![]() |
Như một cơn siêu bão. Sau trận hòa 1-1 với Myanmar, mưa to gió lớn xuất hiện. Rồi đến khi thua Philippines vào ngày 27-11 thì siêu bão đã đổ bộ, quần nát làng bóng. Nhưng cái điều khủng khiếp nhất là siêu bão gần như không di chuyển! Siêu bão xà quần cho đến khi thua Thái Lan ngày 30-11, rồi tiếp tục ở lại cho đến giờ và chưa biết lúc nào mới tan! Thôi thì khỏi nói, những từ ngữ nào nặng nề nhất đều được tương lên mặt báo như “thất vọng”, “bết bát”, “bạc nhược”, “xấu hổ”, “nhục nhã”...
Trước hết, với tinh thần phê và tự phê, chúng tôi thừa nhận mình cũng có lỗi, thậm chí là lỗi to. Chúng tôi nhận lương cao, nhưng đá đấm chẳng ra gì khiến hàng chục triệu người thất vọng, bị mắng dữ dội là điều khó tránh. Cũng chẳng sai khi dư luận bảo rằng giá như thua vì kém tài thì còn dễ tha thứ, chứ thua vì chơi dưới phong độ, chơi như gà mắc tóc - đi ngược lại với truyền thống của người Việt mình là thể hiện ý chí chiến đấu - thì quả đó là điều khó dung tha.
Nhưng, chúng tôi chỉ muốn nói rằng, suy cho cùng chúng tôi cũng chỉ là “nạn nhân”, là một tấm gương phản ánh một góc của xã hội - như nhiều nhà bình luận thường nói.
Này nhé, mọi người mắng chúng tôi là đánh mất bản sắc của cha anh - đó là lối chơi thông minh, dựa vào đầu óc - để thay vào đó một lối đá thô bạo, ưa chuộng sức mạnh (dù mình chẳng mạnh!). Vâng, đúng thế thật. Nhưng cứ nhìn xã hội thì thấy, ngay đám học trò được cha mẹ cho đến trường ăn học đàng hoàng, thế mà đụng tí là hạ cẳng tay xuống cẳng chân, thậm chí móc cả dao kéo ra mà xử. Đi trên đường, chỉ va quẹt nhau một tẹo, thế mà đánh nhau bươu đầu sứt trán. Nhiều cái chết lãng nhách đã xảy ra trên đường phố vì những lý do không đâu. Chịu khó nhìn rộng như thế thì sẽ thấy cái lũ đá bóng chúng tôi suy cho cùng cũng là mang một góc hình ảnh của xã hội vào sân bóng đá mà thôi.
Mọi người mắng ông thầy chúng tôi là “gọi dạ bảo vâng” vì đang trong lúc dầu sôi lửa bỏng mà bộ trưởng ới một tiếng là cúc cung chạy đi hầu. gặp thầy Tây, xin lỗi, đừng có mơ! Nhưng phải chăng chỉ có ông thầy đá bóng mới mắc bệnh “gọi dạ bảo vâng”? cái này nó từ trong trường học, từ khi vỡ lòng kia. Đấy, báo chí chẳng đã viết rằng lũ học sinh ngày nay là một lũ cừu đó sao, khi thầy cô bảo chép văn mẫu là ngồi chép đến trẹo cả tay, mờ cả mắt; hiếm có chú nào dám bày tỏ chính kiến, tranh luận lại với thầy cô. Cái nếp ấy nó đi theo cho đến khi trưởng thành. Ở các cơ quan nhà nước, chuyện “thủ trưởng luôn luôn đúng” là nhan nhãn. Thế thì liệu có bất công quá không khi mắng ông thầy của đội tuyển là “gọi dạ bảo vâng”?
Rồi nữa, mọi người thường lấy chuyện thu nhập của chúng tôi ra mà chì chiết. Vâng, so với các anh chị em công nhân thì chúng tôi cao thật. Nhưng xin lỗi, trong xã hội khối gì người cũng làm như mèo mửa nhưng sống như ông hoàng? Chẳng qua vì thu nhập của chúng tôi được công khai, mọi người cứ lấy đó để so sánh với lương cứng của mình rồi la toáng lên rằng chúng tôi hưởng nhiều hơn thành quả làm ra. Nói thật nhé, nếu đúng là tất tần tật thu nhập theo đúng mỗi một món lương cứng của nhà nước, làm ơn trả lời giùm là tiền đâu để xây biệt thự, mua xe hơi, đi chơi golf, du lịch nước ngoài hà rầm?
Hay mọi người bảo rằng chi tiền cho bóng đá là lãng phí, thế thì chuyện nước ta làm đường cao tốc, xây dựng công trình mắc nhất thế giới thì sao?
Rồi mọi người mắng rằng mấy ông làm bóng đá không có lòng tự trọng, thất bại ê chề mà không biết nói lời từ chức. Vậy, làm ơn chỉ giùm ở ngành nào có người chịu từ chức khi thất bại não nề?
Hay nữa, mọi người cười cợt chuyện ông bóng rổ nhảy đi làm bóng đá, ông ngôn ngữ học cũng chỉ chỏ nói chuyện đá bóng... thì phải chăng trong xã hội không có chuyện ngồi nhầm ghế? Xin lỗi, hổng dám đâu!
Bóng đá tụi tui, chỉ hơn những ngành nghề khác có mỗi hai điểm:
1- Công khai trước mắt bàn dân thiên hạ nên cái dở lồ lộ ra ngoài!
2- Bóng đá thấp cổ bé miệng nên mặc tình ai mắng cũng được!
***
Trên đây là tâm sự của những người làm bóng đá, chơi bóng đá mà Chọt tôi ghi lại. Thoạt nghe thì hơi chói tai, nhưng đêm về ngẫm lại thì thấy họ nói cũng có lý, nên mới chép ra đây cho mọi người cùng đọc.
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận