01/09/2009 07:30 GMT+7

Tắm trắng bằng đông dược, trắng tới đâu?

DS LÊ KIM PHỤNG (ĐH Y dược TP.HCM)
DS LÊ KIM PHỤNG (ĐH Y dược TP.HCM)

TT - Nhiều cơ sở thẩm mỹ đang quảng cáo rầm rộ cho phương pháp tắm trắng bằng đông dược. Thực tế làm trắng da kiểu này tin được đến đâu?

XXmiF1eM.jpgPhóng to
Ngoài việc sử dụng mỹ phẩm dưỡng da thì tinh thần vui vẻ lạc quan là yếu tố quan trọng để có làn da đẹp (ảnh mang tính minh họa) - Ảnh: Gia Tiến
TT - Nhiều cơ sở thẩm mỹ đang quảng cáo rầm rộ cho phương pháp tắm trắng bằng đông dược. Thực tế làm trắng da kiểu này tin được đến đâu?

Trong số các dược liệu nguồn gốc thảo dược hoặc khoáng chất, một số vị có màu trắng đục hoặc trắng ngà như: bạch chỉ, bạch phục linh, cát căn, hoài sơn, hoạt thạch, mai mực, thiên hoa phấn, tinh bột gạo và ý dĩ. Những vị thuốc này có thể được phối hợp làm thành một loại bột trắng nhưng không rõ liều lượng ra sao. Theo các tài liệu cổ, tác dụng và công dụng của các vị thuốc này được tóm tắt như sau:

- Bạch chỉ (rễ): khử phong hàn, giảm đau, trừ mủ... Chữa nhức đầu, cảm lạnh, bế kinh, sưng vú, ghẻ lở, 5-10g, sắc uống. Phối hợp với thiên hoa phấn và ý dĩ chữa mụn nhọt lâu ngày.

- Bạch phục linh (rễ): Lợi tiểu. Chữa phù thũng. Nếu tán bột bôi lên mặt có tác dụng chữa các vết đen sạm.

- Cát căn (rễ): thanh nhiệt giải độc. Chữa sốt cao, khát nước, nhức đầu, 8-20g/ngày, sắc uống. Phối hợp thiên hoa phấn và hoạt thạch đồng lượng rắc lên da ở những vùng ẩm ngứa.

- Hoài sơn (rễ): bổ tỳ vị, bình suyễn... Chữa viêm ruột, ăn không tiêu, di tinh, tiểu đêm, mồ hôi trộm, đái tháo đường, 10-20g sắc uống. Hoài sơn tươi giã nhỏ đắp lên da chữa mụn nhọt.

- Hoạt thạch: thanh nhiệt hạ sốt. Dùng bôi lên da cho trơn, mịn; uống chữa sốt, lỵ, vàng da.

- Mai mực: thông huyết mạch, cầm máu. Chữa đau dạ dày, loét dạ dày, mắt mờ, tai chảy mủ, uống 4-8g/ngày. Dùng ngoài rắc lên vết thương để cầm máu.

- Thiên hoa phấn (rễ): trừ mủ, tiêu thũng. Chữa sốt, vàng da, bệnh nhiệt người khô khát, sưng vú, trĩ lòi dom, 8-16g/ngày, sắc uống. Phối hợp bạch chỉ, ý dĩ, cát căn, hoạt thạch chữa mụn nhọt ghẻ lở.

- Tinh bột gạo: kiện tỳ, thông huyết mạch. Chữa ăn uống kém, suy dinh dưỡng, phù do thiếu vitamin.

- Ý dĩ (hạt): kiện tỳ bổ phế, thanh nhiệt lợi tiểu. Chữa sỏi thận, phong thấp lao lực, 8-20g ngày.

Tóm lại, theo các tài liệu ghi nhận, các vị thuốc trên chỉ dùng uống để chữa bệnh, hoàn toàn không nói đến công dụng làm trắng da, chỉ chữa mụn nhọt ghẻ lở khi rắc hoặc đắp trên da. Như vậy, muốn làm trắng toàn thân bằng các dược liệu kể trên thì khi chế biến chế phẩm phải đạt các yêu cầu sau:

1. Màu phải trắng, nhưng phải tuân thủ quy trình chế biến đúng quy cách của từng vị.

2. Mịn: kích thước của các tiểu phân bột phải đạt độ rất mịn để không làm khó chịu khi bôi lên da.

3. Ðộ tinh khiết: da rất nhạy cảm với các tạp chất hoặc nấm mốc còn lẫn trong dược liệu do chế biến không sạch.

4. Ðộ pH: da dễ bị kích ứng nếu thành phần của bột thuốc quá axit. Nên cần điều chỉnh để bột thuốc có tính trung hòa.

5. Mùi: nếu sử dụng thành phần tự nhiên của dược liệu, vài vị thuốc có mùi rất hắc và nồng. Vì vậy, chắc chắn phải có thêm hương liệu để có mùi dễ chịu hơn.

6. Ðể sử dụng lâu dài chắc chắn trong thành phần bột thuốc phải có chất bảo quản, nhưng chất gì và liều lượng bao nhiêu thì chưa rõ.

Khi dùng hòa bột với nước rồi thoa nhẹ lên da, vừa thoa vừa matxa toàn thân cho đến khi bột khô và bám một lớp mịn lên mặt da.

Tuy nhiên, dù chế phẩm có đạt đầy đủ các yêu cầu như trên nhưng vì đây là thuốc bôi lên da nên vẫn có thể xảy ra các sự cố sau đây:

- Phỏng, rộp da hoặc nổi mẩn, ngứa ngáy khó chịu... Do cơ địa mỗi người có độ nhạy cảm khác nhau với thuốc, người da dày, người da mỏng, người sắc tố đậm, người sắc tố nhạt... Vì vậy cần thử thuốc ở một diện tích tiếp xúc nhỏ trước khi sử dụng và chú ý liều lượng thích hợp cho từng loại da.

- Ngộ độc lâu dần: do sử dụng nhiều lần, thuốc có thể ngấm qua da và hấp thu vào máu, vì vậy có thể xảy ra hiện tượng không dung nạp và dị ứng thuốc sẽ xuất hiện ở những lần sau.

Ðể có một làn da đẹp cần chú ý các điều sau đây:

1. Thái độ, tinh thần trong cuộc sống: lạc quan, yêu đời, tích cực vận động cơ thể, sinh hoạt điều độ, chống mất ngủ, trầm cảm, bi quan, lo nghĩ nhiều dễ làm sạm da.

2. Tránh tiếp xúc môi trường ô nhiễm, bụi khói; không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, cà phê, rượu bia; không ăn quá cay, quá nóng...

3. Uống đủ lượng nước hằng ngày để thanh lọc cơ thể.

4. Ăn uống điều độ, đủ chất; ăn nhiều rau xanh, chất xơ, khoáng tố, trái cây có chứa chất chống nhăn, chống già như cam, chanh, bưởi, táo, lê, anh đào, ổi, lựu, đào, mơ, nho...

5. Phối hợp trong uống ngoài thoa, giúp khí huyết lưu thông, da dẻ mịn màng, sáng đẹp. Cổ phương có các bài thuốc như tứ quân (nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo) và tứ vật (xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược) hoặc thập toàn đại bổ (thêm hoàng kỳ, nhục quế) tác dụng bổ khí huyết toàn diện. Tuệ Tĩnh cũng có bài thuốc giúp phụ nữ có làn da sáng đẹp mịn màng, chống sạm, chống nám đó là đào hoa viên gồm ba vị hoa đào, hạt bí, trần bì tán bột hòa thành viên uống mỗi ngày.

6. Không tự ý sử dụng các mỹ phẩm chỉ nghe qua quảng cáo. Lưu ý đến thông tin của sản phẩm: nơi sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP, được kiểm chứng trên thực nghiệm, lâm sàng...

DS LÊ KIM PHỤNG (ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên