Lý giải về sự "tụt dốc" này, một diễn viên trẻ tham gia chương trình cho biết: "Chương trình được truyền hình cho cả nước xem vào giờ phút quan trọng, bởi vậy diễn viên nào được xuất hiện đã được xem là may mắn, đạo diễn bảo làm sao thì cứ làm thế và hầu hết ai cũng ngại va chạm".
Theo một người trong cuộc, cũng chính bởi lý do này mà nhiều nghệ sĩ hài khi đọc kịch bản (đã thay đổi rất nhiều so với ban đầu, thiếu hẳn những vấn đề nóng, mới của xã hội) cũng không góp ý cho kíp sản xuất vì... tế nhị.
Một lý do khác nữa là năm nay ngoài chương trình Gặp nhau cuối năm còn có chương trình Gala cười 2010 phát tối mồng 2 tết. Một êkip cùng lúc làm cả hai chương trình hài nên tâm lực, trí lực đều bị "san sẻ". Thậm chí, đã có sự uể oải của nghệ sĩ biểu diễn.
Bên cạnh đó, để khán giả tìm được cái mới, cái lạ, theo dự kiến chương trình sẽ có sự góp mặt của các danh hài phía Nam (Hoài Linh và một số gương mặt khác) rồi ráp lại tại Hà Nội. Tuy nhiên, việc "ráp" chương trình đã không diễn ra, chỉ toàn các danh hài phía Bắc nên cũng mất hẳn một nét hấp dẫn cho khán giả phía Nam.
Lợi thế của Táo quân là đúc kết các vấn đề dân sinh xã hội diễn ra trong một năm để trình Ngọc hoàng - tượng trưng cho kỳ vọng của nhân dân vào năm mới. Do đó, khán giả luôn trông đợi một chương trình đủ thâm thúy để chuyển tải những ấm ức trong lòng, đồng thời đủ hài hước để các giới đều chia sẻ. Nhưng năm nay, từ khâu kịch bản đã thiếu hẳn những vấn đề nóng đến khâu biểu diễn lại thiếu sự nhiệt tình thì Táo quân nhạt cũng là chuyện đương nhiên.
Logo quảng cáo bao trùm chốn thiên đình! Tết năm nay, dù bận đến mấy gia đình tôi cũng ráng thu xếp để xem Táo quân 2010 trong đêm giao thừa. Thế nhưng từ sự háo hức ban đầu, càng xem chúng tôi càng cảm thấy thất vọng. So với năm 2009 thì Táo quân năm nay thua xa. Một trong những nguyên nhân đó là tính châm biếm đả kích những thói hư tật xấu đang còn tồn tại trong xã hội đã giảm rất nhiều. Táo giao thông, Táo quy hoạch, Táo tiền vàng, đại gia đình Táo dân - sinh - cộng đồng, Táo giáo dục chỉ phản ánh "phơn phớt" nạn đào đường, gây ùn tắc giao thông, những ngôi nhà cao tầng mỏng dính, sự lộn xộn của giá vàng, đôla, thực phẩm "bẩn"... Những người thực hiện chương trình đã đưa nhiều mảng miếng như hát cải lương, hát tuồng, ca trù... khá sinh động và hài hước nhưng lời hát đơn giản, chủ yếu chỉ gây cười chứ chưa thâm sâu. Ví dụ như màn tấu trình của Táo giáo dục quá đơn điệu dù năm 2009 có nhiều biến động trong lĩnh vực này. Thế nhưng điều mà tôi cảm thấy bực bội khi xem Táo quân 2010 đó là chốn thiên đình năm nay tràn ngập logo quảng cáo của nhà tài trợ. Ngoài sáu logo to đùng treo ở sân khấu chính, mặt tiền hai bên cánh gà của sân khấu cũng treo mỗi bên sáu logo quảng cáo của sáu nhà tài trợ trên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận