28/01/2012 06:36 GMT+7

"Tám"... về con rồng

Luận văn thạc sĩ của BA LONG(Cọp-py, trích dẫn thoải mái, nhưng nhớ trả... tác quyền!)
Luận văn thạc sĩ của BA LONG(Cọp-py, trích dẫn thoải mái, nhưng nhớ trả... tác quyền!)

TTC Xuân - Mở bài: Trong 12 con giáp (nói chữ là “chi”), chỉ có rồng (tức “Thìn”) là con vật chưa ai nhìn thấy tận mắt bao giờ! Bởi vậy, đó cũng là con vật dễ... vẽ nhất, không ai cãi được. 11 con khác (Tí, Sửu, Dần, Mão...) vẽ sai sẽ bị chê ngay!

2ruMLAZb.jpgPhóng to

Thân bài: Chính vì không ai biết con rồng thứ thiệt ra làm sao, nên nó được tôn vinh lên mức huyền bí. Trong Tứ linh (tức là 4 con vật linh thiêng) thì rồng đứng hàng đầu: Long, Ly, Qui, Phượng (cũng có lúc gọi Long, Lân, Qui, Phụng).

Mấy vị đi học không chịu tập viết - hoặc trốn giờ viết tập - hay viết mà không ai đọc được, chẳng hạn như mấy ông bác sĩ, thì được gọi là chữ “rồng bay phượng múa” (thực ra cũng có người đọc được, là mấy nhà đại lý bán thuốc Tây thân quen).

Rồng cũng thường được lấy để đặt tên cho đẹp: miền Bắc có nơi “rồng xuống” - tức Hạ Long - lại có nơi “rồng lên” - tức Thăng Long - còn ở miền Nam thì ông bà mình chơi hẳn 9 con rồng - tức Cửu Long. Đến loại vô danh tiểu tốt như tui cũng được cha mẹ đặt tên “rồng” cho nó... oai (Ba Long)!

Tuy không ai mục sở thị con rồng, nhưng khi tô vẽ hay xây đắp, nó có qui ước hẳn hoi, không được tùy tiện. Phàm là đắp hình “long bàn, hổ cứ” (nghĩa là rồng uốn khúc, hổ ngồi) hay rồng chầu nhật nguyệt thì cũng phải theo nguyên tắc nhất định, chứ không thể thích làm kiểu gì cũng được. Có ngôi đền ở thủ đô khi trùng tu, vớ phải mấy ông kiến trúc dỏm chỉ đạo nên đắp hai con rồng phá cách, được dân gọi là hai con... rồng lộn đầu đuôi! Các sĩ phu Bắc hà đã phát hiện, báo chí đã nêu, nhưng... lỡ xây rồi nên được tồn tại!

Thiên hạ có câu ngạn ngữ rằng “Tấm huân chương cũng có mặt trái của nó” nên đôi lúc con rồng cũng có mặt trái; biểu tượng cho những chuyện chẳng hay ho gì. Chẳng hạn câu ví von: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo” mà năm qua có muôn vàn dẫn chứng hết sức... cụ tỉ.

“Ăn như rồng cuốn” có lẽ đứng đầu phải là mấy ông quan của một huyện thuộc thành phố, ăn ở nhà hàng chưa thỏa, còn thuê hẳn một cái phà ra nhậu trên sông, kèm cả mấy em chân dài; và “rồng cuốn” ra sao đó mà khiến một ẻm rớt xuống sông “đai” luôn.

Còn “Nói như rồng leo” thì vô địch phải là một ông Vụ phó của Bộ nọ phán xanh rờn trong một cuộc họp liên ngành: “Tôi không giỏi, nhưng cũng đi thi toán quốc tế”; nhưng báo hại là sau đó Cục khảo thí xác nhận ông này không hề đi thi toán quốc tế bao giờ! Còn vế thứ ba của câu ngạn ngữ này “Làm như mèo mửa” thì không dính đến con rồng, nên Ba Long tui không nêu ra đây, xin để các bạn của TTC bổ sung (nhưng chắc chắn sẽ có hàng ngàn dẫn chứng!).

Kết luận: Đây chỉ là bản tóm tắt của luận văn, nên chỉ nêu những vấn đề... vĩ mô.

Túm lại, “rồng” cũng có ba bảy loại rồng, và đi vào chi tiết cũng ối chuyện để bình lựng. Đề tài “mở”, nên ai thích thêm nếm gì, xin cứ nhào dzô!

WG5c8P35.jpgPhóng to
JkBKeM0d.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười Xuân Nhâm Thìn hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

Luận văn thạc sĩ của BA LONG(Cọp-py, trích dẫn thoải mái, nhưng nhớ trả... tác quyền!)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên