22/05/2020 08:11 GMT+7

Tăng cường bảo vệ lao động ở nước ngoài

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhiều quy định mới có lợi cho người lao động vừa được Chính phủ trình Quốc hội ngày 21-5.

Tăng cường bảo vệ lao động ở nước ngoài - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ tham gia khóa học ngoại ngữ để xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản - Ảnh: MINH ANH

Trình bày tờ trình ngày 21-5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết dự thảo luật này hướng tới mục tiêu nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tri thức. 

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài và gia đình được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội, đảm bảo tiền lương, thu nhập và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dự thảo luật sửa đổi theo hướng nâng cao các điều kiện về vốn chủ sở hữu, ký quỹ, người đại diện theo pháp luật, nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp… 

Từ đó đảm bảo lựa chọn những doanh nghiệp thực sự hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và rất đặc thù này, từng bước hình thành các doanh nghiệp mạnh, có uy tín và trách nhiệm cao trong việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi các điều luật nhằm tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự VN trong việc quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài. 

Đồng thời, không sử dụng khái niệm "tiền môi giới" mà thay bằng khái niệm "thù lao theo hợp đồng môi giới" và quy định hai bên thỏa thuận về thù lao theo hợp đồng môi giới trong hợp đồng môi giới nhưng không vượt quá mức trần theo quy định. 

Sửa đổi, bổ sung các quy định về tiền ký quỹ, nội dung và cách thức xử lý tiền ký quỹ của người lao động; phạm vi bảo lãnh đối với người lao động; các nội dung chi của quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước nhằm kịp thời hỗ trợ, bảo vệ người lao động trong các trường hợp rủi ro; bỏ quy định về việc người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ...

Ngày 21-5, Quốc hội cũng đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình Luật doanh nghiệp sửa đổi và thảo luận về vấn đề này.

Nhiều đại biểu đề nghị cần phải đánh giá kỹ lưỡng về khái niệm doanh nghiệp nhà nước sở hữu từ 50% vốn góp của Nhà nước bởi không phù hợp và có thể kéo lùi quá trình cổ phần hóa. Đồng thời đề nghị không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp mà cần có luật riêng.

Tiếp thu giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng với việc cổ phần hóa, cơ quan soạn thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi đã đưa ra nhiều phương án: trên 35%, trên 50% và trên 65%, cuối cùng thống nhất phương án tối ưu là trên 50%.

Dự kiến có thể chia làm 2 loại: một loại là 100% của Nhà nước, một loại là từ 50% trở lên đều có quy định riêng.

Về hộ kinh doanh, nếu xây dựng một luật hộ kinh doanh mới sẽ mất rất nhiều thời gian, ít nhất 3 năm nữa. Hơn nữa, định danh cho loại hình hộ kinh doanh hiện nay chưa có nằm ở đâu. Dự thảo cũng bãi bỏ được một số rào cản đang vướng mắc và đang cản trở hoạt động của hộ kinh doanh, không làm phát sinh các thủ tục hành chính.

Dự thảo còn đưa ra các quy định tạo điều kiện, động lực để thúc đẩy các hộ kinh doanh có đủ điều kiện hoạt động theo loại hình doanh nghiệp phải chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.

NGỌC AN

Người đi lao động từ nước ngoài về phải báo chính quyền trong 30 ngày Người đi lao động từ nước ngoài về phải báo chính quyền trong 30 ngày

TTO - Người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày kể từ ngày về nước để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên