơn vị chủ yếu. Các sĩ quan thông báo cho ông điều mà ông đã biết, nghĩa là trận địa trung tâm Điện Biên Phủ không thể cầm cự cho tới đêm và do đó họ không thể phá vây được.

Họ khuyên ông rằng để tránh cuộc tàn sát thương binh không có vũ khí và các đơn vị đã cạn đạn dược, ông nên tiếp xúc với quân địch, báo cho họ biết rằng cuộc chống cự sẽ chấm dứt vào một giờ nào đó.

Tính toán thời gian cần thiết để thông báo qua đài cho một số đơn vị lẻ bố trí ở tiền duyên, và để tránh diễn ra cảnh hỗn loạn nếu cuộc chống cự chấm dứt vào giữa đêm, người ta quyết định giờ ngừng bắn là 17g30. Chỉ huy sở G.A.P. 2 của đại tá Langlais được trao trách nhiệm tiếp xúc với địch qua điện đài...

Tại chỉ huy sở tập đoàn cứ điểm, vào lúc 16g30, trung tá Séguins-Pazzis bắt đầu đích thân gọi điện cho từng trung tâm đề kháng, thông báo cho các đơn vị biết giờ ngừng bắn và kiên nhẫn đợi từng trung tâm báo cáo đã nhận được điện:

- Theo lệnh thiếu tướng chỉ huy trưởng, ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ 17g. Toàn bộ vũ khí, khí tài cũng như lương thực, thực phẩm đều phải được phá hủy.

Một số người, đặc biệt là những anh em trên “Claudine”, về sau kể lại rằng ông có thêm vài lời tuyệt đối cấm kéo cờ trắng. Bức điện cuối cùng của viên tham mưu trưởng này được chủ tâm phát biểu bằng một giọng rõ ràng và quả quyết. Đó là tất cả những gì ông có thể làm được để người nghe ở đầu bên kia không nhận thấy ông đang khóc.

Vào lúc này, Castries có một cuộc điện đàm cuối cùng với Hà Nội:

- Địch đã tràn khắp. Ba điểm tựa phía đông sông Nậm Rốm đã mất. Tôi cũng chẳng biết thương binh của tôi lúc này đang ở đâu, và anh em chỉ huy các đơn vị đang tập hợp quanh tôi hỏi xem bây giờ phải làm gì. Chúng tôi đang phải chịu đựng hỏa lực các “đàn orgue của Staline”. Người của tôi chỉ còn là những người máy buồn ngủ.

Vào lúc 16g55, tại văn phòng của tướng Bodet và trước sự có mặt của ông ta, tướng Cogny nhắc lại với tướng Castries là không được có chuyện đầu hàng. Cogny khuyên Castries nên để lửa đạn tự nó tắt, chớ kéo cờ trắng.

Sau 17g30 một lát, các tướng tá và quan sát viên tập hợp ở Hà Nội đã nghe thấy một tiếng nói không quen biết, tiếng nói của trung sĩ Millien sau bảy tháng không được ai biết đến tên, thông báo chấm dứt liên lạc và nhờ chuyện đó đã bước vào lịch sử:

- 5 phút nữa mọi cái ở đây sẽ nổ tung. Quân Việt chỉ còn cách vài mét. Chào mọi người!

Tiếng tí tách của chiếc điện đài ngừng bặt. Gian phòng bộ tham mưu Hà Nội nóng ngột ngạt, và như thế lại càng hay vì sẽ không thể nào biết được mồ hôi hay nước mắt đang lăn trên các gò má. Cuộc liên lạc điện đài ấy vẫn chưa phải là cuộc liên lạc cuối cùng giữa Điện Biên Phủ và Hà Nội.

Theo quán tính, cơ quan thông tin vẫn tiếp tục phát đi cho tới phút cuối cùng. Theo hồ sơ lưu trữ của viện sử quân đội thì chính vào lúc 17g50, nghĩa là 18 phút sau bức điện phát đi cuối cùng của máy De Castries, đài công binh 9 D.M.O. đã gửi lời chào:

- Đang nổ mìn lung tung cả. Vĩnh biệt!

6i6kjT7I.jpgPhóng to
Nỗi thất vọng của lính Pháp sau khi thất thủ tại Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu
17g30. Việt Minh đột nhập hầm De Castries

Trong những ngày cuối cùng này, khi chẳng còn gì để chỉ huy nữa, khi hành động dũng cảm nhất đối với mỗi người là chấp nhận số phận, thì Castries một lần nữa đã biểu lộ chân giá trị của mình.

Đây là những giây phút tự do cuối cùng, và biết đâu lại chẳng là những giây phút sống cuối cùng nếu Việt Minh thẳng tay với họ.

Hai người đàn ông ấy ôm hôn nhau, bắt tay nhau rồi Langlais trở về hầm để đốt giấy tờ cá nhân, công văn tài liệu và chiếc mũ nồi đỏ quân dù, thay nó bằng chiếc mũ đi rừng của bộ binh.

Trong khi hỏa lực lịm dần trên trận địa trung tâm thì có tiếng dép vội vã trên nóc các căn hầm, tiếp theo là tiếng lội bùn bì bõm, gấp gáp trong các chiến hào.

Một gương mặt Á Đông đội một chiếc mũ chóp phẳng gài lá ngụy trang hiện ra ở cửa hầm. Chắc hẳn ở phía Pháp cũng như phía Việt Minh, người ta ngạc nhiên phát hiện ra sau tất cả những gì đã diễn ra trong các tháng qua, rằng kẻ địch cũng có bộ mặt người.

Người lính Việt Nam bé nhỏ - một cái bóng cao lm50 - chĩa khẩu tiểu liên Nga có băng đạn cong quát bằng tiếng Việt: “Đi, đi, mau lên!” hoặc bằng tiếng Pháp “Sortez” (Đi ra - N.D.). Một toán người Pháp, người Phi, lính lê dương bắt đầu cuộc tập sự làm tù binh của Việt Minh.

Hầm chỉ huy sở Điện Biên Phủ bị chiếm vào lúc 17g30. Một tốp năm chiến sĩ Việt Minh mang trung liên và tiểu liên, dưới sự chỉ huy của đại úy Tạ Quang Luật có các trung đội trưởng Văn và Chu Bá Thế đi theo, đột nhập căn hầm, miệng kêu lớn tên của Castries.

Họ nhìn thấy ông ta đứng bên bàn giấy, đứng rất thẳng, chỉnh tề trong bộ quân phục kaki màu sáng, đầu đội calô quân cảnh màu đỏ, ngực gắn đầy huân chương. Lát sau, 23 sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính của chỉ huy sở tập hợp lại quanh ông.

Có một nguồn thông tin khá đặc biệt của một người không phải châu Á ở phía bên kia chiến tuyến. Đó là nhà điện ảnh Nga Karmen, được chính phủ ông ta cử đến Điện Biên Phủ để quay phim trận đánh.

Hoạt động của máy bay Pháp làm ông ta đã đến chậm, chỉ tới được chiến trường vài ngày sau khi trận đánh đã kết thúc. Dù sao ông cũng đã tiếp xúc chuyện trò được với đại úy Tạ Quang Luật. Luật kể rằng sau khi đưa mắt nhìn đám sĩ quan tập hợp, mình đã hỏi: “Ai trong các ông là tướng Castries?”.

Vẫn theo lời Luật kể, tướng Castries đã xưng danh và đề nghị được phép ra lệnh cho quân mình ngừng chiến đấu. Luật đã trả lời bằng thái độ tự tin của người chiến thắng: “Không cần. Họ đã không đợi lệnh của ông để đầu hàng. Chúng tôi đã thắng”.

Bộ tham mưu Điện Biên Phủ lặng lẽ nối đuôi nhau bước ra khỏi căn hầm. Đứng trên những bao đất rách phủ trên nóc hầm bằng thép cong, ba người lính Việt Minh trong đó có trung đội trưởng Chu Bá Thế đang cắm một lá cờ đỏ sao vàng. Chuyện một lá cờ đỏ phấp phới trên mái hầm chỉ huy sở Điện Biên Phủ vào hồi 17g40 ngày 7-5 ấy là chuyện chắc chắn có.

Hàng nghìn người đã trông thấy và nhiều người đã nói với tôi. Ngược lại, không một ai trông thấy có lá cờ trắng trên nóc hầm.

Sau này ở Hà Nội, tôi đã được xem những đoạn phim quay cảnh thật; không đâu thấy có treo cờ trắng cả. Tập đoàn cứ điểm đã rơi vào tay Việt Minh, không phải là nó đầu hàng...

1g50 ngày 8-5, máy bay chỉ huy lượn trên trời thu được bức điện cuối cùng của quân Pháp ở Điện Biên Phủ:

- Phá vây thất bại - stop - không thể duy trì liên lạc tiếp được - stop và hết.

Đến đây thì thật là chấm hết. Chấm hết chiến tranh Đông Dương, chấm hết chế độ thuộc địa Pháp.

Ngày 8-5, một máy bay ném bom bốn động cơ Privateer của phi đội 28F hải quân đi ném bom hệ thống giao thông vận tải của Việt Minh trên đường 41, bị bắn rơi tại Tuần Giáo.

Người phi công lái máy bay, trung úy hải quân Monguillon, và tám hạ sĩ quan phi hành đoàn là những người Pháp cuối cùng bỏ mạng trong trận Điện Biên Phủ.

____________________________________________________

Xem kỳ trước

BERNARD B.FALL  (VŨ TRẤN THỦ dịch) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên