17/11/2014 16:02 GMT+7

Bơi sẽ là số một...

CHỌT
CHỌT

TTC - Thua te tua ở A-xi-át (Asiad, đại hội thể thao châu Á), đội tuyển U-19 tuy được khen ngợi hết lời nhưng chưa một lần đứng lên bục vinh quang ở các giải từ ao làng cho đến châu lục..., đó là lý do để phóng viên thể thao Tuổi Trẻ Cười thực hiện một cuộc đối thoại với anh Thể Văn Thao...

* Thưa anh Thể Văn Thao, thấy anh và các đồng đội có vẻ rất vui với hiện tượng ăn cũng U-19, ngủ cũng U-19, đến độ U-19 khoác áo một Học viện đào tạo bóng đá tư nhân nhưng khi thi đấu cũng cử Quốc ca luôn...?

- Hê hê, sao không vui cho được. Cứ nhìn lại đi, bao nhiêu năm gần đây, có bao giờ người hâm mộ sướng như lúc này không? Cái sân bóng đá ở Tây Đô từ ngày xây đến giờ, các dãy khán đài xi-măng đóng rêu luôn vì chẳng mấy ai vào, vậy mà 40 ngàn chỗ ngồi đã không có một chỗ trống khi lứa cầu thủ U-19 thi đấu.

Nhiều người thiệt vô duyên hết sức, cứ bảo rằng anh em tụi tui hám thành tích mà quên đi một mục tiêu lớn của thể thao, đó là làm cho người hâm mộ sướng. Bây giờ người hâm mộ sướng rồi thì lại chê rằng U-19 chưa chiến thắng được giải nào... Thiệt là miệng lưỡi người đời.

* Nhưng công lao lớn để tạo nên hiện tượng U-19 là của cá nhân một ông bầu, chứ không phải là của gia đình Thể Văn Thao?

- Mấy ông nói thế mà nghe được à? Trong một gia đình, chỉ cần một đứa thành đạt là cha mẹ cũng đủ hạnh phúc rồi. Nói thật nhé, nếu chúng tôi hẹp hòi, không cho cái lò đào tạo của ông bầu ấy hoạt động, không cho các cầu thủ từ lò ấy khoác áo đại diện quốc gia thì làm sao nổi tiếng như hôm nay? Khi đánh giá bất cứ một sự vật hiện tượng nào, các bạn cũng cần phải xem xét toàn diện, nhiều mặt nhé.

* Anh nghĩ thế nào về nhận xét rằng có một sự lạm dụng U-19, khi bắt các em đá liên tục, hết giải này đến ngay giải khác, cụ thể gần nhất là vừa xong giải U-22 ở Bờ- ru-nây là về đá giải U-19 ao làng, rồi tiếp đến đi đá vòng chung kết U-19 châu lục, lại quay về đá tiếp U-21 và được biết sau đó đi đá luôn cả giải phong trào vô địch sinh viên ao làng?

- Chuyện đó cũng bình thường thôi, nó giống như anh có cái áo mới, ai cũng khen đẹp thì đương nhiên anh luôn thích mặc nó. Thế thôi...

* Mặc nhiều quá áo đẹp nhanh cũ, rách thì sao?

- Không có áo đẹp để mặc thì chê là nghèo. Có mà không mặc thì bảo là keo. Có và mặc nhiều thì bảo là xài không suy nghĩ... Miệng lưỡi thế gian là thế mà, hơi đâu bận tâm.

* Nhiều người cho rằng, một nền thể thao mạnh là phải phát triển đồng đều theo hình kim tự tháp. Nghĩa là phần đế càng rộng thì đỉnh mới càng cao. Phần đế ở đây được hiểu là thể thao học đường, là sân bãi phục vụ thể thao quần chúng...

Trong khi đó, chỉ một khảo sát nhỏ ở Xì-Gòn, nơi từng có một thời hoàng kim trong lĩnh vực thể thao, đã cho thấy phần đế ngày càng teo. Cụ thể hiếm có trường học nào có sân chơi cho học sinh chạy nhảy chứ khoan nói đến sân bóng đá, sân quần vợt, cầu lông, bóng chuyền, hồ bơi...

Tương tự, sân chơi thể thao cho quần chúng cũng biến mất, như hàng chục sân bóng đá trong Phú Thọ, sân Kị Mã ở quận 1, sân gôn ở Phú Nhuận... Vì vậy, người ta kết luận rằng thể thao thật khó vươn cao, anh nghĩ sao?

- Đúng là có chuyện sân chơi miễn phí biến mất, nhưng điều đó không có nghĩa là không có chỗ để chơi. Ví dụ nhé, ngày xưa làm gÌ có nhiều sân bóng mi ni cỏ nhân tạo như bây giờ. Vậy thì thanh thiếu niên đâu có thiếu chỗ chơi đâu...

*  Nhưng muốn chơi thì phải đóng tiền, mà sinh viên học sinh lấy đâu ra tiền để chơi?

- Các anh đòi hỏi quá đáng! Lúc nào cũng ca ngợi kinh tế thị trường, nhưng khi thể thao đi theo kinh tế thị trường thì lại chê trách. Mà chúng tôi nói cho anh biết, không phải bất cứ lĩnh vực nào cũng thị trường đâu nhé.

Cũng có môn mà chúng tôi làm đúng chuẩn theo kiểu các nước tiên tiến, nghĩa là cung cấp phương tiện tập luyện hoàn toàn miễn phí để toàn dân chứ không chỉ có sinh viên học sinh có thể tập luyện thoải mái. Và từ đó, chắc chắn sẽ phát hiện được nhiều nhân tài. Mà môn này cũng chẳng phải là môn vớ vẩn, nó là một trong hai môn đỉnh cao của Olympic đấy...

* Ôi, thú vị thế... môn gì thế?

- Môn bơi...

(Cuộc đối thoại ngưng ngang đây vì ngoài trời bắt đầu đổ mưa, phóng viên thể thao Tuổi Trẻ Cười phải đi gấp để quản lý mấy đứa nhỏ bơi từ trường học về nhà trên con đường biến thành hồ bơi di động).

Tuổi Trẻ Cười số 510 ra ngày 1/11/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

CHỌT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục