Gốc du sam đường kính rộng hơn một người ôm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung bị lâm tặc cưa hạ - Ảnh: SONG VIỆT |
Từ ba, bốn năm trước khi giới chơi đồ gỗ đang râm ran về những bộ du sam trăm triệu đồng, chúng tôi đã được nghe chính các cán bộ công an, kiểm lâm có tâm huyết ở huyện Đắk G’Long phàn nàn về việc du sam trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung bị cưa hạ.
Những ngày cuối năm 2016 này, khi được tận mắt chứng kiến cảnh tàn sát rừng Nam Nung, chúng tôi đã “sốc” trước mức độ chặt phá như chốn không người ở khu bảo tồn có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất này.
Du sam bị chặt phá khắp nơi
Ngày 22-9, chúng tôi được một số người dân thạo rừng dẫn vào các địa điểm mà lâm tặc tập kết gỗ du sam để chuẩn bị đưa ra ngoài.
Sau nhiều giờ đi bộ, chúng tôi tiếp cận được tiểu khu 1133 - Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Tiểu khu này nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, dốc dựng đứng và được cánh thợ săn gọi là “đỉnh trời”, đây cũng là nơi tập trung nhiều cây du sam có đường kính lớn, cao hàng chục mét.
Trước mắt chúng tôi, cảnh tượng đau lòng hiện ra: cả cánh rừng bị xé toạc bởi một gốc du sam có đường kính hơn 1,8m vừa bị lâm tặc đốn hạ, cưa xẻ. Tại hiện trường, toàn bộ phần gỗ đã được lấy đi nhưng qua dấu vết có thể xác định cây gỗ cưa hạ là cây cổ thụ, lượng gỗ hàng chục khối.
Ở trong rừng sâu, cảnh tượng tàn sát rừng để lấy gỗ du sam càng khốc liệt hơn. Hàng chục cây gỗ ngã đổ, những gốc du sam bị lưỡi cưa cắt ngang, nằm ứa nhựa. Vết mùn cưa và bìa gỗ còn tươi rói chứng tỏ cây mới được cưa hạ. Phần lớn những cây du sam bị cưa đều có đường kính từ 1,5-2m.
Ngoài tiểu khu 1133, chúng tôi còn bắt gặp cảnh lâm tặc tập kết nhiều phiến gỗ du sam ở các địa điểm khác nhau để chờ vận chuyển ra khỏi rừng.
Thấy chúng tôi xuất hiện, các lâm tặc tỏ rõ sự cảnh giác và đầy hung hãn. Toàn bộ gỗ mà lâm tặc tập kết được đặt rải rác ở các triền dốc, phủ bằng bạt hoặc lá cây, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lâm tặc “ngán” kiểm lâm hay lực lượng chức năng.
Từng khúc du sam xẻ vuông vức, kích thước lớn được tập kết chờ vận chuyển ra bên ngoài - Ảnh: SONG VIỆT |
Ông nói gà bà nói vịt
Trong những ngày lội rừng, điều làm chúng tôi không thể cắt nghĩa là vì sao trong thời gian dài, rừng bị phá như thế nhưng dường như chủ rừng và các đơn vị chức năng không ngăn chặn?
Một người đi săn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cho biết đường vào rừng rất hiểm trở, để cưa được gỗ và đưa ra bên ngoài là cả quá trình, có khi mất cả tháng trời.
Mỗi lần vào rừng, lâm tặc kéo cả chục người, mang theo cưa lốc, quần áo, chăn màn. Khi gỗ được cắt hạ, các loại máy kéo, máy tời hoạt động huyên náo, rừng bị đạp ngã rạp ào ạt chứ không hề yên tĩnh.
“Tôi đi rừng cũng rất nhiều lần thấy lâm tặc đưa gỗ du sam ra, mỗi lần chở họ mang xe cõng cả vài ba chục khối gỗ, động cơ gầm rú nhức óc, huyên náo cả rừng.
Để vận chuyển gỗ ra ngoài lâm tặc cũng phải băng qua lâm phận của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hòa và một số địa phương khác tại huyện Đắk Mil chứ không thể đi được con đường nào khác” - người đi rừng nói.
Lý giải về việc du sam trong rừng cấm đang bị tàn sát, giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung Đặng Xuân Lộc nói rằng có thể du sam đã bị chặt phá trước thời điểm tiểu khu 1133 được UBND tỉnh Đắk Nông bàn giao về cho Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.
“Nếu rừng giao cho đơn vị chúng tôi thì rất khó đụng đến. Đừng nói đến du sam mà các loại gỗ khác lâm tặc cũng rất khó để khai thác. Nếu nói du sam tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung bị phá là điều vô lý” - ông Lộc quả quyết.
Ông Lộc cũng tỏ ra nuối tiếc khi xem những hình ảnh du sam bị chặt ngổn ngang trong rừng Nam Nung mà chúng tôi trưng ra.
Trong khi đó, giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hòa Phạm Đình Dũng lại phủ nhận việc du sam bị tàn phá trước thời điểm tiểu khu 1133 được bàn giao cho Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.
Theo ông Dũng, trước khi nhận bàn giao tiểu khu 1133, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã tiến hành kiểm tra, khảo sát hiện trạng rừng, nếu phát hiện du sam bị tàn phá thì Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung chắc chắn đã lên tiếng.
Mặt khác, tại biên bản kiểm tra hiện trạng rừng, cũng như biên bản nhận bàn giao tiểu khu 1133, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung không hề đề cập đến chuyện du sam bị chặt phá.
Thậm chí, ông Dũng còn tỏ ra nghi ngờ: “Tôi làm giám đốc cả chục năm nay và không hề có chuyện du sam bị chặt phá. Vậy mà sau khi tiểu khu 1133 được bàn giao cho phía Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung lại xảy ra tình trạng chặt phá du sam. Tôi thấy việc này có cái gì đó không bình thường”.
Cây du sam cao lớn còn sót lại trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung |
Ông Lê Công Trường - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông nói rằng đã có sự “nghiêng ngả” của cán bộ quản lý bảo vệ rừng lẫn kiểm lâm. Vụ phá rừng du sam ở Nam Nung là vụ việc có quy mô lớn, liên đới trách nhiệm tới một số tổ chức và cá nhân nên Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh. Trong khi đó ông Lê Trọng Yên - giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông - cho biết sở đã đề nghị cơ quan công an sớm vào cuộc. Về trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, ông Yên cũng khẳng định: “Tôi đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh báo cáo, giải trình về vụ việc và sau đó sẽ đưa ra hướng xử lý”. |
Theo nhiều tài liệu, du sam (còn gọi là ngô tùng, thông dầu, tô hạp, mạy kinh) là cây thân gỗ lớn, cao từ 40-50m, thường mọc trên núi đá vôi với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Gỗ du sam được xếp vào nhóm 1A, thuộc nhóm bị đe dọa tuyệt chủng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận