08/04/2013 08:48 GMT+7

Tám năm chờ một văn bản

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Những quy định nào chậm đi vào đời sống nhất trong số các nội dung của Luật phòng chống tham nhũng được Quốc hội ban hành năm 2005? Xin thưa, một trong số đó chính là điều 53 về kiểm soát thu nhập, quy định việc “Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”.

Cho đến nay, sau tám năm Luật phòng chống tham nhũng được ban hành và qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2007 và năm 2012, Chính phủ vẫn chưa đề xuất được với Quốc hội việc ban hành văn bản nêu trên.

Sự chậm trễ này đặt ra vấn đề lâu nay chúng ta không có văn bản quy phạm pháp luật mang tính hệ thống về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Các giải pháp, chính sách có liên quan chủ yếu trong các văn bản dưới luật, ví dụ như nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập, quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng... Không thể phủ nhận rằng một số quy định dưới luật đó đã bước đầu phát huy hiệu quả ở các mức độ khác nhau. Đơn cử, nghị định 68 về minh bạch tài sản, thu nhập đã tiến thêm một bước so với nghị định 37 trước đó với quy định bắt buộc công khai bản kê khai tại cơ quan làm việc.

Nhưng nếu như quy định dưới luật đã phần nào giúp khắc phục được tâm lý e ngại khi phải kê khai và hình thành cơ sở tài liệu ban đầu cho việc minh bạch tài sản, thu nhập của cá nhân thì rõ ràng tính pháp lý, hiệu lực và nghĩa vụ thực hiện của quy định sẽ cao hơn nhiều nếu được thông qua ở Quốc hội dưới dạng luật định. Hơn nữa, nếu chỉ đơn thuần kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, ai đó sẽ dễ dàng lẩn tránh sự kiểm soát bằng cách che giấu tài sản dưới tên người thân quen.

Vì vậy văn bản cần được xây dựng và ban hành ở tầm Quốc hội để xử lý các vấn đề liên quan đến bí mật đời tư và đặt trong tổng thể việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập của toàn xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh thu nhập ngoài lương của người có chức vụ, quyền hạn tăng và được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả những khoản thu nhập nhạy cảm như tiền hoa hồng, tiền được biếu tặng theo như một nghiên cứu khoa học mới đây từ Thanh tra Chính phủ.

Nhìn rộng ra nhiều nước, việc chính khách công khai tài sản, thu nhập cho toàn dân cũng như toàn thế giới biết là chuyện hết sức bình thường. Chẳng hạn như vừa qua báo chí đưa tin về việc công khai tài sản của Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nga Medvedev chi tiết đến từng chiếc ôtô. Khi lãnh đạo các nước công khai như vậy, có thể ai đó tin tưởng hoặc còn thắc mắc, nhưng ít nhất việc làm đó sẽ giúp người dân biết và giám sát, hoặc sử dụng thông tin làm cơ sở để so sánh sự biến động tài sản qua thời gian.

Rõ ràng để việc công khai cũng như kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thực chất, hiệu quả hơn - nhất là cán bộ cấp cao thuộc diện do Quốc hội bầu và phê chuẩn, đòi hỏi phải được xử lý bởi một đạo luật do chính Quốc hội ban hành.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên