11/10/2017 11:59 GMT+7

Tăng cường giáo dục đạo lý dân tộc cho học sinh

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TTO - Theo chuyên gia giáo dục, cần trang bị cho học sinh ý thức noi gương, làm theo các chuẩn mực truyền thống và đạo lý dân tộc, sống có trách nhiệm, nhân ái "thương người như thể thương thân"...

Tăng cường giáo dục đạo lý dân tộc cho học sinh - Ảnh 1.

Một tiết học văn theo phương pháp đổi mới ở Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM. Đây là môn học có thể lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh - Ảnh: H.HG.

Đó là đề xuất của PGS.TS Ngô Minh Oanh - viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) và TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Cả hai TS đã có đề xuất này sau khi cùng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh (HS) THPT tại TP.HCM qua các môn học xã hội - nhân văn".

Đề tài đã được Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM nghiệm thu loại xuất sắc. Tuổi Trẻ đã có buổi trao đổi với TS Huỳnh Công Minh và PGS.TS Ngô Minh Oanh xung quanh vấn đề trên.

* Từ đề tài nghiên cứu của mình, hai ông nhận xét sao về việc giáo dục đạo đức trong trường?

- TS Ngô Minh Oanh: Tình trạng tội phạm vị thành niên ngày càng tăng, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa. Trong gia đình, HS hỗn láo với cha mẹ, trong nhà trường các em coi thường thầy cô. Thậm chí có em còn đánh cả thầy cô. 

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức trong nhà trường còn nhiều hạn chế.

- TS Huỳnh Công Minh: Số đông HS thì tốt, các em có nhận thức rõ đúng - sai nhưng về hành vi thì còn thụ động, chưa vững vàng bản lĩnh để làm đúng và bảo vệ cái đúng. Tiếc là nhà trường chưa có những giải pháp tích cực để phát huy mặt mạnh và khắc phục giới hạn nói trên của HS.

Nguyên nhân HS chưa ngoan thì nhiều, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức trong nhà trường còn nhiều hạn chế

* Hai ông có ngạc nhiên về thực trạng đó?

- TS Ngô Minh Oanh: Chúng tôi không ngạc nhiên, vì thực trạng đã được báo động từ trước đó. Tuy nhiên, qua khảo sát tại 20 trường THPT thuộc 12 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi không vui với những con số nhận được.

Ví dụ, với câu hỏi "Hiểu biết của HS về truyền thống - đạo lý dân tộc (truyền thống yêu nước, cần cù lao động, hiếu học, "uống nước nhớ nguồn"...)?", hơn 55% HS biết rõ và rất rõ.

Nhưng với câu hỏi "HS tự đánh giá về mức độ đạt được lối sống theo truyền thống và đạo lý dân tộc VN?", thì hầu hết các nội dung đều chỉ đạt dưới 50%.

Ở câu hỏi "Mức độ hiểu biết về quyền và nghĩa vụ công dân?" cũng tương tự từ 58,8-85,4% biết rõ và rất rõ, nhưng mức độ đạt được của các em trong thực tế chỉ từ 31,6-68,6% (tùy nội dung).

* Theo hai ông, nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu?

- TS Ngô Minh Oanh: Việc giảng dạy, tổ chức thực hiện giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân qua các môn KHXH - NV (môn ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân...) tại các trường THPT còn nhiều hạn chế. Nội dung giáo dục ít thiết thực, HS ít được trải nghiệm; kiến thức môn học đi vào chi tiết, sự kiện, thiếu sức cảm hóa, giáo dục. 

Chương trình các môn KHXH - NV chưa có sự kết nối về nội dung, giáo viên còn hạn chế trong việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực; nhà trường, HS, phụ huynh chưa thấy lợi ích của môn học, một số môn còn bị coi là môn phụ, HS chưa tích cực học tập...

Nhóm nghiên cứu chúng tôi có tổ chức giảng dạy thực nghiệm và tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo ngoài giờ lên lớp cho HS một số trường THPT. Chúng tôi cho các em đến trại trẻ mồ côi, nơi nuôi dưỡng người khuyết tật, người già... tặng quà, thăm hỏi, chăm sóc các đối tượng này. 

Trở về, các em đã có sự chuyển biến về thái độ và nhận thức. Từ đó mới thấy nếu chúng ta có phương pháp giáo dục tích cực và phù hợp thì hiệu quả đạt được rất cao.

- TS Huỳnh Công Minh: Hiệu quả giáo dục chưa cao là do việc xác định trọng tâm cốt lõi của chương trình chưa rõ, còn dàn trải thiếu tập trung, phương pháp dạy học chưa có tính thu hút, chưa có sự kết hợp tốt giữa ba môi trường nhà trường - gia đình - xã hội và chưa phát huy tốt các bộ môn liên quan trong quá trình giáo dục hình thành nhân cách HS. 

Vì vậy, đề tài của chúng tôi mới đề xuất những biện pháp đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.

HS ngày nay được tiếp xúc với nhiều thông tin, nên chúng ta không thể giáo dục các em theo kiểu áp đặt, một chiều, hàn lâm và sáo rỗng. Nội dung nhà trường giảng dạy cho HS cũng cần thay đổi. Ví dụ, trước đây chúng ta dạy HS xả thân vì nước, thì nay chúng ta dạy các em sống có trách nhiệm, sống vì cộng đồng, vì mọi người

* Cần làm gì để việc dạy đạo đức cho HS đi vào thực chất hơn?

- TS Huỳnh Công Minh: Điều này đòi hỏi trình độ và năng lực của giáo viên đủ sức biên soạn giáo án phù hợp, thể hiện phương pháp dạy học thu hút HS; đòi hỏi thời gian và sự đánh giá của cán bộ quản lý đối với giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đòi hỏi điều kiện trải nghiệm của HS trong quá trình học tập, rèn luyện. 

Vì vậy, việc xác lập một lộ trình đổi mới, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và tham mưu, huy động toàn xã hội, dưới sự tổ chức điều hành của hệ thống chính trị sẽ đem lại kết quả tích cực cho hoạt động giáo dục đạo đức thế hệ trẻ.

Nói như vậy vì hiện nay giữa nội dung dạy học với thực tiễn có khoảng cách. Ví dụ, giáo viên dạy HS phải sống tốt nhưng nhà trường đó lại chạy theo thành tích, đối phó, làm mọi cách để có bảng điểm đẹp. Đây chính là bằng chứng phản lại những điều tốt đẹp mà giáo viên ra sức truyền đạt trong lớp học cho HS.

Những điều cần trang bị cho học sinh

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài nhận thấy cần trang bị cho HS ngày nay những phẩm chất cốt lõi như:

1 Có ý thức noi gương, làm theo các chuẩn mực truyền thống và đạo lý dân tộc.

2 Sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và người thân.

3 Sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, quốc gia, dân tộc, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân với Tổ quốc.

4 Yêu nước, cống hiến cho sự thịnh vượng của đất nước, quan tâm đến mọi người.

5 Trung thực, tự lập và cầu tiến; có khả năng lắng nghe, hội nhập, thích ứng và hợp tác.

6 Sống nhân ái, "thương người như thể thương thân".

7 Có ý thức và có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống.

8 Có thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn, có hiểu biết về thế giới mình đang sống.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên