![]() |
Ảnh: Nguyễn Bách Thảo |
Thí dụ, có nhiều người cùng đi trên con đò sắp chìm anh sẽ cứu ai. Thí dụ, điều nào thiêng liêng hay quan trọng đối với anh.
Ban đầu tôi thuộc về phe cho không khí là thiêng liêng quan trọng hơn cả, con người chỉ nín thở được một phút. Gạo, nước, muối, lửa thông thường quá bởi nhịn đói tuần lễ chết ai đâu; nhịn nước hai ngày cũng có sao đâu. Nhưng càng về sau xa quê lưu lạc nhiều nơi, tôi càng nghe mình có điều gì đó thắm thiết với tình gạo muối, nhất là những kỷ niệm khó quên.
Bà dì tôi 23 tuổi chồng chết vẫn ở vậy nuôi con. Đến lượt chị tôi, chồng lại mất sớm cũng ở vậy nuôi hai con gái, hai con trai. Gia đình ít ruộng, chỉ có mảnh vườn con, những người phụ nữ chân yếu tay mềm trồng cải, dưa, cà rồi khéo léo muối dưa cà bán chợ sớm, chợ chiều. Vậy mà gia đình trong ấm ngoài êm.
Hai đứa con trai chị tôi học giỏi nhất làng. Còn bà con mỗi lần về quê thường ghé qua nhà dì, nhà chị chơi lâu hơn bất cứ nhà nào. Trước hết phải nói đến sự dịu dàng của dì, của chị đã cầm chân người, sau đó là đôi tay khéo léo của họ: với bột, dừa khô luôn có sẵn, chỉ không đầy tiếng đồng hồ là có bánh tằm, bánh xếp hoặc bánh khọt chan nước cốt dừa bồng con ngon hơn ngoài chợ. Đặc biệt là món bánh rất đơn giản - bột được nắn trong lá đem luộc nước sôi phết mỡ hành chấm nước mắm chanh, tỏi, ớt ăn nhớ mãi không quên.
Gạo, muối, nước, lửa vốn quá quen thuộc với người nên bị xem thường, và chỉ bằng tình yêu mới khám phá, khai thác hết vẻ đẹp và giá trị của chúng. Từ gạo, muối, nước, lửa làm ra được hàng trăm loại món ăn khác nhau nếu chịu khó cất công thống kê qua khắp ngả đường đất nước. Đó là một bài thơ ẩm thực hoàn hảo từ trí tưởng tượng, sáng tạo của những người phụ nữ quê mùa.
Người xưa cho rằng “dĩ thực vi tiên”. Thật ra đó chính là thái độ ứng xử của người xưa với gạo muối - những yếu tố quan trọng, thiêng liêng. Ngày còn nhỏ tôi thường hay nhìn thấy, giở chà xong hay câu được con cá hô nặng vài chục ký, người ta lại lấy dĩa gạo, muối ra thì thầm vái tạ rồi quăng xuống dòng sông để tạ ơn.
Đến mùa lúa, cũng đem dĩa gạo, muối ra vái tạ ơn rồi rải xuống ruộng, sau đó cả gia đình quây quần bên nồi cơm gạo mới, hay nồi cháo nấu bằng gạo mới dẻo thơm. Phải chăng vì cái tình nghĩa ấy mà đồng ruộng, dòng sông ngày ấy hiền hòa hơn và cho người nhiều sản phẩm ngon hơn ngày nay?
Bây giờ An Giang đang vào vụ thu hoạch. Về đồng rất vui vì lúa chất theo đường từng đống vun cao, cá ba sa nuôi bè bán rất chạy nhưng tục lệ xưa - người với thiên nhiên tương kính - dường như không còn. Thay vào đó, bán lúa, bán cá xong người ta kéo nhau đi nhậu nhẹt ầm ĩ mà quên mất sự trả lễ cho đất trời tuy chỉ tượng trưng nhưng rất có ý nghĩa để chuẩn bị nối với vụ mùa sau…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận