14/05/2022 10:16 GMT+7

Tạo nguồn cán bộ, nghĩ chuyện dài lâu

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Dự thảo đề án tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ xuất thân từ giai cấp công nhân của TP.HCM đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý của nhiều đối tượng liên quan.

Tạo nguồn cán bộ, nghĩ chuyện dài lâu - Ảnh 1.

Cán bộ trẻ luôn là nhóm đối tượng được lãnh đạo TP.HCM quan tâm, tạo điều kiện phát triển trong công tác - Ảnh: Q.L.

Mới đây, Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức buổi lấy ý kiến của một số cán bộ, công chức trẻ đại diện cho nhiều đơn vị, cơ sở Đoàn của TP. Có thể nói đề án là bước chuẩn bị cho mục tiêu lâu dài, với kỳ vọng nâng tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ xuất thân từ công nhân trong bộ máy quản lý, lãnh đạo cho TP trong tương lai.

Băn khoăn độ tuổi, thời gian tập sự

Phó bí thư Thành đoàn Trương Minh Tước Nguyên nói đây là đề án quan trọng, được Thành ủy quan tâm và quá trình xây dựng nhận được chỉ đạo kỹ. Và vì là đối tượng thụ hưởng nên không ngạc nhiên khi bản dự thảo đề án nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi của các cán bộ trẻ.

Đề án quy định độ tuổi của cán bộ trẻ không quá 27, riêng với đối tượng xuất thân từ công nhân là 30 tuổi trở xuống và có thể là 31 với những trường hợp ngoại lệ. Các ý kiến nói quy định khung tối đa không quá 27 tuổi, phải là công chức, viên chức, tối thiểu 3 năm công tác và ít nhất 2 năm liền kề hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trước khi được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng sẽ là rào cản với không ít ứng viên.

Anh Nguyễn Hoài Bảo (Quận đoàn 12) băn khoăn với quy định dành cho nhóm đối tượng là bộ đội xuất ngũ, công an nghĩa vụ, dân quân là đảng viên với yêu cầu sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đã tốt nghiệp đại học và độ tuổi dưới 25 sẽ gặp khó để có thể kiếm được nhân sự thỏa đủ yêu cầu như vậy.

Theo dự thảo, sau 3 tháng đào tạo tập trung, cán bộ trẻ được chia thành nhóm 3 người và có 3 tháng "học việc" thực tế tại các cơ quan chính quyền, đoàn thể rồi luân chuyển giữa các nhóm để rèn luyện, đào tạo toàn diện hơn. Về điều này, đại diện Quận đoàn 7 cho rằng thời gian đi thực tế sau đào tạo của cán bộ trẻ nếu chỉ có 3 tháng là quá ngắn, e khó đạt được kỳ vọng như đề án mong muốn.

Có ý kiến còn lo rằng với tâm lý "học việc" trong thời gian ngắn, lại là người đưa từ nơi khác đến nên hoặc bản thân cán bộ trẻ chưa làm hết mình, hoặc nơi các bạn được gửi đến cũng chưa tạo điều kiện và hỗ trợ các bạn hết mình! Hoặc quy định thời gian luân chuyển từ nơi này qua nơi khác sau 6 tháng, theo Quận đoàn Gò Vấp, cũng là rất ngắn và e chưa làm được gì nhiều.

Cả đề xuất thí điểm chức danh làm phó chủ tịch UBND phường, xã với cán bộ diện trong đề án cũng cần được quy định rõ vì với phường không tổ chức HĐND sẽ khác, còn xã do vẫn còn HĐND nên chức danh phó chủ tịch UBND xã phải do HĐND bầu liệu có đảm bảo cơ cấu và trúng cử.

Mở rộng đối tượng

Chị Tâm Anh (Đoàn Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) đề nghị đề án có thể xem xét mở rộng đối tượng tạo nguồn cán bộ. Cho rằng các cán bộ đang giữ vai trò bí thư, phó bí thư Đoàn các trường, sinh viên tốt nghiệp thủ khoa là cần thiết song nếu được có thể mở đến đối tượng là sinh viên đạt các danh hiệu, giải thưởng cao. "Liệu có thể thông tin đến sinh viên năm thứ nhất đề án này để các bạn xem như một mục tiêu nghề nghiệp cần phấn đấu trong những năm đại học nếu bạn nào đó thật sự có nguyện vọng tham gia" - chị Tâm Anh kiến nghị.

Trong khi đó, đại diện Đoàn Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đồng tình với tỉ lệ 90% các cơ quan có cán bộ nữ trong tập thể lãnh đạo như dự thảo nhưng đề nghị nên nâng tỉ lệ 40 - 50% cơ quan đảng, sở, ban, ngành, đoàn thể có cán bộ trẻ trong tập thể lãnh đạo lên con số cao hơn. Bởi nếu để như vậy có thể hiểu nhầm rằng số cơ quan còn lại không nằm trong số tỉ lệ phần trăm nói trên thì không cần làm công tác quy hoạch đào tạo cán bộ trẻ hay sao!

Ý kiến khác mong đề án có quy định chi tiết để tránh tình trạng chảy máu chất xám khi cán bộ hoàn thành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ lại sẵn sàng bồi thường kinh phí để ra ngoài làm như từng có trong các chương trình của TP trước đây. Hay chưa thấy nói đến chế độ, chính sách đãi ngộ ra sao dành cho cán bộ trẻ tham gia đề án, làm rõ khái niệm cán bộ "có tài năng" cụ thể là gì để thuận tiện trong việc quy hoạch.

Anh Trương Minh Tước Nguyên cho biết đề án đang tiếp tục lấy ý kiến nên Thành đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ đóng góp từ cơ sở và gửi các bên liên quan. Dự thảo cũng nói rõ có những quy định mới mà TP còn phải xin ý kiến trung ương cho thí điểm thực hiện để đề án khi ban hành có nội dung không chỉ phù hợp thực tiễn mà còn mang tính khả thi cao. Nên chúng ta có quyền chờ và hy vọng vào một chính sách với bước đi vững chắc cho công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ trẻ lâu dài của TP.HCM.

Đề tài nghiên cứu khoa học về cán bộ trẻ

Anh Lê Phú Lâm - cán bộ Thành đoàn TP.HCM - đề xuất cần có một đề tài nghiên cứu khoa học về đội ngũ cán bộ trẻ của TP.HCM hiện nay. Thực tế hiện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ đang làm việc tại các sở, ban, ngành, các đoàn thể của TP.HCM chiếm số lượng không nhỏ nhưng lại chưa có một nghiên cứu nào cụ thể về nhóm đối tượng này.

Anh Lâm nói nghiên cứu có thể giúp chỉ ra thực trạng, đánh giá tình hình của đội ngũ cán bộ trẻ, và có thể xem đây là dịp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. "Chúng ta có thể xem kết quả từ nghiên cứu này là cơ sở để phân tích, đánh giá đúng thực tế của đội ngũ cán bộ trẻ hiện có trước khi đề án được chính thức ban hành" - anh Lâm nêu ý kiến.

Cán bộ Đoàn chưa là công chức, giải quyết thế nào? Cán bộ Đoàn chưa là công chức, giải quyết thế nào?

TTO - Tại cuộc đối thoại với bí thư Thành ủy Hà Nội, thanh niên thủ đô gửi gắm trăn trở về công tác cán bộ Đoàn, cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên